Hỗ trợ doanh nghiệp

GrabCar không tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng

(DNVN) - Đó là ý kiến của ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ trong Chương trình "Vấn đề hôm nay" của Đài Truyền hình Việt Nam vừa qua.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, thực ra GrabCar không tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng bởi vì các điều kiện được áp dụng đều giống với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trước đây. 

 GrabTaxi không tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng bởi vì các điều kiện được áp dụng đều giống với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trước đây.

"Tức là GrabTaxi phải đưa các phần mềm áp dụng của mình vào các đơn vị hành khách kinh doanh theo hợp đồng đã có giấy phép kinh doanh của Sở Giao thông Vận tải cấp. Các xe đó phải được kiểm tra về chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường và phải được dán phù hiệu xe. Đồng thời lái xe cũng phải đảm bảo các yếu tố về sức khỏe, bằng cấp và đã được tập huấn" - ông Trần Bảo Ngọc nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Trần Bảo Ngọc cũng cho biết lý do dịch vụ GrabCar chỉ áp dụng thí điểm cho 5 tỉnh là vì hành lang pháp lý vẫn còn nhiều bất cập. Theo ông này, mặc dù ứng dụng dịch vụ GrabCar mang lại hiệu quả rất tốt cho đơn vị vận tải và người dân nhưng đồng thời nó cũng có những bất cập.

"Trong điều kiện kinh doanh vận tải chưa có hình thức ký kết hợp đồng bằng thông điệp điện tử mà chỉ có ký kết hợp đồng bằng văn bản. Chính vì vậy, để tạo ra khuôn khổ pháp lý, đưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vào nề nếp, phù hợp với các điều kiện hiện nay", ông Bảo cho biết.

Ông Ngọc cũng đánh giá, người tiêu dùng luôn mong giá cước vận tải thấp, sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, việc đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Nếu một doanh nghiệp không chịu những chi phí bắt buộc như doanh nghiệp khác và vì thế mà giá rẻ hơn thì cũng không phải là điều đáng khuyến khích. 

"Ngược lại, một doanh nghiệp ko biết quản lý hoặc tốn quá nhiều chi phí không cần thiết khiến giá cước bị đội lên cũng cần phải bị đào thải hoặc tái cơ cấu. Tuy nhiên, phải nói rằng việc cho thí điểm GrabCar sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhưng đó là sự cạnh tranh lành mạnh và cả người dân cùng doanh nghiệp", ông Ngọc cho hay.

 

Trước đó, ngày 26/1 vừa qua, Bộ GTVT đã chính thức cho phép triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án GrabCar) tại 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh, thời gian thí điểm hai năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). 

Được biết, các đơn vị tham gia thí điểm có Công ty TNHH GrabTaxi, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ này sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng Đề án trên phạm vi cả nước. Cho tới nay, Công ty TNHH GrabTaxi, với ứng dụng GrabCar là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối đầu tiên và duy nhất được công nhận đủ điều kiện thực hiện Đề án tại Việt Nam.

Nói về lợi ích của hành khách khi sử dụng GrabCar, ông Ngọc cho biết, nếu như trước đây hành khách muốn đi xe hợp đồng thì họ phải đến đơn vị kinh doanh vận tải để ký một hợp đồng văn bản, nhưng bây giờ với việc sử dụng dịch vụ này họ có thể ngồi tại nhà, ngồi tại công sở cũng có thể ký hợp đồng thông qua một thông điệp điện tử khi sử dụng smartphone, như vậy sẽ giúp hành khách tiết kiệm thời gian.

"Đặc biệt, khi sử dụng dịch vụ này sẽ giúp hành khách an toàn hơn, bởi vì mọi thông tin của phương tiện, lái xe đều được lưu trữ ở trong máy chủ và lưu trữ trong điện thoại nên người dân nếu có quên hành lý ở trên xe thì cũng có thể biết và lấy lại rất nhanh", ông Ngọc cho biết.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo