Hỗ trợ doanh nghiệp

Hà Nội sẽ 'mạnh tay' với doanh nghiệp chậm giảm cước vận tải

(DNVN) - Theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp nào chậm giảm giá cước vận tải 5 ngày so với quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính 5-8 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này được cho là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Liên quan đến việc tăng cường quản lý giá cước giao thông vận tải, trao đổi với báo chí mới đây, bà Vương Hằng - Trưởng ban giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, ngay khi có chỉ đạo của Bộ Tài chính, đơn vị này đã có công văn yêu cầu các hãng taxi và nhà xe chạy tuyến cố định kịp thời xem xét, kê khai lại giá cước cho phù hợp với diễn biến giá xăng dầu giảm mạnh trong 2 tháng trở lại đây.

Theo vị đại điện Sở Tài chính Hà Nội, sau khi có công văn đôn đốc doanh nghiệp vận tải, trong hai tuần tới, Sở Tài chính sẽ tổ chức đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với các doanh nghiệp và xử lý nghiêm sai phạm. 

Ảnh minh họa.

Vị này cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ-CP, DN chậm giảm giá 5 ngày so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính 5-8 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Chính vì thế, Sở này đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định cho phù hợp với thực tế. Sau khi kiểm tra, Sở sẽ tổng hợp báo cáo kê khai giá cước của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý nghiêm đơn vị vi phạm.

Trước đó, ngày 19/2, Bộ Tài chính đã có công văn số 2319 gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trên địa bàn. 

Tại công văn, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2015, giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm nhiều đợt, liên Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản chỉ đạo về tăng cường quản lý giá cước vận tải. Về cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai giảm giá cước góp phần bình ổn giá thị trường chung và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng, dầu tiếp tục biến động giảm: xăng Ron 92 được điều chỉnh giảm 04 lần, tổng mức giảm 2.650 đ/lít (tỷ lệ giảm khoảng 16%); dầu điêzen 0,05S được điều chỉnh giảm 03 lần, tổng mức giảm 2.400 đ/lít (tỷ lệ giảm khoảng 20%)

Trên cơ sở đó, nhằm tăng cường quản lý giá cước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và bình ổn giá cả thị trường chung, theo thẩm quyền quản lý chuyên ngành giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải. 

 

Cụ thể, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát lại giá nhiên liệu hiện nay so với giá nhiên liệu tính trong phương án giá cước đã kê khai liền kề trước để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu; phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin về mức giá kê khai của các đơn vị vận tải trên cùng tuyến cố định để thống nhất mức giá kê khai giữa 2 đầu tuyến; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá cước vận tải và kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo