Hỗ trợ doanh nghiệp

Hải Dương nói không với dự án FDI dệt may

Hải Dương là tỉnh tiếp sau Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu nói không với dự án FDI dệt may.

Nhiều địa phương đã hạn chế các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm do lo ngại ô nhiễm môi trường

 

Mặc dù mới chỉ là quyết định tạm dừng thu hút nhưng động thái này cho thấy Hải Dương cũng đã bắt đầu tính toán thiệt hơn khi thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong quyết định tạm dừng thu hút đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương đã đưa ra 6 lĩnh vực, đồng thời ban hành danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư từ năm 2015.

Theo đó, có 6 lĩnh vực thuộc diện tạm dừng thu hút đầu tư, bao gồm dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm); sản xuất da, giày da và các sản phẩm có liên quan và trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da; sản xuất nhựa tổng hợp, composit, sản xuất giấy từ bột giấy, cao su…

Các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch xây từ đất sét nung, vôi, tấm lợp có sử dụng amiăng; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; khai thác thô không qua chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản cũng thuộc diện bị Hải Dương tạm dừng thu hút đầu tư kể từ năm 2015.

Cùng với 6 lĩnh vực tạm dừng thu hút đầu tư, Hải Dương cũng đã ban hành danh mục 41 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Trong số này, có 6 dự án trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 2 dự án trong lĩnh vực giao thông - vận tải; 7 dự án lĩnh vực y tế - giáo dục…

Lãnh đạo Hải Dương khẳng định, danh mục này mang tính chất định hướng, tham khảo, nhà đầu tư vẫn có quyền lựa chọn những lĩnh vực, dự án đầu tư khác không nằm trong Danh mục địa phương đã ban hành.

Trước đó, lo ngại về ô nhiễm môi trường khi tỉnh mở cửa cho nhiều dự án dệt nhuộm trong khi một số tỉnh phía Nam đã bắt đầu đặt FDI dệt may vào danh mục ngành nghề thu hút có điều kiện.

Về vấn đề này, bà Bồ Ngọc Thu, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, nhuộm tác động rất lớn đến môi trường, do đó tỉnh Đồng Nai xếp vào diện thu hút có điều kiện nhằm kiểm tra, kiểm soát mức độ đáp ứng môi trường, khả năng xả thải của doanh nghiệp.

"Đảm bảo môi trường là một trong những điều kiện chính để cấp giấy chứng nhận đầu tư và BQL các khu công nghiệp tỉnh sẽ kiểm soát việc này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất thải. Ngoài ra, các yếu tố khác không có vấn đề gì lớn, chủ yếu là xem họ có đáp ứng các quy định của TƯ có liên quan đến đầu tư không mà thôi".

Cùng với Đồng Nai, ông Nguyễn Phước Lễ - GĐ Sở KHĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị hạn chế thu hút đầu tư, hoặc tạm dừng thu hút đầu tư mới đối với các lĩnh vực nhuộm, sản xuất da giày, may mặc nhằm bảo vệ môi trường địa phương.

Tương tự, ông Dương Tấn Thành - Trưởng Phòng Hợp tác Kinh tế - Đối ngoại tỉnh Bình Dương thừa nhận, nhìn từ góc độ kinh tế, thu hút FDI trong lĩnh vực dệt may ít nhiều cũng có đóng góp cho nền kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên bất cứ sự phát triển nào cũng phải trả giá. "Giá trị gia tăng mà dệt may mang lại là không đáng kể trong khi đó mối nguy hại với môi trường là rất lớn", ông Thành cho biết.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo