Hải Phòng nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài
Ðây được coi là một nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố và đất nước phát triển.
Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu và sớm đón nhận nguồn vốn FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản. Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới mở cửa, thành phố đã xác định rõ lợi thế so sánh, xu hướng phát triển kinh tế đối ngoại là động lực, giải pháp quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tính đến hết tháng 3-2012, trên địa bàn thành phố có 323 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 5,82 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 50% vốn đăng ký, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.
Ðông đảo các nhà đầu tư từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có mặt tại Hải Phòng. Trong đó, Nhật Bản đang đứng vị trí thứ nhất với 80 dự án và tổng số vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai về số vốn đầu tư với hơn một triệu USD và đứng thứ tư về số dự án (37 dự án).
Tổng số FDI đăng ký trong năm năm qua đã vượt 1,2 lần tổng số FDI thu hút được của tất cả các năm trước đó cộng lại. Ðóng góp của khu vực FDI vào GDP đạt mức trung bình trên dưới 15% trong năm năm trở lại đây. Thu hút đầu tư FDI những năm gần đây đã chuyển theo hướng tăng về dịch vụ, thương mại, bất động sản...
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp dần đi vào công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí, thân thiện với môi trường... Ðến nay, Khu công nghiệp Nomura với diện tích 153 ha đã cho thuê hết mặt bằng sản xuất và đang bước vào giai đoạn tiếp theo là xây dựng nơi đây thành khu công nghiệp kiểu mẫu (có nhà trẻ, siêu thị giá rẻ, nơi chữa bệnh cho công nhân)...
Những lợi thế về vị trí địa lý là đô thị cảng biển lớn, một trong ba cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi cho giao thương với các nước khu vực và trên thế giới, lại nằm trong hợp tác "hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung" trong giao thương với các tỉnh tây nam của Trung Quốc... đang được Hải Phòng tập trung tận dụng, khai thác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng.
Cùng với các chủ trương, chính sách cởi mở, thông thoáng của Ðảng, Nhà nước nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, Thành phố Hải Phòng cũng có nhiều những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn với những biện pháp chỉ đạo, điều hành sáng tạo của thành phố.
Ðể tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư, Hải Phòng thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, như việc cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài rút ngắn chỉ còn từ hai đến ba ngày; cấp chứng chỉ hành nghề cho lao động trong ngày nếu hồ sơ hợp lệ; tích cực phối hợp cùng các nhà đầu tư giải quyết những vấn đề như: Ổn định nguồn nhân lực, điện, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất...
Mới đây nhất, tháng 9-2011, UBND thành phố đã ra Chỉ thị số 26 về việc tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ðối với Hải Phòng, các nhà đầu tư Nhật Bản là một trong số những người cùng đồng hành với thành phố trong suốt chặng đường từ những năm đầu của công cuộc đổi mới cho đến nay với số lượng dự án tăng dần.
Thành phố Hải Phòng được đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi và đã được Chính phủ lựa chọn là một trong hai địa phương đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Từ đó, thành phố đã tập trung cao trong thực hiện chủ trương mở rộng, sẵn sàng đón nhận "làn sóng" đầu tư từ Nhật Bản và coi đây là một cơ hội của sự phát triển. Thành phố chủ trương xây dựng một khu công nghiệp đô thị chuyên sâu với dịch vụ hoàn chỉnh dành riêng cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tại Tràng Cát.
Các đoàn công tác của thành phố đã tăng cường hoạt động nghiên cứu, khảo sát mô hình phát triển, quản lý khu công nghiệp mới và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Hải Phòng từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Mặt khác, Hải Phòng tiếp tục ưu tiên và thúc đẩy việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Thành phố tập trung phối hợp các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn trong đẩy nhanh các công trình giao thông trọng điểm quốc gia như: tuyến đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện chuẩn bị xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Dự kiến đến năm 2014, các cầu tàu với mực nước sâu đến 14m, có thể tiếp nhận tàu hơn 10 vạn tấn cập cảng sẽ được đưa vào khai thác. Sân bay Cát Bi đang được xúc tiến để xây dựng thêm đường băng mới dài 3.000m, đủ điều kiện mở thêm tuyến bay quốc tế; hệ thống các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng đồng bộ được khẩn trương hoàn thiện, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Năm 2012, Hải Phòng phấn đấu đạt tổng số vốn đầu tư FDI khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên nhìn vào thực tế, thu hút FDI tại Hải Phòng vẫn còn một số bất cập cần sớm được khắc phục. Ðó là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, khu vực với cảng cửa ngõ quốc tế, dịch vụ cung cấp điện, nước, các khu công nghiệp, cảng hàng không quốc tế còn hạn chế.
Thêm vào đó là tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, san nền, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp và đầu tư hạ tầng trong khu công nghiệp chậm so với nhu cầu phát triển chung của thành phố cũng như của các doanh nghiệp.
Các dịch vụ tiện ích xã hội như khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu nhà ở cho công nhân, trường học và bệnh viện quốc tế còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo lắng về thủ tục hành chính liên quan việc cấp giấy phép đầu tư, xây dựng một hành lang pháp lý mở và cải thiện nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.
Theo Nhân Dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam tiến vào kỷ nguyên xanh
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được kết nối với các quỹ ngoại
Ba thương hiệu thuộc DNP Holding được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Vinamilk 16 năm liên tiếp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam
Sao Thái Dương vinh dự đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9
Đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc