Hàng chục công ty đa cấp bị rút giấy phép và xóa sổ
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tính đến đầu tháng 11/2016, có 14 công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Hiện tại, chỉ còn 42 doanh nghiệp hoạt động, giảm 25 doanh nghiệp so với con số 67 công ty hoạt động trong năm 2015, theo TTXVN.
Đánh giá của Cục Quản lý Cạnh tranh cho thấy, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Trong các vi phạm phổ biến có hoạt động lợi dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận Bán hàng đa cấp nhưng vẫn lén lút hoạt động để huy động người tham gia thu lợi bất chính.
Trước tình hình đó, năm 2016, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp đã mang lại nhiều kết quả tích cực và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động bán hàng đa cấp.
Kết quả là từ tháng 6 năm 2015 đến tháng 11 năm 2016, Bộ đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt hơn 11 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của địa phương, từ đầu năm 2016 đến nay, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp vi phạm với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cũng đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng. Ngoài ra, 18 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên cả nước nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng theo quy định đã bị phát hiện và xử lý với số tiền phạt là 653 triệu đồng.
Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới, để tiếp tục quản lý hoạt động bán hàng đa cấp Bộ sẽ tích cực triển khai công tác xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42 để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần), doanh thu của các doanh nghiệp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).
Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (1.162.000 người). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã nộp các loại thuế với tổng số tiền gần 453 tỷ đồng.
Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31.65%), đồ gia dụng (12.33%).
End of content
Không có tin nào tiếp theo