Hỗ trợ doanh nghiệp

Hàng không ngoại cấp tập đến Việt Nam

Nhiều hãng hàng không nước ngoài mở thêm đường bay quốc tế mới đi và đến Việt Nam.

Mới đây, Hãng hàng không Finnair (Phần Lan) thành viên của One World (liên minh hàng không quốc tế khai thác hơn 800 chuyến bay hàng ngày tới 149 quốc gia trên thế giới) đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam và lựa chọn Công ty Du lịch Biển Đông làm tổng đại lý.

 

Việc tham gia thị trường Việt Nam của Finnair đánh dấu bước phát triển quan trọng của Hãng trong việc mở rộng mạng đường bay đến khu vực Đông Nam Á.

 

Ông Retteri Kostemaa, Giám đốc Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Finnair cho hay: “Khu vực châu Á, với 11 điểm đến, hiện chiếm tới 65% doanh số toàn cầu của Finnair, trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng mà Hãng dự kiến sẽ mở đường bay trực tiếp từ Thành phố Helsinki trong tương lai”.

 

Từ Việt Nam, Finnair có sản phẩm liên doanh với các hãng hàng không khác, gồm Vietnam Airlines, Cathay Pacific, Jetstar để tạo các điểm trung chuyển kết nối với chuyến bay của Hãng đến Helsinki, các điểm nội địa Phần Lan và hơn 60 điểm đến châu Âu.

 

Nhân dịp khai trương hoạt động thương mại tại Việt Nam, Finnair đã công bố mức giá vé khuyến mãi hấp dẫn với chỉ 635 USD, áp dụng từ ngày 3/5 đến 30/6/2012 cho lịch bay từ ngày 3/5 đến 30/6 và từ ngày 1/9 đến 30/11 đối với chặng từ Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh đến Helsinki, các điểm đến nội địa Phần Lan và khắp châu Âu.

 

Trước đó, các hãng hàng không có tên tuổi khác cũng liên tục tăng chuyến và mở đường bay mới tới Việt Nam.

 

Chẳng hạn, Cebu Pacific (Philippines) khai trương đường bay mới Manila - Hà Nội, với tần suất 2 chuyến/tuần. Cuối tháng 3, Hãng hàng không United (Mỹ) và ANA (Nhật Bản) thông báo mở rộng Liên doanh xuyên Thái Bình Dương, cho phép hai hãng này hợp tác về giá, mạng bay trên tuyến Việt Nam - Mỹ bắt đầu từ ngày 1/4/2012.

 

Với việc mở rộng liên doanh, khách hàng Việt Nam được lựa chọn đường bay đi Mỹ trung chuyển qua Hồng Kông hoặc Nhật Bản đối dịch vụ của với cả hai hãng.

 

Không chỉ với vận tải hành khách, nhiều hãng vận chuyển hàng hóa đường không cũng quan tâm đến Việt Nam. Trong tháng 3 năm nay, Hãng Saudi Airlines Cargo (Saudi Arabia) đã triển khai dịch vụ chở hàng từ TP.Hồ Chí Minh tới vùng Trung Đông và Frankfurt (Đức), với tần suất 2 chuyến/tuần.

 

Ông Lại Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc nhiều hãng hàng không nước ngoài mở đường bay mới, tăng cường tần suất chuyến bay đến Việt Nam là một tín hiệu khả quan. Theo ông Thanh, động thái đó có phần xuất phát từ yếu tố thị trường rất tiềm năng và những ưu đãi mang tính “cú hích” của Việt Nam.

 

Thứ nhất, về tiềm năng thị trường, Việt Nam có thị trường hàng không tăng trưởng khá cao. Theo Cục Hàng không Việt Nam,năm 2011, ngành hàng không Việt Nam đạt mức tăng trưởng 14%.

 

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Brazil); đến năm 2015, thị trường này sẽ có 34 - 36 triệu lượt hành khách; đến năm 2019 sẽ đạt 52-59 triệu lượt hành khách.

 

Trong khi đó, vận tải hàng hóa sẽ tăng lên 850.000 – 930.000 tấn vào năm 2015 và 1,4 - 1,6 triệu tấn vào năm 2019.

 

Thứ hai, về yếu tố ưu đãi, tháng 11/2011, Bộ Tài chính đã có quyết định điều chỉnh giảm một số loại phí dịch vụ (mức giảm cao nhất lên tới 50%) đối với các hãng hàng không lần đầu mở đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam; hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam vào giờ thấp điểm; hãng hàng không Việt Nam lần đầu tham gia khai thác thị trường vận chuyển hàng không.

 

Tuy nhiên, một nghịch lý là, trong khi các hãng hàng không nước ngoài tăng cường thâm nhập thị trường Việt Nam, thì các hãng hàng không nội địa lại đuối hơn ngay chính trên sân nhà.

 

Minh chứng là, Hãng hàng không Indochina Airlines đã biến mất, Trãi Thiên Air Cargo bị rút giấy phép do không chứng minh được năng lực tài chính. Còn Air Mekong, Vietjet Air đang trong chặng đường củng cố phát triển, khẳng định vị trí, xây dựng thương hiệu.

 

Mới đây, Jetstar Pacific đã thuộc về Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sau khi chuyển nhượng gần 70% vốn do liên tục hạch toán lỗ, có lúc lỗ đến hàng ngàn tỷ đồng. Ngay bản thân Vietnam Airlines cũng đang trong quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa để đáp ứng được bài toán đầu tư tăng trưởng hiệu quả trong bối cảnh khó khăn.

 

Rõ ràng, để khai thác được thị trường tiềm năng, nhưng cạnh tranh rất khốc liệt này, đòi hỏi các nhà đầu tư phải có tiềm lực mạnh về vốn, nhân lực và kinh nghiệm kinh doanh - những yếu tố thường nằm trong tay các hãng hàng không ngoại, vốn làm chủ trong nhiều cuộc chơi.

 

 

Theo Đầu tư

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo