Hàng Việt đang “tấn công” giành lại các siêu thị
Tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm hơn 90%, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Hàng Việt tạo niềm tin với người tiêu dùng
Chị Nguyễn Thị Hảo (ở 34 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường có thói quen mua sắm hàng thiết yếu cho cả gia đình vào ngày cuối tuần. Những đồ dùng này chị có thể mua tại cửa hàng tạp hóa gần nhà, nhưng chị vẫn đến siêu thị Intimex Bờ Hồ bởi tại đây chị có nhiều sự lựa chọn về mẫu mã, cũng như so sánh về giá cả sản phẩm.
Nhìn vào giỏ hàng chị Hảo chọn mua thấy tất cả hàng hóa đều là hàng sản xuất tại Việt Nam. Chị Hảo cho biết, trước đây chị hay mua những sản phẩm giá rẻ mà không cần để ý tới chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, thì nay chị đều xem kỹ có phải là hàng “made in Việt Nam” hay không thì mới chọn mua.
Theo chị Hảo, xu hướng mua sắm của chị thay đổi cũng một phần qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Và quan trọng hơn, chất lượng cũng như mẫu mã hàng hóa trong nước luôn được cải tiến, giá cả phù hợp đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
“Tôi chủ yếu sử dụng các sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam như quần áo, hàng nông sản, nước mắm, nước rửa bát, xà phòng giặt,… Tôi chuộng các sản phẩm của Việt Nam không chỉ vì giá thành hợp túi tiền của mình mà chất lượng của các mặt hàng này ngày càng tương đương hàng nhập ngoại. Đặc biệt là hàng may mặc gần đây đã có những bước tiến lớn về chất lượng, mẫu mã”, chị Hảo cho biết thêm.
Một cuộc điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương hồi tháng 7/2014 cho thấy, sau 5 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận thức của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của người sản xuất được nâng lên rõ rệt. Có 63% người tiêu dùng khẳng định lựa chọn hàng Việt Nam để mua sắm trong quá trình sử dụng, tiêu dùng. Tỉ lệ này đạt cao nhất ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM khi có tới 73% người tiêu dùng thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngoại sang hàng nội.
Cũng theo đánh giá của các hệ thống phân phối lớn, gần đây hàng Việt đã được chú trọng nhiều đến chất lượng, mẫu mã nên được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận nhiều hơn. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.
Đưa hàng Việt vào siêu thị
Đại diện Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Đặc biệt, ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh trên 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm đến 95%. Mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất là rau củ quả và trái cây, đạt 200 tấn/ngày.
Doanh thu hàng Việt năm 2014 tại Saigon Co.op ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng, trong đó, ngành hàng thực phẩm đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt trên 90% trong cơ cấu hàng hóa
Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, Saigon Co.op đã tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, cải tiến hệ thống hậu cần, quy trình hoạt động để nâng cao năng lực vận hành, tiết giảm tối đa chi phí, nâng cao năng xuất lao động từ đó giảm giá thành và cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá tốt nhất cho khách hàng.
Bên cạnh việc triển khai bán hàng Việt trong hệ thống siêu thị ở khắp cả nước, mỗi năm Saigon Co.op còn tổ chức hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn. Đây là hoạt động thường xuyên của Saigon Co.op nhằm góp phần tích cực đưa hình ảnh hàng hóa Việt Nam gần gũi với người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.
Đồng hành cùng hàng Việt là một trong những mục tiêu và chiến lược kinh doanh của Big C. Ông Hồ Quốc- Giám đốc Quan hệ công chúng Big C cho hay, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Big C luôn chú trọng phát triển các gam hàng Việt trong siêu thị và tích cực quảng bá đến người tiêu dùng. Hiện 95% hàng hóa trong siêu thị là hàng sản xuất tại Việt Nam, có những mặt hàng Việt chiếm tới 99% như ngành hàng tươi sống (rau-củ-quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản).
Khảo sát tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) cho thấy, các mặt hàng sản xuất trong nước được bày bán tại các vị trí bắt mắt, dễ nhìn. Nhiều sản phẩm bánh kẹo, hàng may mặc trong nước được bày ở những gian hàng trung tâm… Trong các trương trình khuyến mại, Big C cũng dành vị trí ưu tiên cho các sản phẩm nội địa.
Bên cạnh đó, nhằm có được nguồn cung ứng hàng Việt ổn định với giá cả phải chăng, chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, Big C đã phát triển các dự án thu mua tận nguồn tại các vùng nguyên liệu lớn trên cả nước như dự án trái cây đồng bằng sông Mê Kông, rau củ quả Đà Lạt; đồng hành với các nhà sản xuất để phát triển các dự án hướng đến chất lượng sản phẩm như dự án xúc tiến trồng rau củ sạch, dự án thịt chất lượng….
Một trong những điểm nổi bật của Big C trong mục tiêu đem hàng Việt tiếp cận sâu rộng hơn với các tầng lớp nhân dân là việc triển khai thành công dịch vụ xe buýt miễn phí dành cho khách hàng ở xa, tạo điều kiện cho họ có cơ hội mua sắm, tiếp cận nguồn hàng Việt phong phú, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là đến năm 2020 có 100% doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến cuộc vận động, 100% các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức được kênh truyền thông Tự hào hàng Việt; hàng Việt có thế mạnh chiếm hơn 85% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, bên cạnh sự đồng hành của hệ thống các siêu thị trong nước cần có sự kiên trì phấn đấu của các doanh nghiệp từ sản xuất kinh doanh tới dịch vụ phân phối; đồng thời gắn kết tiêu dùng với văn hóa để khơi gợi niềm tự hào tự tôn dân tộc, xem việc sử dụng hàng Việt là hành động thiết thực giúp sản xuất trong nước phát triển./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo