Hàng xuất khẩu Trung Quốc được ưu đãi đủ kiểu
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang có chiến lược xâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, thông qua việc mua lại các doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn thua lỗ...
Trở về từ chuyến khảo sát thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Lâm Viên - chủ tịch hội đồng quản trị Vinamit - cho biết chính phủ nước này đang triển khai một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc đẩy hàng hóa đi các nước, tập trung vào những nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Các chính sách như hoàn thuế, hỗ trợ lãi suất nhằm kích thích doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều càng tốt.
Thậm chí công ty Việt Nam có văn phòng tại Trung Quốc, mua hàng của Trung Quốc xuất về Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi này. Theo đó, chỉ cần mua hàng, nguyên vật liệu của Trung Quốc phục vụ xuất khẩu, doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất 0% cho 30% giá trị đơn hàng.
Tất cả mặt hàng xuất khẩu sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng 17%, chưa kể các chương trình hỗ trợ mua máy móc, thiết bị do Trung Quốc sản xuất với mức ưu đãi nhất.
Chính quyền Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, công xưởng khi hỗ trợ vay vốn lãi suất chỉ từ 1-2%. Những điều kiện đó nhằm giúp doanh nghiệp Trung Quốc có thể sản xuất ra những sản phẩm số lượng lớn với chi phí rẻ nhất.
“Trung Quốc đang tìm mọi cách để phủ hàng hóa tại thị trường Việt Nam một cách nhanh và sâu nhất. Ngoài nông sản, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, may mặc của Việt Nam khó cạnh tranh lại được” - ông Viên nói.
Lập lá chắn Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa hoàn tất chuyến đi tiền trạm tại Quảng Châu và Tứ Xuyên cho dự án “Phát triển thị trường tại Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt” vào đầu tháng 5 sắp tới. Đây được xem là một cách chủ động để phòng thủ khi hiệp định ASEAN + 1 có hiệu lực, thu hẹp phần nào khoảng cách trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. |
Theo ông Lâm Hải Vương - trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Vifon, chính nhờ những chính sách hỗ trợ vốn vay và thuế từ phía chính phủ, thương nhân Trung Quốc rất linh hoạt trong đàm phán giá cả và có thể đáp ứng những đơn đặt hàng lớn, giá mềm.
Sự năng động của thương nhân Trung Quốc còn được thể hiện bằng việc sang thị trường Việt Nam mở cửa hàng, hay lớn hơn là quy mô kho hàng để cung ứng hàng hóa kịp thời cho đối tác Việt Nam.
Trong một cuộc tiếp xúc gần đây với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Tô Quốc Tuấn - tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc - cho biết đại diện Câu lạc bộ doanh nhân tại Trung Quốc đã tìm gặp lãnh sự đặt vấn đề mở đường đưa hàng hóa của 15.000 doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam.
Họ muốn thuê 5-10ha đất mở một siêu thị trưng bày, kinh doanh hàng Trung Quốc tại Việt Nam.
Siêu thị này sẽ cung ứng đa dạng các mặt hàng với mức giá rẻ tới hàng cao cấp. Trong khi chờ đợi vào Việt Nam một cách chính thống, các doanh nhân này vẫn chọn con đường tiểu ngạch nhưng chủ động kết hợp với doanh nghiệp, tiểu thương Việt Nam để trở thành nhà phân phối cho chính hàng hóa của mình.
Theo ông Trần Vũ Nguyên - phụ trách dự án xúc tiến thị trường Trung Quốc của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, không ít doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực tài chính đang xúc tiến việc mua lại các xưởng, nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam để xâm nhập thị trường Việt Nam.
“Doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua lại các doanh nghiệp thua lỗ, do họ có thể hưởng thuế ưu đãi trong nước từ việc khai báo lỗ này, đồng thời nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp” - một doanh nghiệp thực phẩm nói.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo