Hỗ trợ doanh nghiệp

Hapro doanh thu hàng ngàn tỷ nhưng lãi vài chục tỷ do kém hiệu quả ở hầu hết các mảng

Ước tính doanh thu của Hapro đạt khoảng 4.520 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 60 tỷ đồng trong 2017, theo báo cáo của CTCK Rồng Việt. Năm 2018, con số lợi nhuận khoảng 86 tỷ đồng.

Ngày 30/3 vừa qua, phiên đấu giá gần 76 triệu cp, chiếm 34,51% vốn điều lệ của Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã diễn ra tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Kết quả đăng ký mua cổ phần Hapro cho thấy có tổng cộng 346 nhà đầu tư đăng ký mua 93,2 triệu cổ phiếu. Trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân với khối lượng đặt mua là 92,5 triệu cp; chỉ có 2 nhà đầu tư tổ chức muốn mua 700.000 cp.

Hapro hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu và thương mại nội địa, sở hữu hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh mang thương hiệu Hapromart, HaproFood và Tràng Thi cũng như những tên tuổi lâu đời như kem Thủy Tạ và gốm Chu Đậu.

Những năm gần đây kết quả kinh doanh của công ty đi xuống do vấp phải sự cạnh tranh trong ngành bán lẻ cũng như tình hình xuất khẩu không được thuận lợi.

Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt, năm 2017, ước tính Hapro sẽ ghi nhận doanh thu 4.520 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Lợi nhuận ròng chỉ đạt 60 tỷ đồng, tăng trưởng 30%.

Hoạt động kinh doanh xuất khẩu đóng góp 47% doanh thu và 27% lợi nhuận gộp của Hapro. Hàng hóa xuất khẩu của Hapro hiện vươn tới 70 nước và khu vực trên thế giới. Một số các mặt hàng chủ đạo của công ty như hạt điều tới Mỹ, Hà Lan, Canada, Philippine, Trung Quốc, mặt hàng tiêu và cà phê tới một số nước Trung Đông, UAE, Hàn Quốc.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hapro có sự giảm sút so với năm 2016. Nguyên nhân đến từ mức giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tổng công ty như hạt tiêu chiếm tỷ trọng lớn có mức giảm giá rất lớn trên thị trường thế giới, có thời điểm giá thế giới giảm hơn 50%. Thêm nữa, đặc thù tập trung vào mảng xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đã qua sơ chế đóng gói có biên lợi nhuận rất thấp.

Mảng xuất khẩu của Hapro chỉ có biên lợi nhuận gộp 4.3% và biên lợi nhuận ròng 0.16%. Theo định hướng của công ty, tới năm 2020 doanh thu xuất khẩu đạt 3.980 tỷ (CAGR 17%), biên lợi nhuận gộp 8.6% và biên lợi nhuận ròng 0.64%. Doanh thu xuất khẩu sẽ chiếm 80% tổng doanh thu công ty.

Tuy nhiên VDSC không đánh giá cao triển vọng của hoạt động xuất khẩu vì biên lợi nhuận rất thấp và chịu nhiều cạnh tranh. Theo số liệu 6 tháng đầu năm 2017, thị phần xuất khẩu hạt điều của công ty đạt 2,2% trong khi xuất khẩu gạo chỉ đạt 0,5%.

Với mảng kinh doanh kem và nhà hàng Thủy Tạ, VDSC cho rằng khó có sự đột phá. Trong khi, mảng kem gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, mảng nhà hàng đang có biên lợi nhuận gộp cao hơn.

Giai đoạn 2012-2017, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung chỉ đi ngang, không có xu hướng bứt phá đáng kể nào, riêng lợi nhuận sau thuế các năm gần đây còn giảm so với 4-5 năm trước.

Ở mảng bán lẻ, các cửa hàng của Hapro có hiệu suất hoạt động chưa cao mặc dù tọa lạc tại những vị trí đắc địa Hà Nội. VDSC kỳ vọng cổ đông chiến lược Vinamco – công ty con của Tập đoàn BRG sẽ thực hiện những thay đổi triệt để nhằm phát huy thế mạnh của Hapro như tái cơ cấu danh mục hàng hóa và chuyển đổi mô hình kinh doanh của các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Mặt khác, các cửa hàng kim khí đang có sự sụt giảm rõ rệt.

Về lĩnh vực bất động sản, với lợi thế tại các vị trí đắc địa, các dự án thương mại sẽ đạt hiệu quả cao, mang lại dòng tiền ổn định cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án bất động sản trong quá khứ chậm và kỳ vọng từ nhà đầu tư chiến lược. Công ty có lợi thế về quỹ đất nhưng không có nguồn lực dồi dào cộng thêm các yếu tố khách quan như thị trường, lãi suất,… trong quá khứ khiến cho các dự án triển khai chậm. Việc công ty Vinamco, công ty con của tập đoàn BRG, dự kiến mua 65% cổ phần chiến lược từ Hapro sẽ là yếu tố xúc tác cho việc phát triển quỹ đất vàng của công ty.

Sang năm 2018, VDSC ước tính, Hapro sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lần lượt 5.051 tỷ đồng và 86 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 68%.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo