Hỗ trợ doanh nghiệp

Hapro sẽ IPO vào cuối tháng 3

Tổng công ty Thương mại Hà Nội sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của thủ đô cổ phần hóa.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc đăng ký làm đại lý đấu giá và thời gian đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Theo đó, Hapro dự kiến chào bán gần 76 triệu cổ phần, tức 34,51% vốn điều lệ vào sáng ngày 30/3 tại HNX.

Là doanh nghiệp đầu tiên của Hà Nội cổ phần hóa, tổng công ty này được định giá hơn 2.800 tỷ đồng, tương đương với giá khởi điểm là 12.800 đồng mỗi cổ phần cho phiên đấu giá.

Hapro được định giá 2.800 tỷ đồng khi IPO vào cuối tháng 3.

Ngoài 34,51% vốn chào bán trong phiên IPO sắp tới, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Công ty Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - một thành viên của Tập đoàn BRG, là cổ đông chiến lược mua 65% vốn và 0,49% bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên.

Hapro được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu và phát triển hạ tầng thương mại của Thành phố Hà Nội.

Tổng công ty là đơn vị đứng đầu về 4 nhóm sản phẩm xuất khẩu là hạt điều, hạt tiêu, gạo và các mặt hàng gia vị, với thị trường trên 70 nước và khu vực của thế giới. Ngoài ra, trong mảng kinh doanh thương mại nội địa, Hapro cũng đang phát triển hệ thống siêu thị với thương hiệu HaproMart và HaproFood, cùng các hệ thống cửa hàng chuyên doanh thời trang, hàng lưu niệm và dịch vụ ăn uống.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động của tổng công ty cũng phản ánh rõ đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu với mức biên lợi nhuận khá khiêm tốn. Trong những năm gần đây doanh thu của Hapro thường duy trì ở mức 3.000 - 3.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận hiếm năm nào vượt quá 40 tỷ đồng.

Theo đại diện tổng công ty, bản chất hoạt động dưới vai trò trung gian phân phối, xuất khẩu hàng hóa nên biên lợi nhuận gộp với từng mảng hoạt động của công ty thường khá thấp, dẫn đến đặc điểm doanh thu cao, song lợi nhuận hàng năm chỉ ở mức vài chục tỷ đồng. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh ở các thị trường cũng tác động ít nhiều đến kết quả hoạt động của tổng công ty.

 

"Lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản ở Việt Nam cạnh tranh ở mức khá cao. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Tổng công ty không những phải cạnh tranh với các nhà xuất nhập khẩu lớn trong nước mà còn với các đơn vị xuất khẩu từ các quốc gia nông nghiệp khác", bản cáo bạch của Hapro viết.

Hapro hiện có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác. Không ít thương hiệu lớn của Hà Nội như Kem Thủy Tạ, Gốm Chu Đậu hay Vang Thăng Long đều là công ty con - công ty liên kết của Hapro.

Dù lợi nhuận không thực sự nổi bật, Hapro còn được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư danh mục đất đai lớn, vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Theo bản công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa, tổng công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, cơ sở đất giao cho Công ty mẹ Hapro tiếp tục quản lý sử dụng là 114 địa điểm, gồm 96 địa điểm tại Hà Nội và 18 địa điểm tại các tỉnh, thành phố khác.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo