Ngân hàng tìm giải pháp giúp nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu vào EU
Ðẩy mạnh xuất khẩu sang các nước CPTPP / TP. Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực được ví như “con đường cao tốc” dẫn hàng hóa Việt vào thị trường châu Âu, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là nông thủy sản.
Tuy nhiên, với những đòi hỏi khắt khe của thị trường EU, doanh nghiệp hay người nông dân Việt Nam không thể “đơn thương độc mã” tiến vào thị trường này. Bởi vậy, mối liên kết giữa ngân hàng - doanh nghiệp - nông dân trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu chinh phục thị trường châu Âu khó tính.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nươc Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng hơn 9 triệu tỷ đồng. Tốc độ năm 2020 có thể chậm hơn so với các năm trước do dịch COVID-19 cũng như tác động của thiên tai, bão lũ. Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 30/10/2020 ước tăng 6,5% so với cuối năm 2019.
Tính đến nay,cho vay nông nghiệp - nông thôn đạt khoảng 2,16 triệu tỷ đồng; trong đó, có 27.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, 5.000 tỷ đồng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), việc phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp được coi là một xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp then chốt trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới sự phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có trên 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn với địa bàn rộng khắp cả nước. Tính bình quân giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 19,83%,cao hơn mức tăng 16,02% tín dụng chung của nền kinh tế.
“Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 10/ 2020 ước đạt trên 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế”, bà Hà Thu Giang nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho rằng, trong chuỗi liên kết, ngoài mối liên hệ giữa nông dân - doanh nghiệp, còn một yếu tố rất quan trọng, đó là nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, các hộ nông dân cần vốn để đầu tư, nhưng để tiếp cận được nguồn vốn không phải là điều dễ dàng. Nhờ việc ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân sẽ được tạo điều kiện thuận tiện hơn. Ví dụ điển hình là các ngân hàng ở Bến Tre đã tham gia vào chuỗi liên kết.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, chỉ cần phương án kinh doanh của doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẽ cho nông dân ở vùng trồng đó vay vốn. Ngân hàng sẽ bám vườn, bằng cách nào đó họ sẽ khiến toàn bộ hàng của nông dân bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trả tiền cho nông dân và nông dân trả lại cho ngân hàng. Muốn sản lượng được đảm bảo về lâu về dài, giữa nông dân – doanh nghiệp – ngân hàng cần duy trì được mối liên kết.
Mặc dù tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn tăng trưởng tích cực nhưng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế. Dẫn số liệu, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỷ đồng tính đến thời điểm này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng đây chưa phải là con số mong đợi.
Bà Hà Thu Giang cũng thừa nhận, đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều thách thức. Chẳng hạn như đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có vốn đầu tư lớn nhưng số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều. Chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, như chính sách ứng dụng công nghệ cao chưa được cụ thể hóa và chưa được nhất quán thực hiện, nên chưa thu hút được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
Sự liên kết hợp tác giữa 6 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà băng - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp và hợp tác xã/hiệp hội trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn thiếu chặt chẽ, bền vững. Các cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa tạo khó khăn cho ngân hàng khi thu hồi vốn vay.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức, đồng thời tạo đòn bẩy giúp nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ông Cấn Văn Lực cho hay, cần có một Nghị quyết mới của Đảng về phát triển tam nông. Chính phủ tiếp tục đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện hệ thống các kênh thông tin dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định.
Về phía các tổ chức tín dụng, theo ông Cấn Văn Lực, phải xây dựng, đổi mới chính sách và qui trình cấp tín dụng nông nghiệp – nông thôn đối với từng phân khúc khách hàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo