Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp chủ lực: Muộn còn hơn không

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn khá thấp so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, dệt may... tuy đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, nhưng giá trị gia tăng đem lại còn thấp.

(TTXVN) Chính vì vậy, việc lựa chọn những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao làm đầu tầu cho các ngành kinh tế khác là chủ đề chính của Hội thảo "Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013-2020" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 15/8, tại Hà Nội.


Theo ông Hoàng Thịnh Lâm, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), hiện tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chiếm tới 95%, năng lực cạnh tranh còn thấp. Do vậy, để nền kinh tế phát triển nhanh và bên vững thì rất cần có những doanh nghiệp chủ lực và ngành hàng chủ lực. 

"Giai đoạn 2013-2020, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao phải đạt hiệu quả cao cả 3 mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường, có sức lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế và có tốc độ phát triển nhanh hơn các ngành khác, là động lực dẫn dắt thị trường," ông Lâm nhấn mạnh.

Kiến nghị thêm những giải pháp cho Đề án, theo ông Đào Văn Long (thuộc Hiệp hội cơ khí Việt Nam), các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cần có số liệu chính xác, trong đó cần làm rõ việc ưu tiên hỗ trợ cho từng ngành hàng như thế nào.

Đơn cử như chính sách cho việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, theo ông Long, dù đã có từ nhiều năm nay nhưng khi đi vào thực hiện thì nảy sinh nhiều vấn đề, hiệu quả thì chưa được như mong muốn.

"Nếu cứ nhìn vào số lượng mà không có tổng kết đánh giá cũng như có từng chính sách hỗ trợ riêng thì mục tiêu cao nhất của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và ngành hàng sẽ không đạt được," ông Long nêu ý kiến.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đơn vị chủ trì đề án cũng nhấn mạnh, để hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao thì việc nâng cao các lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong đó doanh nghiệp là nhân tố chính để thực hiện nhiệm vụ này. 

Trong đề án, Bộ Công Thương cũng đề xuất nhiều giải pháp ưu đãi cho các doanh nghiệp để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển như: Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi (ODA), xem xét được hưởng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 15% và dành khoản tiền 100 tỷ đồng/năm cho hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ quản lý...

"Hiện đề án vẫn chưa phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương và tổ biên tập sẽ tiếp tục gửi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định," ông Vỵ cho hay./.
 
 
Đức Duy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo