Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết và cấp bách

(DNVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết và cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 6, chiều 9/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Dự án Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm để có tính khả thi hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết và cấp bách để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Xem xét, thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, đồng thời tiếp tục nhất trí với sự cần thiết, tính cấp bách trong việc ban hành Luật nhằm tạo động lực cho tăng trưởng, phát triển nền kinh tế của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng chung chung, đặc biệt một số nội dung cần đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm hơn nữa.

Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng, với tỷ lệ chiếm khoảng 97,9% như hiện nay, việc hỗ trợ cho DNNVV là quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn. Do đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trước hết phải căn cứ vào nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV, phải cân nhắc để không đầu tư một cách tràn lan. Việc hỗ trợ theo hướng hỗ trợ cơ bản, tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các DNNVV được hưởng các hỗ trợ này mà phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ cơ bản. Về hỗ trợ trọng tâm, phải tìm các doanh nghiệp có những nội dung cần thiết quy định nội dung hỗ trợ, mục tiêu hướng vào DNNVV như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Phải quy định rõ những doanh nghiệp được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV nào?.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, Dự án Luật hiện đưa ra hai phương án, trong đó phương án 1 chỉ quy định chung về tiêu chí xác định DNNVV và khung giới hạn về tổng nguồn vốn và số lao động bình quân năm là những chỉ tiêu cơ bản của doanh nghiệp, cụ thể giao Chính phủ hướng dẫn, quy định phù hợp với quy mô của DNNVV từng thời kỳ. Phương án 2 sẽ cơ bản giữ nội dung như Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, thay đổi từ bảng tiêu chí sang thành các khoản theo đúng kỹ thuật lập pháp. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, “dựa vào tiêu chí là bao nhiêu người thì không phải, không nói đến người thì cũng không đúng”. Đưa ra ví dụ về doanh nghiệp Uber và công ty đa quốc gia kinh doanh khách sạn khi các công ty này mặc dù chỉ có một nhóm người nhỏ nhưng doanh thu lại hàng tỷ đô la, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị cần cân nhắc lại các tiêu chí trên.

Về hỗ trợ tín dũng từ các quỹ, phân tích bài học về quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở các địa phương hiện nay khó thành công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc có quá nhiều quỹ sẽ không quản lý được. Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Dự thảo luật nên theo hướng quy định nội dung hỗ trợ cho các quỹ, thành lập các quỹ, còn quy định cụ thể sẽ do Thủ tướng xem xét, cân nhắc trên tinh thần của Luật.

Về hỗ trợ chính sách tài chính, một số ý kiến cho rằng, quy định như trong Dự thảo luật hiện nay là quá rộng, gây khó khăn cho vấn đề về tài chính, ngân sách. Do đó, không nên quy định về ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Dự án Luật “không nên đụng đến” Luật Ngân sách Nhà nước, Luật thuế, Luật đất đai bởi đây là những “rường cột” rất cơ bản của nền kinh tế nước ta, nếu sửa các luật “rường cột” này sẽ rất phức tạp.

Mặt khác, bày tỏ “băn khoăn” về tính khả thi của Dự thảo luật khi quy định vấn đề hỗ trợ chính sách tài chính cho các DNNVV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, “nói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng có giảm được không?”. Bởi theo Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc, trong 5 năm đầu sản xuất, DNNVV “hòa vốn, không lỗ là giỏi”, do đó, việc đưa ra chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp “có đưa ra cũng không giải quyết vấn đề gì”.

Ngoài ra, về một số chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ tham gia mua sắm công, xúc tiến, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực công nghệ, hỗ trợ mặt bằng sản xuất…., Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và một số đại biểu khác đề nghị Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, đánh giá được hết tác động để có tính khả thi hơn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần xem xét lại một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, các nội dung hỗ trợ trong đó có vấn đề về hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ. Đặc biệt, cần lưu ý việc Dự thảo Luật có quy định Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho vay là sai cơ bản so với Luật Ngân sách Nhà nước hay việc quy định hỗ trợ tài chính về thuế sẽ “phá vỡ” hệ thống chính sách thuế. Ngoài ra, về kỹ thuật lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần xem xét các quy định về “Chương trình” bởi như hiện nay là “không ổn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều cho rằng phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo Luật hiện nay là quá rộng, do đó cần rà soát lại. Việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và phải đi theo xu hướng đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc hỗ trợ nên tập trung vào những doanh nghiệp có xu hướng phát triển mạnh, phù hợp với mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không được phá vỡ, nhất là những trụ cột quan trọng như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật thuế, Luật đất đai…Tuy nhiên, nếu có đủ điều kiện thì có thể sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp tại một kỳ họp với hình thức rút gọn.

Đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể của luật. Do đó, cần làm rõ 11 nội dung hỗ trợ và 3 Chương trình trọng tâm đã giao Chính phủ quy định.Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị một số nội dung cần rà soát lại như việc hỗ trợ qua hình thức tín dụng, bù lãi suất, không thể qua “con đường ngân sách”; rà soát lại số lượng các loại quỹ hỗ trợ, một số Quỹ như Quỹ bảo lãnh, Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ đầu tư mạo hiểm có thể duy trì, một số loại quỹ khác cần cân nhắc, tránh phân tán nguồn lực; đề nghị cần xem xét lại kỹ thuật lập pháp, trong đó quy định việc xây dựng chương trình cần phải căn cứ theo quy định của luật.

Để hoàn thiện Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ có liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội DNNVV; tiếp thu các ý kiến của thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh và trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thời gian tới trên tinh thần “viết lại cho chặt chẽ hơn”.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo