"Gã khùng" bể nợ, lên rừng sâu núi thẳm, bỏ đống tiền trồng cây "tỷ đô"
Loại cây trồng được ví là cây “tỷ đô” - cây mắc ca, sau 4 năm trồng thử nghiệm cho ra quả có chất lượng, mở ra triển vọng phát triển loại cây này trên mảnh đất Sơn Tây. Chớp lấy cơ hội đó, ông Nguyễn Lên (45 tuổi) ở thôn Tang Tong, xã Sơn Liên đã mạnh dạn vay vốn, vào rừng sâu trồng cây mắc ca.
Vào rừng sâu trồng cây “tỷ đô”
Sáng sớm, mảnh đất rẫy nằm tít trong rừng sâu của gia đình ông Nguyễn Lên đã rộn rã tiếng nói cười của người làm công. Trên sườn đồi dốc cheo leo, thay vì những rừng keo bạtngàn như các hộ xung quanh, mọi người đang chăm sóc một loại cây khá đặc biệt, cây mắc ca. Ông là người nông dân đầu tiên tự bỏ vốn trồng loại cây này.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vườn mắc ca, tạm gác công việc, không ngần ngại dẫn chúng tôi đi tham quan mảnh đất sườn đồi rộng 6,5 ha, giọng cười sảng khoái, đôi mắt lấp lánh niềm vui, ông Lên chia sẻ về quyết định “to gan” của mình.
Ông Lên hướng dẫn cho người làm công chăm sóc cây mắc ca.
Ông Lên kể, mình quê ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh). Sau nhiều năm làm nghề thương lái buôn dưa hấu sang Trung Quốc thất bại, ôm đống nợ nần, 10 năm trước, ông quyết định lên vùng rừng sâu, núi thẳm lập nghiệp, làm nghề buôn keo và bán tạp hóa.
Bén duyên với một thiếu nữ người Ca Dong, hai người cùng quyết tâm phát triển kinh tế ở nơi đây. Với số tiền chắt chiu dành dụm được, ông mua lại tất cả rẫy keo mà người dân trong vùng có nhu cầu bán. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, ông Lên đã có trong tay 50 ha rừng keo.
Mặc dù cây keo có giá trị kinh tế, mỗi ha sau 5 năm trừ mọi chi phí mang lại ông gia đình ông từ 20 đến 40 triệu đồng. Nhưng ông vẫn đau đáu tìm loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, bền vững hơn thay thế cho cây keo, thoát khỏi lối mòn trong sản xuất.
“Bốn năm trước, Sơn Tây trồng thử nghiệm mắc ca, tôi đã tò mò, nhưng chưa dám thử. Mình đã lên Tây Nguyên tham quan, nơi đất đai, khi hậu của họ tương đồng với mình và cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế cao. Năm vừa rồi, mắc ca trồng thử nghiệm cho ra quả chất lượng, tôi đã quyết định phải trồng bằng được cây này” - ông Lên chia sẻ.
Mỗi cây đều mang mã số để tiện theo dõi trong quá trình chăm sóc và đánh giá sự phát triển.
Cũng chính từ kết quả thử nghiệm đó, lão nông này đã khiến cho mọi người không khỏi ngạc nhiên khi dốc toàn bộ số tiền trong gia đình tích lũy được và vay thêm 260 triệu đồng từ ngân hàng đểtrồng 1.500 cây mắc ca trên diện tích 6,5 ha ở vùng rừng sâu nhất.
“Đã quen với thất bại”
Bày tỏ nghi ngại mặc dù cây mắc ca có giá trị kinh tế cao, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa thể "đổi đời", thậm chí còn phải chặt bỏ trong thua lỗ vì cây không ra quả, ông Lên quả quyết: Cây mắc ca là loại cây khó tính, không phải vùng đất nào cũng trồng được.
Giọng ông trở nên vui vẻ hơn khi nói về quyết định liều lĩnh: “Đầu ra đã có Hiệp hội mắc ca bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên không phải lo. Về đất đai, điều kiện thổ nhưỡng đã được chứng minh phù hợp. Mình nghĩ cái quan trọng nhất là mua đúng giống chất lượng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Nhiều người thất bại vì ham rẻ, mua giống trôi nổi, trồng và chăm sóc không đúng quy trình”.
Ông Lên mua giống của một công ty chuyên về cây mắc ca với giá 150.000 đồng/cây, được hỗ trợ kỹ thuật bài bản và thực hiện trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật. Ông về tận đồng bằng mua 30 tấn phân bò, phân heo bón cho cây.
Rẫy mắc ca của gia đình ông Lên.
Trồng hàng cách hàng đúng 5m, cây cách cây đúng 6m. Vì nhiều loại giống khác nhau nên mỗi cây đều có mang mã số để tiện theo dõi, ghi nhật ký đánh giá trong quá trình chăm sóc.
Sau 6 tháng trồng và vun vén cho những mầm xanh, vườn mắc ca của ông đã phát triển rất tốt, chỉ có 10 cây bị chết. Những cây chết, ông Lên cẩn thận đào rễ lên và phát hiện nguyên nhân là do nhân công khi vào phân đã đào cuốc trúng rễ chứ không phải bị sâu bệnh. Số còn lại, cây lớn nhanh thấy rõ, sau những đợt mưa giông, cây lại phát triển sum suê.
“Nhiều người nói mình liều, đúng là liều thật. Đã thất bại nhiều rồi nên không ngại liều, nhưng lần này mình có cơ sở. Mắc ca có giá 90.000 -120.000 đồng/kg, giá trị gấp nhiều lần cây keo. Hy vọng cây sẽ ra hoa, đơm quả. Nếu thành công mình sẽ tạo điều kiện cho người dân xung quanh trồng theo” - ông Lên bộc bạch.
Phó Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Sơn Tây Đinh Công Lập cho rằng, hiện nay mô hình thí điểm của huyện đã cho thấy sự thành công. Nông dân mạnh dạn trồng loại cây này, thì đây là một tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng nhân rộng cây mắc ca trên địa bàn huyện Sơn Tây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo