Câu lạc bộ doanh nhân thời đại 4.0 và những cây cầu tình nghĩa
Ngày 25/11/2018, khi cơn bão số 9 còn gọi là Bão USAGI đổ bộ vào địa phận TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực các tỉnh lân cận như Vũng Tàu, Long an, Tiền Giang, Bến Tre... cũng là lúc đoàn khảo sát thực tế về công tác xây dựng cầu thiện nguyện cho vùng nông thôn nghèo do Bà Trần Thị Thu Hương – Trưởng ban thiện nguyện và Ông Thái Vũ Hoè – Trưởng ban Truyền thông của CLB Doanh nhân thời đại 4.0 dẫn đầu đã có mặt tại trụ sở UBND Xã Tân Hoà Tây, Huyện Tân Phước, Tỉnh Tiền Giang
Đoàn về làm việc với chính quyền địa phương để thông qua chủ trương thực hiện xây dựng 02 cây cầu tại ấp Tây Mỹ Đông hiện đã xuống cấp và suy yếu trầm trọng khi gần 20 năm oằn mình để phục vụ hơn 400 hộ dân tại địa phương.
Theo quan sát thực tế thì, công trình cầu nông thôn tại nơi này phần lớn được thi công cơ bản chiều rộng mặt cầu 0.8 m từ những tấm đan mỏng manh, trụ và mố cầu được tận dụng những vị trí tự nhiên như gốc cây to, bờ kênh nên hầu như độ chịu lực cũng như độ bền, độ an toàn đang ngày càng tỷ lệ nghịch với mức độ tăng dân số và sự bào mòn của thời gian.
Đặc biệt, có những vị trí hư hỏng ngay giữa cầu, cán bộ cơ sở phải mua sắt phi 6 để hàn nối tạm bợ để tạo cảm giác an toàn dẫu biết người dân sẽ không tài nào dám chạy xe ngang qua mà chỉ là... dắt bộ.
Trao đổi với đại diện đoàn, ông Nguyễn Anh Dũng – Bí thư xã Tân Hoà Tây, – Huyện Tân Phước cho biết: Hầu như kinh tế tại xã thì đều làm nông nghiệp, trong đó có 1 ấp trồng khóm, 3 ấp trồng lúa và để thực hiện chủ trương đảm bảo qui hoạch diện tích đất nông nghiệp theo cơ cấu của tỉnh thì tại địa phương không được phép chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất ngoài mục đích nông nghiệp.
Cuộc sống và kinh tế địa phương hầu như còn vô vàn khó khăn thiếu thốn, rất muốn tìm nguồn ngân sách cũng như kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Ngân sách hàng năm cho cơ sở hạ tầng giao thông cho toàn huyện chỉ có 3,2 tỷ đồng, không có cơ chế cho phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nên các nhà đầu tư, doanh nhân ít quan tâm và ủng hộ.
Đồng cảm với thực tế này, bà Thu Hương – Trưởng ban thiện nguyện của CLB Doanh nhân thời đại 4.0 cùng đoàn đã dầm mưa bão để kiểm tra xác minh từng mét cầu hiện hữu, để rồi phải thốt lên:“ Thế này sao dám đi, trẻ nhỏ sẽ phải thế nào khi đi học qua những chiếc cầu thế này”.
Không câu trả lời nào ý nghĩa bằng khi bà Thu Hương tuyên bố trước người dân và chính quyền đang có mặt rằng: Từ nay cho đến 15/12/2018, dưới sự chấp thuận chủ trương từ chính quyền cơ sở các địa phương thì CLB DN thời đại 4.0 sẽ làm lễ khởi công 15 cây cầu, trong đó sớm nhất là 7 ngày sẽ làm khởi công 2 cây cầu mà hôm nay đoàn đã khảo sát”
Được biết CLB Doanh nhân 4.0 đã đề ra chương trình thiện nguyện “ trao tặng 1.000 cây cầu trên toàn quốc đến năm 2020 “ và đến hôm nay đã khởi công được 11 cây cầu tại Mỏ cày Nam,, Thạnh Phú (Bến Tre), Phú Yên, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, Thanh Hoá.
Bữa cơm trưa tại nhà cán bộ truyền thanh ấp với canh chua điên điển, cá rô đồng đơn sơ nhưng cũng đủ làm chúng tôi ấm lòng và hồi sức với chặng đường gần 200 km dưới trời mưa bão.
Đoàn rời đi nhưng nụ cười hạnh phúc của người dân hai bên bờ của chiếc cầu xiêu vẹo kia là những gì chúng tôi muốn để lại.
Kinh phí: Cầu số1: 233,3 triệu đồng; cầu số 2:170, 6 triệu đồng ( đều ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre); cầu số 3: 350 triệu đồng tại xã An Định (Tuy An, Tuy Hòa, Phú Yên); cầu số 4:80 triệu đồng; cầu số 5: 80 triệu đồng (đều ở Thuận An, Thuận Phú, Bến Tre); cầu số 6: 250 triệu đồng (Hòa Tân, Châu Thành, Đồng Tháp); cầu số 7: 80 triệu đồng; cầu số 8: 90 triệu đồng; cầu số 9: 50 triệu đồng (đều ở Hòa Lộc, Châu Thành, Kiên Giang); cầu số 10: 200 triệu đồng (Tân Lộc Bắc, Thới Bình, Cà Mau); cầu số 11: 120 triệu đồng, cầu số 12: 120 triệu đồng ( đều ở Tân Hòa Tây, Tiền Giang; cầu số 13: 190,420 triệu (Cẩm Yên, Cẩm Thủy, Thanh Hóa); cầu số 14: 154 triệu đồng ( Lonh Định, Châu Thành, Tiền Giang). |
End of content
Không có tin nào tiếp theo