Doanh nghiệp Đồng Nai mở rộng đầu tư ra ngoài tỉnh
Bamboo Airways muốn hiện thực hóa tham vọng chia lại ‘miếng bánh’ thị phần hàng không / Viettel Post muốn xã hội hóa hoạt động giao nhận hàng hóa bằng xe tải trong năm 2020
Khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh do Sonadezi cung cấp) |
Việc mở rộng đầu tư tại các địa phương khác cho thấy sự nhạy bén của các DN khi không bó hẹp phạm vi hoạt động. Đó còn là dấu hiệu cho thấy nhiều DN đã nhìn thấy tiềm năng nơi những vùng đất mới, nâng tầm tiềm lực của mình, hướng tới sự phát triển bền vững.
* Đa dạng lĩnh vực đầu tư
Đầu tiên, phải kể đến là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco). Năm 1997, Trường Hải được thành lập ở TP.Biên Hòa. Đến năm 2000, DN mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu Kia rồi sau đó với xe du lịch Kia, Thaco, Kinglong...
Những năm 2002-2003, sau thành công những năm đầu ở TP.Biên Hòa, DN quyết định chọn tỉnh Quảng Nam làm nơi đặt đại bản doanh nhà máy lắp ráp xe của mình. Nhanh, mạnh, dứt khoát, cuối năm 2003, Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai - Trường Hải đi vào hoạt động trong sự thán phục của nhiều người. Thaco không quá chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu ô tô Việt Nam, mà đi theo con đường liên doanh, liên kết với các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu để chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40% với các sản phẩm ô tô tải và 50% với xe buýt.
Trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Thaco tiếp tục mở rộng sang bất động sản, nông nghiệp. Việc cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HNG) là một trong những chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ của Thaco trong thời gian gần đây.
Một DN tư nhân khác của Đồng Nai là Công ty cổ phần thực phẩm G.C (G.C Food) được thành lập năm 2011 sản xuất, bán buôn các sản phẩm từ nông sản như: nha đam, dừa, nho, táo, dưa lưới... G.C Food hiện có 2 nhà máy, một tại Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, huyện Trảng Bom và một tại KCN Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ngoài các khách hàng lớn trong nước như: Vinamilk, NutiFood, TH True Milk... thì G.C Food đã xuất sản phẩm sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ.
Đặc biệt, Nhà máy chế biến Nha Đam tại KCN Thành Hải do Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm), DN thành viên của G.C Food, hiện là nhà máy sản xuất nha đam lớn nhất Việt Nam, với công suất đạt 200 tấn nguyên liệu/ngày, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 công nhân viên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. G.C Food còn đầu tư trên 43 hécta tại Ninh Thuận để làm Trang trại Nắng và Gió, cung cấp các sản phẩm cây ăn trái đầu vào cho các nhà máy. DN này cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100 hécta nha đam từ các hộ dân trong vùng.
Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, các DN lớn của Đồng Nai còn đầu tư bất động sản công nghiệp tại những địa phương lân cận. KCN Đất Đỏ 1 thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 496 hécta do Tổng công ty Tín Nghĩa đầu tư. Hiện KCN này đã lấp đầy 30% diện tích và phấn đấu đến năm 2022 sẽ lấp đầy lên 100%.
Tương tự, đầu tháng 12-2019 vừa qua UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) làm chủ đầu tư dự án KCN Tân Đức quy mô 300 hécta. Trước đó, Sonadezi đã đầu tư xây dựng KCN đô thị và sân golf Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm KCN (1.556 hécta) và Khu đô thị thương mại - sân golf tiêu chuẩn quốc tế 36 lỗ. KCN này đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có nhà xưởng cho thuê sẵn.
“Những năm qua, DN luôn tìm kiếm, nghiên cứu để phát triển các dự án mới trong tỉnh cũng như các địa phương khác, tuy nhiên khó khăn hiện nay là phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sonadezi sẽ mở rộng địa bàn hoạt động thông qua việc nghiên cứu và xúc tiến đầu tư một số dự án KCN, đô thị - dịch vụ tại một số khu vực ngoài Đồng Nai trong thời gian tới” - bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sonadezi chia sẻ.
* Hướng đến phát triển bền vững
Điểm chung của các DN khi mở rộng địa bàn sản xuất, kinh doanh là nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. “Nếu DN và nông dân bàn chuyện làm ăn lâu dài trên cơ sở phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững thì người nông dân ngày càng tin tưởng và gắn bó với công ty và công ty cũng yên tâm sản xuất, kinh doanh vì có nguồn nguyên liệu ổn định” - ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc G.C Food chia sẻ.
Sản phẩm nông nghiệp trong Trang trại Nắng và Gió do G.C Food đầu tư ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh do Trang trại Nắng và Gió cung cấp) |
Ông Thứ cho biết thêm, G.C Food còn đồng hành với các công ty thành viên (VietFarm, VinaCoco, Sun&Wind) phát động chương trình gây quỹ “G.C chung tay xây hạnh phúc” để hỗ trợ xây nhà tình thương đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Scansia Pacific - DN chuyên sản xuất các sản phẩm nội ngoại thất từ mây, tre, nứa, gỗ xuất khẩu đóng tại huyện Nhơn Trạch cho hay, hiện công ty đang tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững và hợp pháp. Theo đó, Scansia Pacific đã hợp tác với tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng vùng rừng nguyên liệu với diện tích gần 2,9 ngàn hécta, chủ yếu do người dân trồng và chăm sóc. “Hợp tác với người dân trồng rừng nguyên liệu sẽ giúp công ty ổn định đầu vào sản xuất. Những nước ở châu Âu là thị trường chính của chúng tôi rất nghiêm ngặt trong việc kiểm tra nguồn gốc gỗ, phải đạt chứng chỉ quản trị bền vững và bảo vệ sinh thái” - ông Nguyễn Chiến Thắng khẳng định.
Là DN về công nghiệp cơ khí, công nghệ, điều mà Công ty cổ phần ô tô Trường Hải hướng tới không chỉ là lợi nhuận mà còn là một tầm vóc Việt, làm sao để “Việt hóa” được tối đa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Dù có thể lựa chọn các DN nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm, cạnh tranh nhưng Thaco luôn ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp Việt, lao động trong nước để tăng tính nội địa cho từng sản phẩm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo