Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp nên ứng dụng IoT để nâng cao hiệu quả trong sản xuất

Việc ứng dụng IoT (ứng dụng Internet vạn vật) sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý và năng xuất làm việc, từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận.

Đó là nội dung mà các chuyên gia đưa ra trong Diễn đàn công nghiệp lần thứ III với chủ đề “IoT trong SMEs: Cơ hội và Thách thức” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Toàn cảnh VKIST - Diễn đàn công nghiệp lần thứ III.Có thể bạn quan tâm

IoT giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất

Trong thời gian gần đây, IoT đã có tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực như sản xuất, tự động hóa, nông nghiệp, giao thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế...ở nước ta.

IoT còn được ứng dụng nhiều trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để giúp giảm vận hành chi phí, tăng năng suất, cũng như giúp doanh nghiệp mở rộng sang các thị trường mới hoặc phát triển sản phẩm mới.

Hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều công ty tập trung phát triển giải pháp và sản phẩm công nghệ thông minh với nền tảng IoT. Lumi, BKAV, SmartHome là ba trong số những cái tên quen thuộc trong thị trường IoT.

Việc ứng dụng IoT sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong sản xuất.

Trong nghiên cứu gần đây của Cisco mang tên "Ready, Steady, Unsure", một nửa các doanh nghiệp Việt Nam khi được hỏi đã xếp IoT là một trong ba công nghệ hàng đầu sẽ tác động đến tương lai kỹ thuật số của doanh nghiệp họ. Trong đó, 36% công ty tham gia trả lời đã bắt đầu sử dụng các giải pháp IoT. Đây là tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á, ngang với Singapore.

Tại diễn đàn, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa cho biết, IoT tuy mới xuất hiện nhưng lại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hiện nay và trong tương lai.

"Việc ứng dụng mạng lưới, thiết bị kết nối internet đang trở thành công nghệ có xu hướng ngày càng lớn đến đời sống con người, tác động rộng rãi đến nhiều lĩnh vực và là xu thế tất yếu của sự phát triển của thế giới nói chung và cộng đồng doanh nghiệp", ông Quân trình bày.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã biết sử dụng IoT làm đòn bẩy cho sự phát triển của công ty mình. Ông Lương Ngọc Tuấn, đại diện công ty VSYS đã chia sẻ một hệ điều hành mở cho các thiết bị IoT, nơi mà ngôn ngữ lập trình đã thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ và tính trực quan thông qua hệ thống trợ lý ảo. "Việc lập trình đã giúp cho công ty đơn giản hóa trong việc sản xuất, nâng cao hiệu quả trong quy trình chế tạo", ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Vĩnh Lộc - Chủ tịch công ty Daviteq chia sẻ về những giải pháp IoT công nghiệp trong việc tăng cường hiệu quả trong các nhà máy sản xuất thông qua những platform và ứng dụng rất cụ thể.

"Rõ ràng, việc quyết tâm thực hiện và ứng dụng IoT trong các doanh nghiệp SME đang được các doanh nghiệp thực hiện rất quyết liệt với mục tiêu hướng tới sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Lộc cho biết.

Cần có chính sách và hạ tầng phù hợp

Tại diễn đàn, các chuyên gia đánh giá, trước những tác động tích cực của IoT, các doanh nghiệp cần phải suy nghĩ để tìm ra đâu là giải pháp để đáp ứng và thích ứng, không thể đi ngược lại xu thế này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì thách thức khi các nước bắt đầu áp dụng công nghệ mới như IoT là hiệu quả đầu tư, bởi vì hiệu quả chưa được rõ ràng nên các mô hình đầu tư chưa được hoàn toàn khả thi và nhân rộng trên thế giới. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện để mở đường cho công nghệ phát triển, chứ không nên chờ đợi việc xây dựng xong thể chế, tránh dẫn đến tranh chấp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cũng hết sức cấp bách. Nếu công nghệ phát triển quá nhanh trong khi trình độ, kỹ năng của người sử dụng không thể đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tình trạng nhiều lao động mất việc làm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Các đại biểu phát biểu tại Diễn đàn công nghiệp lần thứ III.

Còn nếu kỹ năng của người sử dụng được nâng cao, tuy nhiên lại không có máy móc, công nghệ hiện đại để áp dụng thì sẽ gây ra tình trạng lãng phí. Do đó để việc đầu tư thật sự tạo được hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành cần có những chính sách để phát triển hài hòa giữa công nghệ và kỹ năng.

Bà Lê Thị Hồng Loan - Giám đốc công ty Hanmyviet đã chia sẻ một ví dụ cụ thể trong việc vận hành IoT trong quá trình sản xuất nhôm công nghiệp. Bà Loan cho biết, có rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện, trong đó có cả thách thức về nguồn nhân lực vận hành hệ thống, nhân lực dôi dư trong việc áp dụng IoT quy trình sản xuất công nghiệp.

“Doanh nghiệp là đối tượng đưa ra lời giải tốt nhất cho chuyển đổi số, vì họ phải giải bài toán kinh doanh, sẽ xem xét giải pháp có phù hợp hay không, hiệu quả hay không mới bỏ tiền đầu tư.

Vì vậy, nếu có nhiều doanh nghiệp đi vào chuyển đổi số nhanh thì đất nước sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, cần đẩy mạnh khởi nghiệp gắn với IoT, vì hiện Việt Nam có ưu thế về lực lượng lao động, dân số trẻ. Việc triển khai các công nghệ mở sẽ mang lại hiệu quả to lớn, có thể tích hợp với thế giới” bà Loan cho biết thêm.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để tận dụng được ứng dụng công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0, các doanh nghiệp cần tạo dựng quan hệ mới, tiếp cận, học hỏi các công nghệ hiện đại để giúp ích cho việc phát triển sáng tạo, bền vững; đồng thời, nâng cao năng lực sản suất, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, hợp lý hơn đối với người tiêu dùng.

"Dù IoT đã xuất hiện trong nhiều chương trình hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhưng đây vẫn là vấn đề mới. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần có sự hợp tác của các cơ quan hữu quan, nhằm đưa ra các chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực như: vốn ngân hàng, công tác tài chính, kế toán, thuế, mạt bằng sản xuất", một chuyên gia cho biết.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo