Doanh nghiệp phải làm gì để giảm thiểu gian lận kinh tế?
(DNVN) - Theo ông Marcus Paciocco, Giám đốc Dịch vụ điều tra gian lận tại Công ty PwC Consulting Việt Nam, để giảm thiểu tội phạm gian lận, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể triển khai hiệu quả các chức năng kiểm toán nội bộ và đường dây nóng tố giác.
Áp dụng tư duy quản trị mới là điều vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp / Gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm
Theo báo cáo “Khảo sát tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu: Góc nhìn Việt Nam” do PwC thực hiện, chỉ tính riêng trong hai năm vừa qua, 52% các doanh nghiệp tại Việt Nam đã phải đối mặt với tội phạm gian lận. Tỷ lệ này cao hơn so với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (46%) và toàn cầu (49%).
Những người tham gia khảo sát của PwC tại Việt Nam cho biết, loại hình tội phạm kinh tế mà họ thường gặp nhất là biển thủ tài sản (40%) và hối lộ - tham nhũng (36%).
Mặc dù có 40% số người tham gia khảo sát thừa nhận họ chưa từng phải đối mặt với tội phạm gian lận, tuy nhiên, PwC cho rằng, rất có thể là do các gian lận này chưa bị phát giác.
Theo kết quả cuộc khảo sát này, 53% các vụ phạm tội kinh tế ở Việt Nam có thủ phạm là người trong nội bộ của tổ chức. Các cán bộ quản lý cấp trung và quản lý cấp thấp chiếm tới 61% tổng số vụ gian lận nội bộ. Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm kinh tế do các đối tượng bên ngoài tổ chức (như khách hàng, nhà cung cấp, đại lý, tin tặc, v.v.) gây ra là 36%.
Nguồn: Khảo sát Tội phạm Kinh tế và Gian lận 2018, PwC
Tổn thất từ tội phạm kinh tế có thể được chia thành tổn thất tài chính và tổn thất phi tài chính. Xét trên phương diện tài chính, 53% các tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ chịu tổn thất dưới 100.000 đô la Mỹ (tương đương 2,3 tỷ đồng) trong vòng 2 năm vừa qua. Gần một phần ba (32%) số người tham gia khảo sát ước tính họ đã gánh chịu mức tổn thất trên100.000 đô la Mỹ từ các vụ gian lận.
Trong số các ảnh hưởng phi tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất mà các tổ chức tham gia khảo sát nhận diện được là tổn thất về uy tín/thương hiệu của doanh nghiệp, theo 28% số người tham gia khảo sát, tiếp theo là tinh thần nhân viên (23%) và các quan hệ kinh doanh (21%).
Nói về giải pháp cải thiện đáng kể hơn môi trường kiểm soát và giảm thiểu gian lận, ông Marcus Paciocco, Giám đốc Dịch vụ điều tra gian lận tại Công ty PwC Consulting Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể triển khai hiệu quả các chức năng kiểm toán nội bộ và đường dây nóng tố giác. Qua đó giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đạt được các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo