Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ vướng thuế để cứu doanh nghiệp khỏi đổ vỡ

Tổng cục Hải quan mới đây đã sửa đổi quy định xử lý thuế đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại, phần nào giúp các doanh nghiệp dệt may có thể tiếp tục hoạt động. Việc tháo gỡ những vướng víu về thuế là rất cần thiết trong lúc này, nhằm cứu các doanh nghiệp khỏi đổ vỡ giữa khó khăn từ dịch Covid-19.

Đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp / BIDV kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xử lý hơn 96 tỷ nợ xấu

Cách đây 2 năm, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từng lưu ý việc tính thuế nhập khẩu (NK) đối với nguyên phụ liệu dệt may NK vẫn bộc lộ sự thiếu công bằng.

Tháo rào cản cho dệt may

Thời điểm đó, Vitas đã gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan kiến nghị về việc doanh nghiệp (DN) nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất kinh doanh, khi không đủ năng lực sản xuất mới chuyển nguyên phụ liệu sang gia công ở DN khác thì không được miễn thuế.

HINH-6989-1614853328.jpg

Việc sửa đổi quy định xử lý thuế đối với hàng NK để sản xuất XK đưa đi gia công lại giúp tháo gỡ khó khăn cho DN dệt may.

“Trong khi đó, những đơn hàng gia công lại được miễn thuế. Như vậy là thiếu công bằng giữa các DN nhận đơn hàng gia công và các DN nhập nguyên phụ liệu về để gia công”, ông Cẩm chia sẻ.

Bất cập này đã được DN dệt may phản ánh từ năm 2016 nhưng mãi không thấy chuyển biến và càng bức bối hơn trong thời điểm năm 2020 khi ngành dệt may đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Cho đến tháng 2 vừa qua, Vitas có thông tin là Tổng cục Hải quan đã chính thức có Công văn số 879/TCHQ-TXNK thông báo về việc xử lý thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất xuất khẩu (XK) đưa đi gia công lại.

Trong công văn này có điểm lưu ý quan trọng: “đối với hàng hóa NK để sản xuất XK đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 01/09/2016 (ngày Luật Thuế XK, thuế NK có hiệu lực), DN có đưa một phần nguyên liệu, vật tư linh kiện NK để thuê DN khác gia công hoặc thuê DN khác gia công một hoặc một số công đoạn của sản phẩm và đã nhận lại bán thành phẩm để tiếp tục sản xuất XK hoặc nhận lại thành phẩm để XK toàn bộ ra nước ngoài thì được miễn thuế theo quy định tại khoản 7, điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13”.

Vitas cho rằng động thái sửa đổi của Tổng cục Hải quanlà quyết định đúng đắn. Các cơ quan quản lý đãlắng nghe và giải quyếtsau thời gian dài nhận được kiến nghị về vấn đề gia công lại theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP. Điều này sẽ giúp DN có thể tiếp tục hoạt động, tránh đổ vỡ, phá sản ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng nghìn lao động.

 

Có thể nói, những vướng víu về chính sách thuế gây bất lợi cho DN dệt may rất cần phải sớm sửa đổi thay vì để DN kêu cứu trong thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và EU khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, thậm chí là đầu năm 2023. Đó là khoảng thời gian mà DN dệt may trong nước rất cần những chính sách tháo gỡ khó khăn về thuế để tránh các nguy cơ đổ vỡ.

“Cứu” doanh nghiệp cần thực chất

Không chỉ với ngành dệt may. Những DN ở các lĩnh vực khác vốn đang gặp khó vì dịch Covid-19 cũng phải được tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc ở khâu chính sách, trong đó có chính sách về thuế.

Hồi tháng 1/2021, khi góp ý xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập DN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP, liên quan đến vấn đề nộp thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý về quy định tại khoản 4 Điều 2 Dự thảo “các cơ sở xã hội hóa phải nộp thuế tại thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành”.

 

Theo VCCI, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid 19, việc truy thu thuế thu nhập DN sẽ gây khó khăn đáng kể cho các đối tượng bị truy thu. Vì vậy, phía cơ quan soạn thảo nên cân nhắc quy định cho phép một khoảng thời gian kể từ khi Thông tư có hiệu lực để các cơ sở này thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cũng trong tháng 2 vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế.

Đơn cử với thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn 3 tháng. Ước tính số thuế thu nhập DN được gia hạn khoảng 40.500 tỷ đồng. Đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Trao đổi với Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh, việc tiếp tục điều chỉnh các chính sách thuế, về quản lý thuế là điều rất cần làm thực chất trong lúc này để cứu DN khỏi tình cảnh khốn đốn vì dịch bệnh.

Theo ông Dũng, ngoài việc gia hạn thời gian nộp thuế, cơ quan quản lý thuế cần xem lại trong chính sách có điều gì còn bất cập hay rào cản ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu của DN thì cần tháo gỡ ngay và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Mới đây, Tổng cục Thống kê có cho biết, 2 tháng đầu năm nay có 33,6 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là điều mà các cơ quan quản lý cần tiếp tục lưu tâm, trong đó có ngành thuế, để có thể hỗ trợ thực chất về chính sách nhằm tránh cho DN tiếp tục đổ vỡ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm