Hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Tháo gỡ những vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu / Tập đoàn LG mong muốn xây dựng Trung tâm phát triển phần mềm tại Đà Nẵng
Ngày 7/12, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng cho biết, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cùng tham gia vào các hoạt động giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước.
"Thời gian gần đây, trong các hội thảo của Bộ KH-CN với hệ thống mạng lưới trí thức kiều bào ở nước ngoài, chúng tôi nhận được nhiều cam kết chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao của họ. Các bạn ở nước ngoài rất mong muốn nhận được các đơn đặt hàng, đưa ra những dự án, đầu bài cụ thể để các tri thức, chuyên gia ở nước ngoài tham gia cùng giải quyết. Hiện tại có tới hơn 60.000 kiều bào là trí thức có trình độ cao. Quỹ và Bộ KH-CN luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới công nghệ", Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện.
Đánh giá về hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tại hội thảo, TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) chia sẻ: "Sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay có đóng góp rất lớn của các tổ chức trung gian, trong đó có các Quỹ hỗ trợ tài chính như Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. Trong Báo cáo kết quả hoạt động 5 năm của Quỹ cho thấy, nhiệm kỳ vừa qua Quỹ đã xét hỗ trợ được cho 184 ý tưởng do các doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất với tổng kinh phí khoảng hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.670 tỷ đồng và số còn lại là do doanh nghiệp tự đầu tư.
Với kết quả này, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực và ý chí quyết tâm của toàn thể Ban Lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Quỹ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và khai thác có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, góp phần giúp cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng và nguồn thu nhập của cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động".
Chủ tịch VINASME cũng khẳng định, Hiệp hội DNNVV Việt Nam sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo.
Báo cáo về hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) giai đoạn 2015-2020, ông Nguyễn Đình Bình, giám đốc Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cho biết, Quỹ được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015. Sau 5 năm (2015-2020) triển khai, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất.
Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào: nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến,…); công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu,..); y - dược (sản xuất vắc-xin, dược liệu, điều trị bệnh…).
Thông qua các nhiệm vụ tài trợ, đã huy động được 782 tỷ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Với các các nhiệm vụ đang xem xét đề xuất, dự kiến huy động được 4.083 tỷ đồng từ doanh nghiệp có dự án đổi mới công nghệ tham gia. Doanh thu của các doanh nghiệp hàng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 300 tỷ đồng/năm (lớn hơn NSNN tài trợ).
Cũng theo ông Bình, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xem xét việc áp dụng đổi mới công nghệ theo từng giai đoạn. Theo đó, doanh nghiệp có thể phân nhỏ quá trình đầu tư theo chu kỳ kinh doanh hoặc xem xét cải tiến từng công đoạn nhằm giảm sức ép về vốn đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tăng cường liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để thuận lợi hơn trong nắm bắt tiêu chuẩn, kỹ thuật mới, tiếp cận tri thức và công nghệ mới. Đồng thời, cần chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả tiến bộ công nghệ toàn cầu".
Cũng tại sự kiện, ông Phan Hồng Sơn – Uỷ viên thường trực hội đồng quản lý Quỹ NATIF cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, nhằm xây dựng Quỹ NATIF tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, đóng góp hiệu quả cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 29/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo Điều lệ mới, quy mô vốn điều lệ của Quỹ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.
Theo đó, Quỹ sẽ triển khai các hoạt động chính bao gồm: cho vay ưu đãi theo hai phương thức thức cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp; hỗ trợ vốn bằng nguồn kinh phí của Quỹ và Hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới công nghệ; hỗ trợ lãi suất vay vốn; tiếp nhận vốn viện trợ, đóng góp; bảo lãnh để vay vốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo