Hỗ trợ doanh nghiệp

Kon Tum: Hiệu quả khởi nghiệp nông nghiệp sạch từ tín dụng Agribank

(DNVN) - Agribank chi nhánh Kon Tum đã đẩy mạnh hoạt động cho nhiều doanh nghiệp vay vốn đầu tư theo chương trình cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động đầu tư của định chế này bước đầu đã mang lại kết quả tốt đẹp.

VPbank lọt nhóm 21 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam / Ngân hàng giảm phí để khách hưởng lợi

Tây Nguyên là một trong những vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp của Agribank và với phương châm đẩy mạnh kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa,…vừa chia sẻ bài toán vốn đối với doanh nghiệp, vừa đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Kon Tum đã thực hiện cho 2 khách hàng doanh nghiệp vay vốn đầu tư theo chương trình cho vay nông nghiệp sạch,nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là Công ty TNHH Biophap (Cty Biophap) và Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen (Cty Măng Đen).

2.	Cây trồng của Biophap được đầu tư theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Cây trồng của Biophap được đầu tư theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Thông tin này đã được ông Nguyễn Bá Cầu - Giám đốc Agribank chi nhánh Kon Tum chia sẻ với báo giới. Theo ông Cầu, tính đến nay, hai doanh nghiệp này đã và đang sử dụng vốn vay của Agribank vào đúng mục đích, việc đầu tư đang dần cho kết quả. Đặc biệt, Cty Măng Đen thường xuyên cung cấp ra thị trường lượng lớn cà chua bi Yatta Farm theo Công nghệ Nhật Bản.Còn Cty Biophap, năm 2018, cung cấp các sản phẩm hữu cơ như gia vị như tiêu, nghệ, gừng, Trà thảo mộc Mã tiên thảo, hương thảo và bụt giấm.

Lựa chọn nông nghiệp hữu cơ

Trong khi các doanh nghiệp khác lựa chọn trồng cây trong chậu, bồn, thủy canh,… và được vây kín trong nhà kính, nhà lưới để bảo vệ cây trồng, sản phẩm trước thời tiết, sâu bệnh và côn trùng thì cô gái trẻ Huỳnh Đinh Hà Giang (1982) – Giám đốc điều hành Cty Biophap - lại chọn khởi nghiệp cho Biophap bằng hình thức đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững với người nông dân địa phương và bảo vệ môi trường tại xã ĐăkPne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

Theo ghi nhận của PV Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp VIệt Nam khi tới thăm trang trại của Biophap, các loại cây trồng mà Biophap canh tác như cam cara cara, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, hồ tiêu đều được trồng trực tiếp vào lòng đất, cây cối phát triển xanh mướt, hòa nhập hoàn toàn với môi trường tự nhiên. Các loại cây gia vị, dược liệu được trồng trong chậu, trong nhà bóng nhưng vẫn để nền đất, không đổ nền bê tông như thường thấy ở các trang trại khác.

 

 Bà Huỳnh Đinh Trà Giang và các cộng sự người Pháp bên vườn dược liệu bắt đầu cho thu hoạch

Bà Huỳnh Đinh Hà Giang và các cộng sự người Pháp bên vườn dược liệu bắt đầu cho thu hoạch

Cây trồng trong trang trại được Biophap trang bị bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; không dùng phân hóa học trong chăm bón; nếu có sâu, chỉ bắt bằng tay, nếu có rệp, bọ rùa ăn. Toàn bộ trang trại của Biophap tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đa dạng sinh học. Trong đó, các nhóm và các lớp sinh vật liên quan chặt chẽ với nhau, phụ thuộc vào nhau. Nhờ vậy, sẽ kiểm soát được dịch bệnh, không xảy ra tình trạng toàn bộ cây trong trang trại bị tiêu diệt vì một loại sâu bệnh.

Mỗi gốc, mỗi hàng cây đều được Biophap gắn mã số ngày tháng năm trồng, sinh trưởng ra sao và được áp dụng công nghệ cao quản lý dữ liệu thông minh và Blockchain (một hệ thống truyền tải dữ liệu) để người tiêu dùng sản phẩm của Biophap đều biết được thông tin chính xác và minh bạch về từng sản phẩm, từ khâu vào giống đến khi bán ra thị trường.

 

Bà Giang chia sẻ thêm, lúc mới thành lập, công ty hoạt động dựa trên nguồn vốn của các đồng sáng lập là chủ yếu. Qua một thời gian thực hiện, hai dự án của Biophap đã được ngân hàng Agribank đồng ý hỗ trợ vay vốn nên Biophap đỡ khó khăn và phát triển chuyên sâu hơn; mục tiêu của Biophap trong sáu tháng tới là sẽ gọi vốn ở thị trường châu Âu.

Hướng đến liên kết phát triển, Biophap đã liên kết được với 19 hộ gia đình người dân tộc thiểu số. Trong đó, Biophap đầu tư miễn phí vật tư đầu vào, hướng dẫn nông dân canh tác theo phương pháp và kỹ thuật của Biophap và bao tiêu thu mua sản phẩm theo giá đảm bảo; còn người nông dân đầu tư đất và trực tiếp tham gia sản xuất.

Dự án đầu tiên của Biophap với người Bahnar đã mang lại hơn 1 tấn bột nghệ và bột gừng được thu hoạch và chế biến bởi phương pháp thủ công nhưng đã được chứng nhận hữu cơ quốc tế.

Sau nhiêu nỗ lực, từ năm 2015 Biophap đã được Ecocert tại Pháp chứng nhận các vai trò sản xuất, chế biến và xuất khẩu với 4 tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế uy tín nhất trên thế giới tính đến thời điểm hiện tại: Tiêu chuẩn AB (Châu Âu); Tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản); Tiêu chuẩn USDA (Mỹ), Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life).

Khởi nghiệp từ cà chua bi

 

Cây cà chua bi đang là cây chủ lực của Cty Măng Đen tại địa phận Tiểu khu 482, Thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Cà chua ở trang trại là giống cà chua Yatta Farm theo Công nghệ Nhật Bản, với đủ tầm thước của cây từ đang ươm giống, mới tỉa trồng, ra hoa, thu hoạch cho đến cuối lứa.

Sau mùa thu hoạch, Cty Măng Đen lại chuẩn bị cho một lứa gieo trồng mà chua Yatta Farm mới

Sau mùa thu hoạch, Cty Măng Đen lại chuẩn bị cho một lứa gieo trồng mà chua Yatta Farm mới

Ông Bùi Văn Hùng, Phó Giám đốc Cty Măng Đen cho hay, khởi nghiệp từ một phần vốn vay của Agribank, chúng tôi đã đầu tư 4 tỷ làm ba nhà kính sản xuất trên diện tích 0,5 ha trồng giống cà chua sạch siêu trái này. Hiện trang trại đã cho thu hoạch trên 10 tấn quả đầu tiên.

 

Công nghệ được Công ty đang ứng dụng trong việc chăm sóc cà chua là công nghệ tưới nhỏ giọt của Nhật Bản. Do vậy, cả trang trại rộng lớn, Cty chỉ sử dụng thường xuyên 6 lao động.

Cũng theo ông Hùng, đặc điểm của cây cà chua bi Nhật này cho thu hoạch chỉ sau 3 tháng gieo trồng. Cây cà chua ở đây được trồng trong những chậu xơ dừa, cây cao hơn 2m. Trung bình mỗi cây có hai nhánh đạt năng suất khoảng 12 kg quả. Theo thị trường hiện nay, mỗi kg cà chua Nhật bán cho các siêu thị có giá 60.000 đồng.

Doanh nghiệp này đã liên kết với đối tác Nhật Bản chuyển giao công nghệ và cam kết bao tiêu sản phẩm xuất khẩu trong tương lai gần. Đây được coi là một dự án hoạt động hiệu quả, cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn trên toàn quốc, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù hiệu quả từ đầu tư vào NNUDCNC ở Tây Nguyên rất triển vọng, xong, việc tiếp cận của doanh nghiệp đối vốn vay có phần khó khăn. Theo ông Cầu: Đầu tư vào NNUDCNC phải xây dựng nhà lưới, nhà kính rất tốn kém. Tuy nhiên, nhà lưới và nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt lại không được chấp nhận là tài sản đảm bảo khi sử dụng vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, nông nghiệp là một lĩnh vực rất rủi ro và NNUDCN cao là một phương pháp sản xuất rất mới ở Việt Nam nên mức độ rủi ro càng cao. Các doanh nghiệp, cá nhân khi vay vốn cần có giấy chứng nhận của Bộ NN&PTNT… chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị (không có sự liên kết giữa sản xuất và phân phối lưu thông), chủ yếu do tự phát dẫn đến hiệu quả chưa cao và chưa bền vững nên việc đầu tư vốn ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, cần có giải pháp phù hợp.

 

Phương Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm