Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều quy định được điều chỉnh, “cởi trói” cho doanh nghiệp trồng dược liệu

DNVN - Theo giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp, việc Bộ Y tế ban hành Thông tư 12/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2022/TT-BYT về hỗ trợ và phát triển vùng trồng dược liệu quý là sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, giúp cởi trói cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Bộ Công Thương họp khẩn vụ 4 lô hàng xuất UAE nguy cơ mất trắng / Chủ tịch VBA: Chưa đủ cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Việt Nam được đánh giá có rất nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp cho lại năng suất cao không chỉ phục vụ cho sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã nhấn mạnh việc đầu tư phát triển dược liệu. Trong đó có nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được Nhà nước ban hành.

Trong đó, đáng chú ý, vào ngày 6/6 vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 12/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2022/TT-BYT về hỗ trợ và phát triển vùng trồng dược liệu quý.


Quy định tổng diện tích các khu vực triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý không nhất thiết liền thửa giúp "cởi trói" cho doanh nghiệp.

Theo quy định mới, tổng diện tích các khu vực triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý không nhất thiết liền thửa, ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có ứng dụng cao không còn gói gọn diện tích 30ha. Tổng diện tích các khu vực triển khai dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao không nhất thiết liền thửa bao gồm các khu vực trong phạm vi, quy mô dự án.

Đánh giá về sự điều chỉnh này, ông Trịnh Hiền Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals) cho rằng, quy định diện tích trồng diệu lược phải liền thửa theo Thông tư 10 áp dụng ở khu vực miền núi là không khả thi. Không thể tìm được vùng trồng nào rộng 30 ha liền vùng liền thửa, ngay cả đến 3 ha mà liền khoảnh cũng vô cùng khó.

"Do đó, Thông tư 12 xóa được phi lý trong thực tế bởi làm kinh tế dưới tán rừng, làm cây dược liệu ở những vùng đồi núi không bao giờ tìm được diện tích 30 ha liền vùng liền khoảnh. Sự thay đổi này cởi trói cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tế hơn", ông Trung nói.

Ngoài ra, với quy định theo thông tư cũ, tính đa dạng sinh học không được bảo đảm. Sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường phát triển sẽ không được chấp nhận vì vi phạm đa dạng sinh học. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 12 cho thấy tiến bộ rất rõ rệt trong việc đưa ra những cái quy định sát và phù hợp hơn với thực tế, cởi trói cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Tâm - Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đánh giá, sự điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lý. Dẫn thực tế từ hoạt động của doanh nghiệp mình, ông Tâm cho biết, Vũ Gia đã được UBND tỉnh Ninh Bình quy hoạch vùng nguyên liệu khoảng 200ha để sản xuất dược liệu. Vùng nguyên liệu này được quy hoạch chủ yếu để người dân tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp.

Theo đó, người dân sẽ thực hiện công tác trồng trọt trên diện tích rừng của mình, trồng xen canh những cây dược liệu quý vào những cây rừng sẵn có hoặc cây lâu năm, cây ăn quả, từ đó sẽ tạo ra được nguồn nguyên liệu tốt. Còn doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật cho bà con nông dân. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thu mua các sản phẩm tươi để chế biến tại doanh nghiệp.

Cùng quan điểm với ông Trung và ông Tâm, ông Vũ Văn Thoại - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho rằng, việc ban hành thông tư hay nghị định cần gắn với thực tế.


Ông Vũ Văn Thoại - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm.

Ông Thoại kể, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang chú trọng phát triển kinh tế rừng. Trong một lần lên Tuyên Quang, đoàn công tác của Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm được chính quyền nhiệt tình giới thiệu lên Na Hang - nơi có các quần thể về dược liệu, điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển các cây lâm nghiệp và dược liệu dưới tán rừng.

Tuy nhiên, khi đoàn đặt vấn đề muốn mua hoặc thuê những khu đất khoảng liền thửa để xây dựng nhà máy sơ chế, làm vườn ươm, nhà máy chế biến sau thu hoạch, lãnh đạo của huyện dẫn doanh nghiệp đi mấy lần nhưng không thể tìm được khu đất 3 - 4 ha nào liền thửa ở vùng núi.

"Có thể nói, thông tư mới của Bộ Y tế rất sát và phù hợp với thực tiễn. Rất khó thực hiện được yêu cầu diện tích vùng nguyên liệu 30 ha liền thửa. Hơn nữa, chúng ta đang cố gắng phát triển dược liệu dưới tán rừng, đa dạng sinh học. Đâu đó, các quy định đưa ra lại vô tình xóa mất tính đa dạng sinh học, xóa mất tính cốt lõi của kinh tế dưới tán rừng", ông Thoại nhìn nhận.

Đánh giá chung về chính sách phát triển dược liệu, PGS,TS Trần Văn Ơn - Giảng viên cao cấp, nguyên trưởng bộ môn Thực vật Đại học Dược Hà Nội, Giám đốc khối Dự án của DKPharma.JSC cho biết, mặc dù Chính phủ đã có Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn thiếu những chính sách mang tính tổng thể, thiếu một kế hoạch tổng thể. Kế hoạch tổng thể này phải chỉ ra được tầm nhìn và sứ mệnh của ngành dược liệu Việt Nam.

“Chúng ta trồng dược liệu chỉ để làm thuốc chữa bệnh, hay để chăm sóc sức khỏe, hay xuất khẩu thu ngoại tệ… đều chưa có mục tiêu rõ ràng. Khi thiếu những cái đó, chúng ta không biết bơi đi đâu”, ông Ơn chia sẻ.

Theo ông Ơn, hiện chỉ có Bộ Y tế có nhiệm vụ quản lý ngành dược liệu, điều này là quá sức. Cần phải ít nhất 5 bộ tham gia vào thúc đẩy phát triển lĩnh vực dược liệu. Trong đó, nhất thiết phải có "kiến trúc sư trưởng" để chỉ đạo trực tiếp, điều phối các bộ quản lý, triển khai vấn đề này hiệu quả, thay vì hoạt động rời rạc như hiện nay.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm