Những khuyến nghị quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU
DNVN - Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) vừa ra mắt cuốn sách “Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU”. Cuốn sách chỉ rõ những tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU và đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng.
Những khuyến nghị với DN Việt Nam khi Ấn Độ quyết liệt chống dịch Covid-19 / Khuyến nghị giúp DNNVV trong lĩnh vực phân phối hóa giải thách thức từ EVFTA
Cuốn sách “Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU” được ra mắt trong khuôn khổ “Diễn đàn thương mại Việt Nam- EU – Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, diễn ra sáng 27/10.
Sách “Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU”
Cuốn sách đã đưa ra khuyến nghị quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU. Theo đó, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA ) là một cú huých quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Đây cũng như cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ.
Tuy nhiên, EU là thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU, cần chú trọng 7 nội dung cơ bản sau:
Chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, lựa chọn sản phẩm chiến lược vào thị trường EU. Tập trung sản xuất và kinh doanh những sản phẩm mà doanh nghiệp có lợi thế trên cơ sở chiến lược bài bản, rõ ràng.
Cập nhật thường xuyên các chủ trương, chính sách của nhà nước, tìm hiểu nội dung Hiệp định EVFTA để tận dụng các cơ hội mà FTA này mang lại.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng.
Định hướng xây dựng và mở rộng thương hiệu riêng của doanh nghiệp. Cần đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và ngoài nước để tránh trường hợp bị đánh cắp thương hiệu. Doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu riêng vững chắc để có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế nói chung và châu Âu nói riêng.
Liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định, kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đối với mặt hàng nông lâm thủy sản cần chú ý từ khâu nuôi trồng theo tiêu chuẩn EU, bảo đảm nguyên tắc xuất xứ đối với những mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP.
Tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các thị trường EU. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm tại châu Âu. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều tại địa bàn.
Tích cực, chủ động liên hệ với các Thương vụ Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu về sản phẩm, doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác. Đây là địa điểm mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến để trao đổi và tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Cụ thể hơn, cuốn sách “Quy định nhập khẩu hàng hóa của thị trường EU” đã lưu ý doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu thông tin thị trường khi có kế hoạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, có thể tìm hiểu về thị trường EU trên trang web của Ủy ban châu Âu: https://ec.europa.eu/growth/single-market ; trang web của Bộ Ngoại giao Hà Lan CBI (https://www.cbi.eu) - (Centre for the Promotion of Imports from developing countries – Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển) hoặc trang web của trung tâm điều phối của các tổ chức phi chính phủ ở EU https://concordeurope.org.
Doanh nghiệp cần tìm hiểu nội dung Hiệp định EVFTA để tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể liên hệ với các phòng thương mại nước ngoài tại Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng, các trung tâm hỗ trợ xúc tiến và sát thực hơn là các Thương vụ Việt Nam tại các nước EU.
Hiện Bộ Công Thương có 13 Thương vụ đặt tại Bỉ, Séc, Bungaria, Italia, Hungaria, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Rumani, Pháp, Ba Lan, Áo. Các thương vụ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp các thông tin cụ thể về thị trường sở tại và thị trường kiêm nhiệm; giới thiệu các đối tác nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới các đối tác châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những vướng mắc, những khó khăn trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán; hỗ trợ doanh nghiệp xử lý những tranh chấp phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa…; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, hội thảo quốc tế, giúp tìm kiếm đối tác kinh doanh…
Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu quy định nhập khẩu của EU thông qua tra cứu các quy định nhập khẩu của từng nước thành viên theo mã HS hàng hóa sản phẩm xuất khẩu trên website: http://trade.ec.europa.eu/tradehelp.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý các quy định phi thuế quan của EU như hàng rào kỹ thuật với thương mại (TBT), các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS), các quy định riêng về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm cho từng ngành.
Cuốn sách đưa ra cảnh báo: Tới đây, số lượng các công ty gặp khó khăn về tài chính, phá sản sẽ gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bất ổn tài chính. Do đó, khả năng xuất hiện các vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại cũng sẽ tăng lên. Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong làm ăn với doanh nghiệp tại EU nói riêng và nước ngoài nói chung trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng. Doanh nghiệp cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn.
Đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác.
Hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn. Doanh nghiệp nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight).
Cảnh giác, thận trọng khi giao dịch điện tử trên mạng, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi Email, người hưởng lợi… cần kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.
Do hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.
Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan. Qua đó, xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp.
EU là một thị trường lớn, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… Để tận dụng những ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình kiến thức, thông tin để đưa ra chiến lược kinh doanh hiệu quả nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng sang EU (đối với những doanh nghiệp đã xuất khẩu sang EU), đưa được sản phẩm thâm nhập vào thị trường EU (đối với những doanh nghiệp nào chưa xuất khẩu được sang EU).
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo