Phát triển văn hóa Doanh nghiệp gắn liền với xây dựng thương hiệu
(DNVN) - Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ và cộng sinh chặt chẽ, trực tiếp và mạnh mẽ. VHDN sản sinh năng lượng cho thương hiệu, tạo ra và củng cố thương hiệu.
335 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ thuế gần 2.200 tỉ đồng / Apple bị tụt hạng thê thảm, rớt khỏi Top 10 công ty công nghệ lớn nhất thế giới
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từng đưa ra 7 “cặp đôi chưa hoàn hảo” trong văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt là: Tài xoay xở, nhưng thiếu căn cơ; Rất dễ hứa hẹn, nhưng lại khó thực hiện; Một người thì giỏi, nhiều người thì kém; Giỏi thích nghi nhưng ít sáng tạo; Coi trọng hình thức, nhưng không quan tâm đầy đủ đến thực chất; Tham cái nhỏ, bỏ cái lớn; Nổi tiếng về cần cù, nhưng lại thiếu tính kỷ luật trong sản xuất, kinh doanh…
Nghị quyết số 33 ngày 09/ 06/2014 của Hội nghị lần thứ chín của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước đã nhấn mạnh: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.
Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp
Văn hoá Doanh nghiệp (VHDN), theo “Đại từ điển tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý chủ biên, là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN) trong môi trường chung, đó là những quan niệm, tập quán, truyền thống của dân tộc, tác động của môi trường tới hoạt động của DN, tác động này chi phối tình cảm, lý trí, cách suy nghĩ và hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong DN và trong cộng đồng DN với người sử dụng sản phẩm của DN.
Theo Hội đồng Doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững, "VHDN là sự cam kết trong việc ứng xử hợp đạo lý và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như của cộng đồng địa phương và của toàn xã hội nói chung”…
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ 2.
Có thể nói, theo nghĩa rộng, VHDN là khái niệm mở, có nội hàm ngày càng được bổ sung đầy đủ, rõ nét và được coi trọng hơn cùng với sự phát triển các giá trị đạo đức xã hội, thể chế kinh tế thị trường và các cam kết hội nhâp quốc tế. VHDN được coi là đặc trưng cho DN, là tài sản và nền tảng để phát triển DN, là tổng hoà các chuẩn mực chung, biểu tượng, lịch sử truyền thống, nội quy, giá trị vật thể và phi vật thể, những quan điểm và hành vi có nguồn gốc và tác động trở lại chi phối đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của cộng đồng DN…
Về cấu thành, VHDN không chỉ thể hiện qua phong trào, nghi lễ, nghi thức, những cách báo cáo, hay ngôn ngữ giao tiếp, trang phục..., mà cốt lõi quan trọng nhất là niềm tin, trách nhiệm, tiêu chuẩn, quy tụ sức mạnh tập thể vàcách thức cạnh tranh kinh doanh trong cuộc sống của DN. Nói cách khác, VHDN trước hết bao gồm các nhận thức và hoạt động liên quan đến nghĩa vụ của DN đối với nhà nước (nộp thuế, tuân thủ pháp luật…), với xã hội (tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng với đối tác và bảo vệ môi trường, làm từ thiện…) và trong ứng xử nội bộ của DN (quan hệ đồng nghiệp, cấp trên-cấp dưới, lao động với chủ sử dụng lao động, các ứng xử và giá trị truyền thống tinh thần trong và giữa các đơn vị, cá nhân trong DN...); VHDN càng cao thì uy tín và sức hấp dẫn của DN với các đối tác và người tiêu dùng trên thị trường càng lớn…
Gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và không thể tách rời với văn hóa quản lý nhà nước, sự phát triển VHDN phản ánh sự phát triển và hoàn thiện của các thể chế kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước đối với DN; nhận thức và hành động cụ thể của chủ DN và cộng đồng lao động của DN.
VHDN là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, liêm chính và tuân thủ các chuẩn mực trong kinh doanh, tăng cường thể lực và tinh thần cho cán bộ nhân viên và người lao động thông qua việc xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc...
Từ năm 2016, Việt Nam chính thức chọn ngày 10/11 hàng năm là “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” hàng năm. Khẳng định tầm quan trọng của VHDN nhân dịp công bố “Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: VHDN là linh hồn của Thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp.
VHDN là bao gồm các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội. Văn hóa doanh nghiệp có các giá trị cốt lõi không tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những nguyên tắc cơ bản, giá trị nền tảng, sức sống của VHDN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là liêm chính, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy và trách nhiệm môi trường; khuyến khích áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức trong làm ăn kinh tế, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững…
Chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. VHDN không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh quốc gia; VHDN, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng VHDN ở Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục như là một quá trình mở, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và không kém phần quyết liệt nhằm khẳng định các giá trị chuẩn quốc gia, hình thành môi trường kinh doanh thượng tôn pháp luật, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, cạnh tranh lành mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và cả trong giới chức quản lý Việt Nam.
Để xây dựng VHDN cần triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác chính trị - tư tưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tăng cường thông tin tuyên truyền, quảng bá và thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thương hiệu doanh nghiệp - giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp
Thương hiệu và VHDN có mối quan hệ tương hỗ và cộng sinh chặt chẽ, trực tiếp và mạnh mẽ. VHDN sản sinh năng lượng cho thương hiệu, tạo ra và củng cố thương hiệu. Thương hiệu là giá trị cốt lõi của VHDN.
VHDN tạo nên linh hồn của thương hiệu và sự khác biệt về giá trị của doanh nghiệp. Trong VHDN, những giá trị hữu hình và vô hình luôn đan xen và bổ trợ lẫn nhau ngay từ đầu để hỗ trợ cho thương hiệu, tạo được sự tin tưởng của nhân viên đối với cấp lãnh đạo, cũng như đối với sản phẩm của DN.
Xây dựng thương hiệu nghĩa là tạo dựng một hình ảnh ra bên ngoài doanh nghiệp, nhưng thương hiệu không chỉ đơn giản là cách đặt tên hay biểu trương logo. Xây dựng và quảng bá thương hiệu không đơn giản và chỉ thu hẹp trong hoạt độngbỏ tiền thuê thiết kế logo ấn tượng, tăng cường quảng cáo và lạm dụng truyền thông, không trung thực về thành phần, công dụng sản phẩm; quảng cáo bỏ sót thông tin theo kiểu “mập mờ”, cũng như các chiêu trò quảng cáo sản phẩm quá mức và thiếu thẩm mỹ thì khó làm nên thương hiệu bền vững.
Phát triển VHDN gắn với xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ vững được thương hiệu càng khó hơn. Thương hiệu là kết quả hội tụ của toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm, sứ mệnh, tầm nhìn chiến lược kinh doanh, đạo đức kinh doanh, phong cách ứng xử với khách hàng và trách nhiệm xã hội của DN.
Thương hiệu là niềm tự hào và là tài sản lớn, đại diện cho giá trị và VHDN, mang lại tinh thần cho đôi ngũ nhân viên, nền tảng bảo đảm cho doanh nghiệp cạnh tranh thành công và phát triển trong tương lai.
Thương hiệu là vô hình, nhưng lại tạo ra những lợi ích bền vững cho DN. Giá trị của thương hiệu và giá trị VHDN là to lớn, nhưng khó đo lường và dễ mất đi. Một thương hiệu mạnh là thương hiệu cung cấp những trải nghiệm nhất quán cho người tiêu dùng trong dài hạn; Đặc biệt, khách hàng sễ mất tin tưởng vào thương hiệu khi những nhân viên và hành vi với danh nghĩa thương hiệu gây cho họ các ấn tượng xấu.
Bởi vậy, đầu tư phát triển VHDN gắn với xây dựng và quảng bá, bảo vệ thương hiệu là việc làm thường xuyên và tinh tế, cả vĩ mô và vi mô trong toàn bộ đời sống và phát triển của doanh nghiệp.
VHDN là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản của quốc gia.
Việc phát triển VHDN gắn với xây dựng thương hiệu của mỗi DN là một quá trình, trong đó, DN vừa coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm và tăng tiện ích cho khách hàng, vừa quan tâm xây dựng và quảng bá thương hiệu của mình.
VHDN làm nên thương hiệu và quyết định sự thành bại của mỗi doanh nghiệp. Phát triển VHDN gắn với xây dựng thương hiệu DN luôn đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ và đề cao đạo đức doanh nhân.
Khi doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận, chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt, mà không quan tâm đến hình ảnh và bất chấp đạo đức kinh doanh, quyền lợi khách hàng thì dù là thương hiệu lâu năm và nổi tiếng trên thị trường, có vẻ bề ngoài thành công trong kinh doanh hay hoạt động đối ngoại cũng sớm muộn thất tín và phá sản...
Để phát triển VHDN gắn với xây dựng thương hiệu DN, Chính phủ cần cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phòng chống lãng phí, tiêu cực, giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng nhằm tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển và đổi mới sáng tạo.
Thực tế kinh tế thị trường đã, đang và sẽ còn cho thấy: Điều đặc trưng chung trong VHDN làm nên thương hiệu và thành công của một DN dù trong bất kỳ lĩnh vực và thời điểm nào, ở bất kỳ ở quốc gia nào chính là tôn trọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, có tầm nhìn dài hạn và biết hài hoà giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững.
Nói cách khác, phát triển VHDN gắn với xây dựng, bảo vệ và quảng bá thương hiệu quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, điểm nhấn cần có cho thương hiệu và VHDN Việt là tôn trọng “chữ tín”, “tính liên kết” và trách nhiệm cộng đồng; lòng tự hào, tự trọng và tự tôn dân tộc trong hoạt động kinh doanh như một chuẩn mực chung. DN nào xây dựng được VHDN tốt thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động và người tiêu dùng cũng luôn là DN có thương hiệu, uy tín, hình ảnh thành công…
Hương Phong (Tạp chí Doanh nghiệp & hội nhập)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo