Sản phẩm xanh hút khách nhưng doanh nghiệp vướng nhiều rào cản
Kiên Giang: Hà Tiên ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế / 73% doanh nghiệp muốn được Chính phủ hỗ trợ vượt qua tác động thuế Mỹ
Tiêu dùng xanh không còn là lựa chọn đạo đức
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh tại Việt Nam đang trở thành một xu hướng tất yếu, thúc đẩy chuyển đổi trong cả hành vi người tiêu dùng lẫn chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Dù còn nhiều thách thức, song đây được đánh giá là động lực quan trọng để kiến tạo nên một “kỷ nguyên xanh”, nơi giá trị kinh tế gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021–2023, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm. Khoảng 2/3 người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe và hệ sinh thái sống.
Sự chuyển biến này không chỉ diễn ra trong sinh hoạt hộ gia đình, mà còn lan tỏa tới các mô hình kinh doanh. Nhiều cửa hàng đã thay thế sản phẩm nhựa bằng ống hút giấy, ống hút gạo, cốc bã mía, túi sinh học... Dù giá thành cao hơn, việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường được coi là lợi thế cạnh tranh và là cam kết với phát triển bền vững.
Người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả thêm từ 5% - 10% để sử dụng các sản phẩm xanh, tùy theo mức độ thân thiện và tiện ích mà sản phẩm mang lại.
Tại diễn đàn “Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh 2025” ngày 2/7 tại Hà Nội, ông Đỗ Tiến Sỹ – Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên xanh, nơi giá trị kinh tế không thể tách rời giá trị môi trường và xã hội. Tiêu dùng bền vững không còn là một lựa chọn đạo đức mà đã trở thành trụ cột chiến lược trong phát triển quốc gia.

Ông Sỹ cho rằng, mỗi hành vi tiêu dùng, dù nhỏ, đều để lại dấu vết – từ phát thải khí nhà kính, rác thải nhựa, đến lãng phí tài nguyên. Nếu hành động đúng, dấu vết ấy sẽ mang lại thay đổi tích cực: sản phẩm có vòng đời dài hơn, ít rác thải hơn, công bằng hơn và gắn liền với trách nhiệm cộng đồng.
Ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, hành vi tiêu dùng chính là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sản xuất bền vững.
“Nhận thức được vai trò của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu dùng bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên xây dựng khung pháp lý và chính sách toàn diện để khuyến khích sản xuất xanh. Điều này góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm thân thiện môi trường, tạo nền tảng để thực hành tiêu dùng bền vững trong cộng đồng”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, mức độ và quy mô thực hành tiêu dùng bền vững tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc thu hẹp khoảng cách giữa nhận thức và hành động, cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm xanh, là nhiệm vụ cấp thiết.
Doanh nghiệp vướng nhiều rào cản
Bên cạnh sự thay đổi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng đang từng bước chuyển mình theo xu hướng xanh hóa. Các chiến dịch trồng hàng trăm nghìn cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải nhựa... là minh chứng cho những nỗ lực này.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chi phí đầu tư lớn, quy trình sản xuất khắt khe và yêu cầu cao về nguyên liệu khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn e dè. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường với mức chi phí phù hợp là thách thức hàng đầu, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhiều doanh nghiệp chỉ dám thử nghiệm sản phẩm xanh ở quy mô nhỏ, trong khi đây lại là điều kiện ngày càng bắt buộc nếu muốn tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn.

Chia sẻ bên lề sự kiện, bà Lê Thị Hồng Nhi – Phó Tổng Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại của Unilever Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đang gặp phải 3 rào cản lớn. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa sạch, gây khó khăn cho quá trình tái chế. Thứ hai, công nghệ tái chế tại Việt Nam chưa phát triển, số nhà tái chế đạt chuẩn quốc tế còn rất ít. Thứ ba, chi phí cao – nhựa tái sinh hiện đắt hơn nhựa nguyên sinh khoảng 20%.
“Đây là bài toán mà chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ để vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa giữ giá thành sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng” bà Nhi nói.
Unilever kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với bao bì tái chế. Đồng thời, cần tăng đầu tư vào công nghệ tái chế, hỗ trợ ngành tái chế trong nước phát triển và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Nhi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác giữa các bên: doanh nghiệp, đơn vị thu gom – tái chế, nhà cung cấp công nghệ và cơ quan quản lý.
“Chỉ khi các bên kết hợp chặt chẽ, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh tại Việt Nam mới có thể phát triển thực chất,” đại diện Unilever khẳng định.
Trong khi đó, tại diễn đàn, ông Lê Văn Tám – đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng, đơn vị sản xuất ống hút rau củ xuất khẩu thay thế ống hút nhựa chia sẻ: “Nỗi đau của chúng tôi là làm ra sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và môi trường, nhưng lại không thể tiêu thụ được ở thị trường trong nước. Người Việt Nam không được dùng hàng Việt Nam tốt”.
Theo ông Tám, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ tới 5,3 tỷ ống hút – tương đương gấp 50 lần dân số cả nước. Nếu chỉ 1–2% trong số này rò rỉ ra môi trường, hậu quả sẽ rất lớn.
“Vi nhựa đang quay lại trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Chúng tôi làm sản phẩm có thể vừa hút, vừa ăn được, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ người nông dân, nhưng vẫn phải xuất khẩu là chính”, ông Tám nói.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp siêu nhỏ như Hợp tác xã Sông Hồng, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận nguồn lực để phát triển.
“Doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi gần như không thể tiếp cận vốn hỗ trợ từ Nhà nước, buộc phải ‘tự bơi’ trong một thị trường còn nhiều rào cản”, ông Tám phản ánh.
Từ thực tiễn đó, ông Tám đề xuất Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đặc thù để khuyến khích các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê chuyển đổi từ sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường – cả về tài chính lẫn truyền thông.
“Khi Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng đồng hành, chia sẻ và lan tỏa sự tử tế, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường thực sự xanh và sạch cho thế hệ tương lai”, ông Tám nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo