Sức chống chịu suy giảm, doanh nghiệp đối mặt 8 nhóm vấn đề khó khăn giữa đại dịch
DNVN - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp suy giảm, hiện đang đối mặt 8 nhóm vấn đề khó khăn cần được hỗ trợ kịp thời.
Vinamilk tiếp sức tuyến đầu trong giai đoạn cao điểm chống dịch tại 50 bệnh viện trên cả nước / Kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nông sản tại Nam Bộ
Doanh nghiệp đối mặt 8 nhóm vấn đề khó khăn
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN và các địa phương ngày 8/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN.
Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: TTXVN)
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 29,1% tổng số DN rút lui của các nước; và đã xuất hiện nhiều hơn những DN quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường.
"Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 8 nhóm vấn đề khó khăn DN đang phải đối diện hiện nay.
Thứ nhất, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70-80%.
Tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải thời gian qua đã phản ánh bản chất không hẳn do tắc nghẽn bởi hạ tầng, hay do điều hành lưu thông hàng hoá, mà bản chất là do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh.
Thứ hai, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Doanh thu sụt giảm dẫn đến dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến cho các DN rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các DN khó có thể xoay xở trả lãi vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.
Thứ ba, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5-10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại DN, chi phí hỗ trợ giữ chân người lao động.
Thứ tư, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
DN chồng chất khó khăn vì dịch bệnh. (Ảnh: ĐCSO)
Thứ năm, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa thống nhất và hợp lý. Hậu quả là các DN bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.
Thứ sáu, khó khăn về lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN tìm kiếm nguồn lao động trở lại làm việc khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định.
Thứ bảy, khó khăn về chuyên gia. Các DN, chủ yếu là doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh, đặc biệt đối với những tập đoàn lớn vào Việt Nam nghiên cứu, quyết định dự án quy mô lớn và cấp mới/điều chỉnh giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Thứ tám, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các DN còn cho biết việc triển khai của một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
"Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các DN đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ khác vào lúc này", Bộ trưởng đánh giá.
Còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có chiều hướng phức tạp với nhiều biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, thị trường quốc tế và trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với DN.
Đó là nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và tình trạng đình trệ sản xuất, suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới các DN.
Làn sóng người lao động di chuyển khỏi tỉnh, thành phố lớn sẽ dẫn đến nguy cơ cao thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng khiến cho DN rất khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch COVID-19 thuyên giảm.
Ngoài ra, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các DN FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững.
"Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và đạt được thắng lợi trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất", Bộ trưởng phát biểu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tác động từ dịch COVID-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới. Đây thực sự cũng là cơ hội giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.
Kiến nghị 8 nhóm giải pháp "cứu" doanh nghiệp
Với phương châm “sớm nhất-hiệu quả nhất” trong việc tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách cho DN, nhanh chóng ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thực hiện 8 nhóm giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong đó, với nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần triển khai ngay, Bộ đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh:
Tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao, tập trung cho các chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.
Nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ tự xét nghiệm để chủ động xét nghiệm; đẩy mạnh việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước; xem xét áp dụng chứng chỉ tiêm vắc xin và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu, công khai thông tin đối với các đối tượng đã được tiêm phòng.
Nghiên cứu chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vắc xin, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế) với cách tiếp cận, coi đây là cơ hội cho các DN Việt Nam. Từ đó, nâng cao khả năng nghiên cứu, năng lực sản xuất trong nước, làm chủ công nghệ, nâng cao sức chống chịu, đáp ứng nhu cầu nhanh nhất, thích ứng với mọi tình huống trong phòng, chống dịch với một chi phí thấp. Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn.
Thứ hai, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn.
Theo đó, tổ chức và thực hiện “luồng xanh” hàng hóa quốc gia, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất; nghiên cứu đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng chống dịch COVID-19; ứng dụng triệt để công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động.
Nghiên cứu hướng dẫn thống nhất các quy tắc phân loại chống dịch COVID-19 chung trên cả nước, tránh tình trạng địa phương hoá quá mức, gây cản trở hoạt động của DN; nghiên cứu khung quy định về nhà máy an toàn để có thể linh hoạt áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và DN.
Tổ chức đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi cung ứng; vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong khu công nghiệp nhưng phải tuyệt đối an toàn.
Thứ ba, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN.
Theo đó, nghiên cứu sửa đổi các chính sách về phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn; Nghiên cứu đề xuất tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc nợ, gia hạn các khoản nợ cũ; giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ về giãn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với giá trị khoảng 20 nghìn tỷ và giảm tiền thuê đất khoảng 700 tỷ sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các DN phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Thứ tư, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Hướng dẫn tổ chức triển khai có hiệu quả gói chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giá trị khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Nghiên cứu đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp/gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho DN FDI, phù hợp với tình hình thực tế.
Khẩn trương hoàn thiện quy trình nhập cảnh mới áp dụng thống nhất ở các Bộ, ngành và địa phương đối với các chuyên gia vào Việt Nam vận hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với đối tượng đã được tiêm chủng, lãnh đạo các Tập đoàn lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, giảm thời gian cách ly xuống mức thấp nhất.
Đối với nhóm chính sách dài hạn, tạo nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp chủ yếu.
Trước hết, xây dựng chính sách phát triển DN có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế; cần có chính sách để phát triển các DN tư nhân có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt; phát triển công nghiệp ngành y tế như đã nêu ở trên; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp ưu tiên; giải pháp dài hạn và bền vững về đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo; phát triển chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cao.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên.
Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số; các nền tảng thương mại điện tử; các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các DN công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực DN nhà nước. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DN Nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các DN khác. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc củng cố, phát triển một số tập đoàn, DN Nhà nước quy mô lớn hoạt động hiệu quả, có vai trò dẫn dắt trong giai đoạn tới.
Ngoài các nhóm giải pháp trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo