Tăng cường vai trò các cơ quan đại diện trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế
Cảng Đà Nẵng: Tiêu biểu trong phát triển quan hệ hải quan và doanh nghiệp / Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông
Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS), đây là sự kiện thứ hai của chuỗi hội thảo thuộc dự án “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phục hồi và hội nhập kinh tế quốc tế” do Bộ Ngoại giao đề xuất và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Hội thảo do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) tổ chức ngày 28/12 tại Đà Nẵng.
Tại hội thảo ngày 28/12 ở Đà Nẵng, các DNNVV khu vực miền Trung đã trao đổi trực tiếp và trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở các châu lục, đại diện một số địa phương về thực trạng, khó khăn, nhu cầu cần hỗ trợ khi tiếp cận và tham gia thị trường quốc tế; nắm bắt các cơ hội hợp tác quốc tế để có thể bước ra biển lớn.
Cùng với đó, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có dịp hiểu rõ hơn nhu cầu thực tiễn; tiếp nhận đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp. Qua đó phục vụ cho xây dựng các biện pháp tăng cường hỗ trợ DNNVV tiếp cận thông tin, kết nối với đối tác, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, góp phần phục hồi kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng hậu COVID-19, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch Hội DNNVV TP Đà Nẵng, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam tại miền Trung, các DNNVV đóng vai trò không thể thay thế trong việc tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và góp phần vào sự nghiệp phát triển xã hội.
Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố thiết yếu thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của mỗi quốc gia. Tuy nhiên các DNNVV Việt Nam đang đối mặt với thách thức rất lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, đây chính là thời điểm quan trọng mà các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ và bảo vệ DNNVV.
“Việc đồng hành và hỗ trợ DNNVV là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta cần hợp tác và phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện cho DNNVV có thể tự tin, mạnh mẽ bước ra “biển lớn”, tạo nên bức phá mới, tăng tốc đẩy mạnh nền kinh tế Việt Nam phát triển để có vị trí xứng đáng trên bản đồ kinh tế toàn cầu”, ông Phạm Bắc Bình nói.
Qua khảo sát khó khăn, thách thức mà các DNNVV đang phải đối mặt, bà Trần Bình Minh - Phó trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khuyến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp xúc tiến thương mại; cải thiện hệ thống thông tin và tư vấn; hỗ trợ về pháp lý quy định, tuân thủ và thuế tại các thị trường nước ngoài cho các DNNVV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo