Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hướng tới chuỗi sản xuất toàn cầu

DNVN - Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực là một trong những nội dung định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước dành cho Hà Nội trong 5 năm qua. Là trung tâm kinh tế của cả nước, Hà Nội đã tập trung sản xuất công nghiệp từ khá sớm, thu hút được nhiều doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp.

Sắp diễn ra Ngày Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản 2023 / TKV nộp ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng trong 9 tháng

Những năm gần đây, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng, mục tiêu tái cấu trúc công nghiệp Thủ đô theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.

Sau 5 năm thực hiện đề án (2018-2022), UBND TP Hà Nội đã công nhận tổng số 196 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các sản phẩm chủ lực, là thế mạnh của Hà Nội hiện nay gồm đèn chiếu sáng, máy biến áp, phần mềm, sản phẩm nhựa, inox, đồ may mặc, van nước, mây tre đan xuất khẩu... với các doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Sơn Hà, Tập đoàn Sunhouse, Tập đoàn AMACCAO, Tổng công ty May 10…

Các doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô. Đồng thời có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố trong thời gian tới, trong các nhóm giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, hướng tới chuỗi sản xuất toàn cầu, Hà Nội xác định, mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại và đào tạo là hai giải pháp trọng tâm hiện nay.


Hà Nội đặt mục tiêu tái cấu trúc công nghiệp Thủ đô theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.

Từ ngày 8-13/9, Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Công ty TNHH Tư vấn năng suất và chất lượng quốc tế (IPQ) tổ chức chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng QA-QC. Chương trình có sự tham gia của gần 60 học viên đến từ các doanh nghiệp hội viên HAMI.

Theo đại diện HAMI, việc triển khai các khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý chất lượng, đào tạo nhân lực có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những đối tác “khắt khe” như Nhật Bản, Bắc Mỹ, EU…

Ngày 6/10 vừa qua, HAMI đã tổ chức Hội nghị kết nối giao thương với chủ đề “Cơ hội kinh doanh chủ động trong tình hình biến động” với sự tham gia của 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực.

Từ ngày 19-21/10 tới đây, HAMI sẽ phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội chợ sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội năm 2023 (Hanoi MIP 2023). Hội chợ có quy mô từ 200 - 250 gian hàng nhằm thúc đẩy hoạt động giao thương tương hỗ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các hãng với các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp thương mại liên quan.

Ban tổ chức kỳ vọng sự kiện sẽ tạo ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh giá trị lớn cho doanh nghiệp tham gia.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm