Hỗ trợ doanh nghiệp

Thủ tướng: 100% thủ tục với doanh nghiệp phải thực hiện online

DNVN - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, đảm bảo đến hết năm 2025, toàn bộ thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, minh bạch, thông suốt và không phụ thuộc địa giới hành chính.

Doanh nghiệp 'băn khoăn' việc triển khai thực tế Nghị quyết 66 và 68 / Hỗ trợ cơ chế chính sách để hộ kinh doanh 'chịu lớn'

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69/CĐ-TTg ngày 22/5/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).

Theo thống kê đến ngày 20/5/2025, cả nước có 6.358 TTHC, trong đó có 4.377 thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, với chi phí tuân thủ lên tới hơn 120.000 tỷ đồng mỗi năm. Mục tiêu đặt ra là cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ TTHC và điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê TTHC, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trước ngày 10/6/2025.

Khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, ít nhất 30% chi phí tuân thủ TTHC, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân và của Chính phủ tại Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025.


Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu toàn bộ thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, minh bạch, thông suốt và không phụ thuộc địa giới hành chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh phân cấp, tự động hóa, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong xử lý thủ tục, đặc biệt ở các lĩnh vực doanh nghiệp quan tâm như đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan... Đồng thời, chuyển tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, loại bỏ cơ chế “xin - cho”, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng.

Các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về kết quả cắt giảm TTHC thuộc phạm vi quản lý. Việc triển khai sẽ được Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và báo cáo định kỳ hằng tháng.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 23/5, thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn báo cáo của VCCI cho biết, việc tiếp cận đất đai ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp thuận lợi khi tìm kiếm mặt bằng kinh doanh thì đến năm 2024, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 33%. Nguyên nhân chính là thủ tục kéo dài, đặc biệt trong khâu xác định giá đất.bày tỏ lo ngại về tiến độ cải cách môi trường kinh doanh.

Đại biểu cho rằng, nếu không thực hiện một “cuộc cách mạng thực sự”, những cải thiện nhỏ lẻ hiện nay sẽ không đủ tạo đột phá. Dù đã có nhiều nghị quyết như Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, Nghị quyết 66 về pháp luật và Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân, nhưng vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh ngày càng đi vào những điểm “khó và sâu hơn”.

Nếu tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026–2027 mà chỉ dựa vào các biện pháp tài khóa, tiền tệ thì sẽ tiềm ẩn rủi ro vĩ mô lớn. Trong khi đó, đầu tư tư nhân – động lực chính cho tăng trưởng – đang bị kìm hãm bởi một “rừng thủ tục, núi thủ tục” như: quy hoạch xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xác định tiền sử dụng đất...

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm