Hỗ trợ doanh nghiệp

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng cơ chế vượt trội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sáng 6/1.

Lo thiếu doanh nghiệp cỡ vừa cung ứng cho khối ngoại / Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Cần xóa bỏ tư duy hành chính trong hoạt động Khoa học và Công nghệ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ KH&CN phải chủ động, tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể các cơ chế vượt trội dành cho phát triển KHCN. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kế thừa thành tựu, đổi mới mạnh mẽ

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua Bộ KH&CN, các nhà khoa học đã góp một phần rất quan trọng để đất nước vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, duy trì được tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm khá cao trên thế giới, đặc biệt trong năm 2020.

Một chỉ số liên quan trực tiếp đến ngành KH&CN là năng suất lao động bình quân tăng khoảng 5,8% (nhiệm kỳ trước là 4,3%), trong đó đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp là 44,46% (nhiệm kỳ trước là 33,58%).

Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam hai năm liên tiêp ở vị trí 42 trên thế giới (đầu nhiệm kỳ đứng thứ 59). Số lượng nghiên cứu khoa học công bố quốc tế tăng 34% so với nhiệm kỳ trước. Lần đầu tiên Việt Nam được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển rất mạnh, đứng thứ 3 trong khu vực ASSEAN. Số doanh nghiệp KH&CN đổi mới sáng tạo tăng gấp đôi. Các quỹ đầu tư mạo hiểm tăng gấp 10 lần. Không gian làm việc chung tăng gấp nhiều lần với 186 không gian, trong đó có ở nhiều trường đại học.

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học quản lý và chính trị đã đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng các văn kiện của Đảng, chủ trương, đường lối phát triển cũng như tham gia một loạt dự án có ý nghĩa rất lâu dài như: Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam; Bách khoa toàn thư Việt Nam; Địa chí quốc gia Việt Nam; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.

Về khoa học tự nhiên và khoa học cơ bản, lần đầu tiên chúng ta có hai trung tâm nghiên cứu cơ bản về toán và vật lý của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam được UNESCO bảo trợ trong tổng số 49 trung tâm khoa học cơ bản trên toàn thế giới.

Ngành KH&CN cũng đã làm rất tốt việc phổ biến tri thức KHCN trong toàn xã hội. Các cuộc thi khoa học chuyên và đặc biệt là không chuyên đã khơi dậy mạnh mẽ không khí khoa học sáng tạo.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chúng ta không chỉ làm chủ KHCN mà còn phát triển, sáng tạo rất nhiều giải pháp, sản phẩm sử dụng trong thực tế.

Công tác quản lý KH&CN đã có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng minh bạch hơn, bớt dàn trải, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ lớn và nhiệm vụ đột xuất.

Việc cải cách và sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN đã thực hiện từ sớm và thu được những kết quả nhất định.

“Nhìn lại năm 2020 và cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, ngành KH&CN đã kế thừa thành tựu của những năm trước và tiếp tục có những đổi mới mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Bộ KH&CN, ngành KH&CN cả nước và gửi lời cảm ơn đến tất cả các nhà khoa học, các cơ quan, ban, ngành và địa phương đã chung tay để sự nghiệp phát triển khoa học của đất nước tiếp tục có những tiến bộ.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Công khai, minh bạch và cơ chế vượt trội

Nói về những bất cập, hạn chế của ngành KH&CN, Phó Thủ tướng cho rằng việc đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia với vai trò doanh nghiệp là trung tâm đã được khởi động, có tiến bộ. Doanh nghiệp đã thực sự là chủ thể đổi mới KHCN.

Từ những tòa nhà chọc trời, những cây cầu lớn, công trình lớn được thiết kế, thi công, xây lắp bởi DN Việt Nam cho đến những công nghệ rất đơn giản là minh chứng cho thấy năng lực KH&CN của đất nước tăng rất nhiều.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, nhìn chung, năng lực sẵn sàng cho nền sản xuất 4.0 của Việt Nam vẫn còn rất yếu, và phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống sáng tạo quốc gia và nhất định phải có những cơ chế vượt trội về hạch toán kinh tế, ưu đãi thuế, vốn, phân bổ nguồn lực để các DN thấy có lợi ngay khi đầu tư vào khoa học, công nghệ, nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực. “Bộ KH&CN phải chủ động, tập trung nghiên cứu để đề xuất cụ thể các cơ chế vượt trội dành cho phát triển KH&CN”.

Mặc dù cơ chế quản lý KH&CN thời gian qua đã có những bước tiến dài, căn bản nhưng Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn tình trạng lãng phí, “phân bổ theo kiểu chia thuốc”, và nhất là vẫn chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học nên rất nhiều quy định, quy trình phức tạp. “Chìa khóa” giải quyết vấn đề này là phải công khai, minh bạch tất cả các khâu từ lúc đặt ra đề tài, cho đến quá trình làm, lấy ý kiến phản biện và kết quả. Việc này không chỉ được thực hiện đối với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học mà cả những nhiệm vụ KHCN thực hiện ở địa phương để các nhà khoa học cũng như cộng đồng cùng giám sát. Bộ KH&CN phải đi đầu thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn lực, kinh phí, và có các đề tài nghiên cứu thiết thực, nhất là ở địa phương.

 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phải coi trường đại học là một chủ thể nghiên cứu có thể nhận kinh phí, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trực tiếp từ Bộ KH&CN, có như vậy đại học mới trở thành những trung tâm sáng tạo ra tri thức.

Bộ KH&CN cũng cần có chương trình tổng thể nhằm kết nối chặt chẽ giữa khoa quản lý, khoa học chính trị, khoa học xã hội nhân văn với KHCN.

Để thúc đẩy KHCN ở địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các sở KH&CN xác định, đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm, từ đó Bộ KH&CN tập hợp thành một số nhóm vấn đề, nhiệm vụ KHCN để tập trung hỗ trợ cho các tỉnh.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH&CN.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm