Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinaseed - Doanh nghiệp khoa học công nghệ tiêu biểu

Giai đoạn 2013 - 2017, với chiến lược tập trung đầu tư lấy KHCN làm nền tảng và động lực để phát triển, doanh nghiệp thành viên của The PAN Group đã trở thành công ty giống cây trồng có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) là doanh nghiệp độc lập trực thuộc Bộ NN-PTNT, được cổ phần hóa năm 2003 với vốn điều lệ ban đầu rất nhỏ chỉ có 13,5 tỷ đồng, sản xuất chủ yếu giống lúa thuần, trình độ công nghệ thấp, không có bất kỳ một sản phẩm KHCN nào mang thương hiệu công ty.

Tuy nhiên, thật khó tin, doanh nghiệp chỉ 15 năm đổi mới và phát triển đặc biệt giai đoạn 2013 - 2017 với chiến lược tập trung đầu tư lấy KHCN làm nền tảng và động lực để phát triển, Vinaseed - thành viên của Tập đoàn PAN (The PAN Group, HOSE: PAN) đã trở thành công ty giống cây trồng có quy mô lớn nhất thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm khu trưng bày sản phẩm của Vinaseed, hội nghị lúa gạo vùng ĐBSCL tại An Giang 2017.

Doanh thu từ sản phẩm giống cây trồng của Vinaseed năm 2017 lên tới 1.500 tỷ, trong đó cơ cấu sản phẩm KHCN chiếm tỷ trọng 80% tương đương 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, và mục tiêu năm 2018 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.

Dự kiến kết thúc Kế hoạch 5 năm (2017 - 2021), với tầm nhìn chiến lược trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, quy mô công ty sẽ tăng gấp đôi với doanh thu từ 2.600 - 3.000 tỷ đồng.

Bước phát triển thần tốc

Nhận thức xu thế phát triển thế giới và khu vực, cùng sự thay đổi liên tục nhu cầu xã hội cũng như diễn biến, tác động biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, ngay từ những ngày đầu chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất Vinaseed đã xác định chỉ có khoa học công nghệ (KHCN) mới giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của thực tế sản xuất.

Thời gian đầu mới cổ phần hóa, nguồn lực hạn chế cả về vốn, công nghệ và đội ngũ cũng như trình độ quản trị. Bằng chiến lược "đứng trên vai những người khổng lồ" để có thể đi nhanh và nhìn xa hơn, công ty đã tập trung khai thác các nguồn lực xã hội vào cùng phát triển, mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu công lập, hợp tác quốc tế trong chuyển giao tiến bộ KHCN đặc biệt công ty đã hợp tác với gần như tất cả các nhà chọn tạo giống hàng đầu Việt Nam như GS Trần Hồng Uy, GS.VS Trần Đình Long, PGS Nguyễn Thị Trâm, GS Hoàng Tuyết Minh, GS Trần Duy Quý, GS. Đỗ Năng Vịnh, GS Nguyễn Thị Lang... cùng giúp công ty đào tạo đội ngũ chuyên gia chọn tạo giống, chuyên gia sản xuất hạt lai F1…, làm chủ các công nghệ và kết nối hợp tác quốc tế. Ngoài ra, công ty còn nhận chuyển giao bản quyền để SXKD từ các viện nghiên cứu công lập (các giống lúa Khang dân ĐB, ĐB6, TH3-4, ngô HN68, NSC87…).

 

Là công ty tham gia tạo lập thị trường KHCN, với hai trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp trong công ty và khi Nghị định 80/CP ra đời, công ty là doanh nghiệp đầu tiên của ngành giống cây trồng Việt Nam được công nhận doanh nghiệp KHCN với tỷ lệ sản phẩm KHCN năm thứ nhất là 30% (tháng 3/2011).

Giai đoạn 2011 - 2017 là giai đoạn công ty có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và tập trung nhất, hiệu quả nhất cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khi được tham gia vào các chương trình nghiên cứu KHCN, chương trình sản phẩm trọng điểm Quốc gia để thực hiện các đề tài, dự án độc lập cấp nhà nước, các dự án hợp tác quốc tế, cũng như đã giành toàn bộ những ưu đãi để tập trung đầu tư cho hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, con người phục vụ nghiên cứu tạo giống.

Từ một đơn vị chỉ kinh doanh giống lúa phổ thông, đến nay Vinaseed trở thành doanh nghiệp có tiềm lực KHCN hàng đầu Việt Nam. Năm 2017, Vinaseed đã sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 80.000 tấn giống các loại (20% là hạt lai F1) với doanh thu lên tới 1.500 tỷ (80% tương đương 1.200 tỷ đồng là sản phẩm bản quyền của công ty).

Bộ giống của công ty rất đa dạng bao gồm các giống lúa, giống ngô và giống rau lai nhiệt đới. Trong đó có 4 giống lúa nằm trong TOP 10 giống được sản xuất kinh doanh lớn của Việt Nam. Bộ giống chủ lực của công ty có thể kể đến như giống lúa Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, Kim Cương 111, VS1, Thơm RVT, Khang dân ĐB, Dự Hương… (thuộc VINASEED GROUP), đặc biệt có hai giống lúa thơm phục vụ xuất khẩu là Đài Thơm 8 và Thơm RVT. Bộ giống ngô đa dạng HN45, NSC87, HN88, HN90, HN92…; công ty đang là đơn vị chi phối thị trường ngô thực phẩm Việt Nam, sản phẩm có khả năng cạnh tranh rất cao.

 

Bộ giống rau lai nhiệt đới đa dạng như bí đỏ Goldstar, bí xanh F1 Taka, dưa lưới Golden Honey, Green Honey… giúp cho bà con nông dân có thêm nhiều lựa chọn, và đặc biệt công ty là đơn vị xuất khẩu hạt giống lớn ra thị trường thế giới bình quân xuất khẩu hàng năm gần 5 triệu USD giống lúa lai F1, ngô lai F1 và bí đỏ Goldstar, hạt rau lai các loại.

Hạt giống Vinaseed đóng góp rất lớn cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, giống lúa Thơm RVT gạo ngon nức tiếng, ngô HN88 năng suất và chất lượng vượt trội không có sản phẩm nào sánh được, giống bí đỏ Super Goldstar với năng suất cao, đặc ruột và chất lượng vượt trội đã giúp các tỉnh Sơn La, Gia Lai trở thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn và gần đây là sản phẩm dưa lưới.

Vinh dự hơn, năm 2017 kết quả đề tài nghiên cứu Bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho ngành lúa gạo Việt Nam do Vinaseed làm chủ nhiệm được xếp là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của Việt Nam và công ty liên tục 5 năm liền (2012 - 2017) nằm trong TOP 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam.

 

Bước chuyển mô hình tập đoàn

Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược là trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong đó giống chỉ là một trong những giải pháp. Và thực hiện mục tiêu chiến lược 2021 tầm nhìn 2025, công ty tiến hành tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, mở rộng lĩnh vực kinh doanh (trong đó ngành giống vẫn là chủ lực cốt lõi), đi đôi với dịch vụ KHCN và các giải pháp canh tác đồng bộ kết hợp với phát triển kinh doanh hai chuỗi giá trị nông sản ưu thế: Kinh doanh gạo chất lượng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu (chủ yếu gạo thơm và japonica chất lượng cao) và chuỗi rau quả cao cấp ứng dụng công nghệ 4.0, góp phần vào quá trình tái cấu trúc SXNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Việc đổi tên công ty và chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý SXKD sang mô hình tập đoàn là sự thay đổi cho phù hợp với định hướng chiến lược giai đoạn mới. Đặc biệt công ty vẫn lấy nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao KHCN là nền tảng và động lực cho phát triển. Với việc hợp nhất các trung tâm nghiên cứu thành lập viện nghiên cứu ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, sẽ là một điểm khác biệt, thể hiện một tầm vóc mới của công ty, hy vọng với nguồn lực tài chính và cơ chế gắn trách nhiệm - quyền lợi, gắn với thị trường và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại được đầu tư đồng bộ sẽ là nơi hội tụ của các nhà khoa học có khát vọng cống hiến cho nền nông nghiệp Việt Nam để từ đó tạo nên các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Vinaseed cho biết: Việc chuyển hoạt động theo mô hình tập đoàn để phù hợp thời kỳ phát triển mới khi "chiếc áo" cũ quá chật và công ty sẽ mở rộng quy mô SXKD theo hướng tập trung phát triển các mặt hàng có hàm lượng KHCN cao theo chuỗi giá trị, quản lý các giải pháp canh tác an toàn và truy xuất nguồn gốc. Đầu tư lĩnh vực, sản phẩm ưu thế, hình thành các vùng SX chuyên môn hóa, đưa nông dân tham gia vào chuỗi giá trị của công ty thông qua các mô hình HTXNN kiểu mới. Chúng ta tin tưởng rằng với định hướng chiến lược đúng đắn, đội ngũ tâm huyết, tiềm lực KHCN và tài chính vững mạnh, cùng những sản phẩm và dịch vụ khác biệt, đặc biệt khát vọng đóng góp cho nông nghiệp Việt Nam bằng những cách đi và mô hình tổ chức SX hiệu quả sẽ có những mô hình liên kết SXKD thực sự góp phần giúp nông nghiệp VN khởi sắc.

 

Doanh nghiệp KHCN tiêu biêu

- Trong giai đoạn 2013 - 2017, tổng đầu tư cho KHCN và mở rộng quy mô công ty: 1.160 tỷ, trong đó riêng cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao trên 300 tỷ, tương đương 5% doanh thu.

- Vinaseed hiện đang sở hữu bản quyền 45 giống cây trồng các loại với doanh thu sản phẩm KHCN chiếm 80%, tương đương 1.200 tỷ.

- Đội ngũ chuyên gia công nghệ: 800 người, 70% CBNV có trình độ Đại học, 10% trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ.

- Đồng hành và hợp tác chặt chẽ với 6 viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam: Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu Ngô, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Công nghệ sinh học – Học viện NNVN, Viện Nghiên cứu Rau quả; hợp tác với các chuyên gia chọn tạo giống đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực lúa, ngô, rau và đậu đỗ.

 

- Hợp tác quốc tế với Viện rau quốc tế, Viện lúa quốc tế IRRI, trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên, Viện khoa học kỹ thuật NN Quảng Tây, các tập đoàn giống lớn trên thế giới, và đặc biệt hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất gạo và dưa lưới như: Nagoya, Simeiz, Hagihara, Lionseed, Taki…

- Vinaseed đã vinh dự nằm trong TOP 3 doanh nghiệp điển hình cổ hóa thành công (Vinamilk, Vinaseed, Petrolimex)/350 doanh nghiệp, do Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tổng kết sau 15 năm sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

- TOP 200 công ty doanh thu dưới 1 tỷ USD tốt nhất Châu Á - TBD do Forbes bình chọn.

Một số dự án đầu tư của Vinaseed (2013 – 2017)

- Dự án Trung tâm công nghiệp chế biến và bảo quản hạt giống và nông sản tại KCN Đồng Văn - Hà Nam, công suất chế biến hạt giống 10.000 tấn/năm và 30.000 tấn gạo/năm bằng công nghệ hiện đại của CHLB Đức, Nhật Bản. Tổng vốn đầu tư: 130 tỷ đồng.

 

- Dự án đầu tư nông nghiệp CNC tại Hà Nam với số vốn 100 tỷ đồng hiện đã giải ngân 50 tỷ, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng CNC 4.0, sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, với doanh thu tới 4,7 tỷ đồng/ha. Kết hợp công nghệ Nhật, Israel phù hợp với điều kiện của Việt Nam trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng CNC kiểu mẫu tại ĐBSH.

- Đầu tư hoạt động R&D (xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động nghiên cứu): trên 300 tỷ đồng.

- Xây dựng Trung tâm công nghiệp chế biến và bảo quản giống cây trồng tại Thái Bình, Thanh Hóa, Khoái Châu - Hưng Yên và Nghệ An: 50 tỷ đồng.

- Xây dựng hệ thống kho bảo quản nguồn gen Ba Vì (Hà Nội) công nghệ hiện đại, vốn đầu tư: 30 tỷ.

Dự kiến 2019, công ty triển khai xây dựng trung tâm công nghiệp chế biến giống và nông sản tại ĐBSCL quy mô 30.000 tấn giống và 100.000 tấn nông sản/năm tại tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư 200 - 230 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Vinaseed mở rộng chuỗi giá trị lúa gạo, chiếm lĩnh vùng nguyên liệu ĐBSCL - vựa lúa của Việt Nam.

 

Đầu tư cho việc mở rộng quy mô công ty thông qua các hoạt động M&A, kết quả đến nay Vinaseed đã có các đơn vị thành viên nằm khắp các vùng sinh thái cả nước với tổng số 29 đơn vị thành viên trực thuộc tập đoàn.


Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo