Hỗ trợ doanh nghiệp

Hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập theo Luật mới

(DNVN) - Kể từ ngày 1/7/2015 đến 1/7/2016, đã có 105.975 doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp mới, số vốn đăng ký đạt 767.970 tỷ đồng, tăng 27,8% về số doanh nghiệp và tăng 42,4% về số vốn so với cùng kỳ.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao. Cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ.

Tính theo thời điểm, kể từ ngày 01/7/2015 đến 01/7/2016, đã có 105.975 doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp mới, số vốn đăng ký đạt 767.970 tỷ đồng, tăng 27,8% về số doanh nghiệp và tăng 42,4% về số vốn so với cùng kỳ. Về đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã có 1.660 doanh nghiệp FDI được thành lập trong giai đoạn này với tổng số vốn 62.205 tỷ đồng, bình quân 37,5 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.

Như vậy, những con số trên đã cho thấy sự tăng trưởng đáng kể về số lượng doanh nghiệp thành lập và số vốn cam kết đưa vào thị trường sau khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành. Trong một năm qua, xu hướng tăng tiếp tục được duy trì, đặc biệt là số vốn đăng ký mới, cho thấy nhà đầu tư, doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội sinh lời từ thị trường.

Hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập theo Luật mới. Ảnh minh họa.

Như vậy, tâm lý nhà đầu tư và cách đánh giá của họ đối với tiềm năng của thị trường đã tích cực hơn kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đi vào cuộc sống, cùng với những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần khởi sắc môi trường kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong thực tế triển khai, việc áp dụng các quy định tại hai văn bản Luật mới gặp một số khó khăn, vướng mắc là điều không tránh khỏi. Về cơ bản, những vướng mắc phát sinh thời gian qua do có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

So sánh một cách khách quan thì các vấn đề, vướng mắc phát sinh liên quan đến thực thi Luật Doanh nghiệp không nhiều; tính chất của các vướng mắc phát sinh chủ yếu mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan có liên quan. Đối với Luật Đầu tư, do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau từ Trung ương đến địa phương, nên phát sinh khá nhiều vấn đề vướng mắc cần được nghiên cứu, xem xét giải quyết.

Sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp thể hiện ở một số nội dung, ví dụ như:  Khác nhau về trật tự các thủ tục cụ thể (điển hình là thủ tục đánh giá tác động môi trường quy định trong Luật Bảo vệ môi trường); Khác nhau về quy trình thủ tục, thẩm quyền giải quyết một số thủ tục đầu tư.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với sự hỗ trợ của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng đã nhận diện và đánh giá khá đầy đủ các vướng mắc nêu trên và đã báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý đối với các vướng mắc này. Một mặt, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên theo yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 66. 

 

Mặt khác, Bộ cũng đã chủ động triển khai nhiều khóa tập huấn, đào tạo các địa phương về thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, giải đáp trực tiếp các vướng mắc mà địa phương gặp phải trong thực tiễn. Những góp ý của các địa phương luôn được lắng nghe, ghi nhận để Bộ tiếp tục có những giải pháp và đề xuất triển khai phù hợp, với mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công tại địa phương. Đây là những nỗ lực cụ thể mà Bộ đang thực hiện và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo