Hỗ trợ doanh nghiệp

Hơn 3.200 doanh nghiệp thành lập mới ở khu vực Tây Nguyên

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập mới thêm 3.256 doanh nghiệp, tăng 21,62%, với tổng số vốn đăng ký 20.370 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2016.

Như vậy, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tăng lên 23.328 doanh nghiệp, tăng gần 15%; trong đó, tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai là những địa phương có số doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập mới nhiều nhất, với tổng nguồn vốn đăng ký cũng tăng nhiều lần so với năm 2016. 

Năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc khuyến khích các nhà đầu tư thành lập mới các doanh nghiệp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Các tỉnh đã tập trung thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân. 

Ảnh minh họa.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đơn giản hóa thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, kinh phí, rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời, thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách để tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào Tây  Nguyên. Định kỳ vào thứ Năm hàng tuần, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp với các doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp dân doanh. 

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn một số tồn tại như thủ tục hành chính còn bất cập, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan chưa chặt chẽ dẫn đến chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, hiện phần lớn các doanh nghiệp ở Tây Nguyên là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa... 

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên tập trung triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Nên đọc
Theo Quân đội nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo