Hỗ trợ doanh nghiệp

Hợp chuẩn quốc tế đối với hàng thủ công mỹ nghệ

Yêu cầu hợp chuẩn đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của nước ta đã tăng dần trong 5 năm gần đây. Dù các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng thứ 2 so với nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia xuất khẩu khác về việc tuân thủ các qui định hợp chuẩn nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Yêu cầu hợp chuẩn đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của nước ta đã tăng dần trong 5 năm gần đây. Dù các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng thứ 2 so với nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia xuất khẩu khác về việc tuân thủ các qui định hợp chuẩn nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

 

Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa

 

Lợi thế của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường quốc tế chính là chất lượng tốt và số lượng đơn đặt hàng linh động. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất nằm ở mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, khả năng giao tiếp, thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu, giá cả hàng hóa cao và đặc biệt là việc tuân thủ các hợp chuẩn quốc tế.

 

Yêu cầu hợp chuẩn ngày càng tăng

 

Qua điều tra ở 100 nhà nhập khẩu đến từ các quốc gia Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á và Châu Úc của Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho thấy họ đang quan tâm đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của nước ta nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được mức độ hợp chuẩn quốc tế không nhiều. Họ cho rằng Việt Nam chỉ có khoảng 30 - 50% các doanh nghiệp xuất khẩu/nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng được nhu cầu hợp chuẩn.

 

Cũng theo điều tra, các khách hàng quốc tế đã ưu tiên cho các nhà cung cấp đáp ứng được hợp chuẩn về chất lượng (31,9%), hợp chuẩn về xã hội (24,6%) và hợp chuẩn về môi trường (22,3%). Đây cũng là những tiêu chuẩn quan trọng nhất mà các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần đáp ứng để có nhiều cơ hội hơn tiếp cận với các thị trường quốc tế. Ngoài ra, các hợp chuẩn khác như an ninh, an toàn cháy nổ … cũng là mối quan tâm lớn của các khách hàng.

 

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) cho biết: “Cho dù số lượng các công ty kiểm định hợp chuẩn ở nước ta đang ngày càng tăng như BVQI, TUV… nhưng theo điều tra của VIETCRAFT, chỉ có 63,7% doanh nghiệp xuất khẩu biết đến họ. Điều này phản ánh sự thật là các công ty hợp chuẩn đã được công nhận ở Việt Nam nhưng chưa được biết rộng rãi”. Các hợp chuẩn phổ biến mà khách hàng nhập khẩu hiện đang áp dụng trên toàn thế giới như BSCI, ISO, REACH, SA8000 … Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta vẫn còn chưa hiểu hết. Các doanh nghiệp biết đến nhiều nhất vẫn là ISO 9000, tiếp theo là BSCI, Thương mại công bằng, ISO14000, ISO 26000, SA8000… Một vài doanh nghiệp mới chỉ biết về hợp chuẩn Khuyến khích Thương mại Đạo đức (ETI) mà nhiều khách hàng quốc tế đang yêu cầu hợp chuẩn này nhưng lại không biết đến hợp chuẩn FCCA (năng lực nhà máy và năng lực kiểm toán) được yêu cầu bởi các khách hàng Mỹ (như Walmart). Cho dù yêu cầu hợp chuẩn của khách hàng nhập khẩu đang ngày càng tăng, chủ yếu từ các quốc gia châu Âu, Mỹ và Nhật Bản nhưng để thực hiện hợp chuẩn với doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

 

Khó khăn khi hợp chuẩn

 

Nhiều doanh nghiệp mong đợi doanh số của họ sẽ tăng sau khi áp dụng các qui định của hợp chuẩn quốc tế cũng như người lao động có thêm nhiều việc làm, nhất là thay đổi được cách điều hành doanh nghiệp và thị trường mục tiêu. Trên thực tế, qua quá trình thực hiện các qui định về hợp chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là tài chính. Chẳng hạn như đối với yêu cầu thử test sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Âu Mỹ, các doanh nghiệp có thể test tại một số phòng test chính ở Việt Nam như của SGS, Intertek, Bureau Varitas. Những kết quả test ở 3 phòng thí nghiệm trên đều được khách hàng chấp nhận nhưng chi phí cho test sản phẩm cũng khá cao, khoảng 100 – 200USD/yêu cầu/sản phẩm. Với mỗi sản phẩm thông thường sẽ có 3 - 4 loại test khác nhau nên chi phí sẽ từ 300 – 500 USD/báo cáo. Thậm chí, chính các công ty kiểm định đã đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên điều chỉnh chiến lược điều hành do chi phí tối thiểu một doanh nghiệp phải trả để duy trì hệ thống tuân thủ hợp chuẩn là khá đắt (15.000 – 20.000 USD/năm). Ngoài ra, giá cả sản phẩm của các doanh nghiệp tuân thủ hợp chuẩn của Việt Nam thường cao hơn giá cả của các doanh nghiệp Trung Quốc và Indonesia.

 

Khó khăn tiếp theo là kiến thức về hợp chuẩn, lợi ích của hợp chuẩn mang lại cho các nhà sản xuất cũng như trình độ của nhân viên phụ trách. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin về hợp chuẩn do những thông tin này chưa thực sự phổ biến và chưa được cung cấp rộng rãi ở Việt Nam, thậm chí nếu có thì cũng khó khăn để hiểu và tuân thủ. Ông Nguyễn Quang Duy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập KCF phàn nàn: “Với thị trường EU, tất cả các sản phẩm đều phải tuân theo bộ tiêu chuẩn REACH, dầy hàng ngàn trang. Mỗi năm, bộ tiêu chuẩn này đều được bổ sung và hoàn thiện ngày càng chi tiết, cụ thể hơn và yêu cầu ngày càng cao hơn”.

 

Ngoài ra, mỗi loại sản phẩm ứng riêng với từng thị trường sẽ có những qui định bắt buộc mà các doanh nghiệp phải nắm vững. Theo ông Nguyễn Văn Vy, Chuyên gia tư vấn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm gỗ khi vào thị trường CHLB Đức phải tuân thủ qui định về hóa chất sử dụng như hàm lượng formaldehyde tự do trong ván nhân tạo không vượt quá giới hạn cho phép, không được bán sản phẩm chứa thành phần PCP Pentaclophenol (sử dụng để chống nấm mốc trên sản phẩm dệt may, da và hoàn thiện các sản phẩm gỗ), … Luật của nước Anh còn qui định nghiêm khắc hơn luật của EU, đặc biệt đối với các sản phẩm dễ bén lửa như đồ gỗ, cần có những yêu cầu kiểm tra cụ thể. Ngoài ra, Anh cũng yêu cầu những nhãn mác về độ an toàn.

 

Để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng được những qui định hợp chuẩn, theo ông Nguyễn Bá Ngọc, VIETCRAFT sẽ tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo trong tương lai về hợp chuẩn. Việc phát triển các mô hình tuân thủ qui định hợp chuẩn theo nhóm ngành cũng cần được coi trọng và cùng các doanh nghiệp chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực hiện hợp chuẩn.,.

 

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo