Hỗ trợ doanh nghiệp

Hướng FDI vào công nghệ chế biến, chế tạo

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nửa đầu năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 6,38 tỉ USD, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bức tranh đầu tư chung kém sắc đó, điểm sáng là tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng lên.

GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, cho rằng sự chuyển dịch này rất quan trọng, vì đây là lĩnh vực mà những năm qua Việt Nam rất mong muốn thu hút được vốn FDI.

 

6 tháng đầu năm nay, theo Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ở vị trí dẫn đầu, chiếm 63% tổng vốn đầu tư, với 288 dự án, đạt 4,02 tỉ USD (cả dự án mới và tăng vốn). Trong khi cả năm 2011, con số này chỉ là 48,5%.

 

Có thể kể một số dự án quan trọng trong lĩnh vực này như dự án của Wintek ở Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) tăng vốn thêm 870 triệu USD, nâng tổng vốn lên 1,12 tỉ USD. Wintek là một tập đoàn của Đài Loan, đầu tư dự án ở Việt Nam để sản xuất thành phẩm và bán thành phẩm cho iPhone, iPad như tấm cảm ứng, thiết bị hiển thị tinh thể lỏng, mô đun hiển thị tinh thể lỏng.

 

Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) được cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất lốp xe tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Tổng vốn đầu tư của nhà máy khoảng 575 triệu USD, công suất dự kiến 24.700 lốp xe/ngày, đi vào sản xuất từ nửa đầu năm 2014.

 

Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam triển khai dự án sản xuất vật liệu xây dựng có tổng vốn 441 triệu USD ở Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành (Đồng Nai). Công ty TNHH Robert Bosch Vietnam cũng vừa tăng vốn đầu tư thêm 322 triệu USD cho nhà máy sản xuất dây truyền lực dùng cho ô tô tại Đồng Nai.

 

Để có thể tăng sức thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Mại cho biết, năm ngoái Bộ KH-ĐT và nhiều bộ, ngành liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho việc xây dựng định hướng chính sách mới để thu hút FDI. Trong đó nhấn mạnh đến việc tập trung thu hút doanh nghiệp của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs).

 

Hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 50 - 60 nhà đầu tư lớn dạng này. Lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI trong thời gian tới là đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, nếu thành công sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào  Việt Nam và đặc biệt, quan hệ đối tác với Mỹ ngày càng tốt hơn là động lực thu hút FDI của nước này.

 

Ở một khía cạnh khác, ông Herb Cochran, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cảnh báo: Tháng 2.2012, chỉ số tin tưởng FDI do Công ty tư vấn về quản lý toàn cầu A.T.Kearney thực hiện (nghiên cứu dựa trên các công ty đa quốc gia có thu nhập hằng năm trên 2.000 tỉ USD) cho thấy  Việt Nam là nước châu Á duy nhất tụt hạng, từ vị trí 12 năm 2010 xuống vị trí 14 trong 2011.

 

Theo ông Herb Cochran,  Việt Nam phải khắc phục được các hạn chế thiếu nhân công có trình độ, công nghiệp hỗ trợ và môi trường kinh doanh còn tương đối hạn chế. Có vậy, VN mới có thể thành công trong việc thu hút FDI vào lĩnh vực côngnghiệp chế biến, chế tạo mà mình đang mong muốn.

 

 

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo