Hỗ trợ doanh nghiệp

IBM tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, IBM vẫn đầy mạnh đầu tư vào Việt Nam, tập trung tăng cường các khung giải pháp ngành cho các lĩnh vực chính phủ, viễn thông, ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Jee Toon Tan, Tổng giám đốc IBM Việt Nam khẳng định.
Ông cho biết đôi nét về IBM Việt Nam?
 
Được thành lập năm 1911 tại thành phố New York, Hoa Kỳ, IBM là công ty cung cấp giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu thế giới bao gồm các dịch vụ tư vấn, sản phẩm CNTT và dịch vụ tích hợp. IBM hiện hoạt động kinh doanh trên gần 170 quốc gia, đặc biệt hiện diện mạnh mẽ tại các nước Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
 
Năm 1996, Công ty IBM Việt Nam chính thức được thành lập và trở thành một trong những công ty CNTT 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên IBM lựa chọn để áp dụng các khung giải pháp ngành tập trung vào các lĩnh vực như chính phủ, viễn thông và ngân hàng. IBM đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty và các tổ chức đa quốc gia, các ngành công nghiệp (ngân hàng, giao thông và thực phẩm…) bằng đóng góp công nghệ, nguồn lực.
 
Những lĩnh vực IBM tập trung đầu tư cho Việt Nam ?
 
Một số lĩnh vực đầu tư tập trung của IBM tại Việt Nam là: Lập các trung tâm dữ liệu lớn và ứng dụng các giải pháp phân tích kinh doanh để xử lý dữ liệu; Vận hành Trung tâm Điện toán đám mây và đi sâu vào cách lựa chọn ứng dụng từng mô hình điện toán đám mây trong từng loại hình doanh nghiệp, từng ngành kinh tế.
 
Các giải pháp CNTT của IBM nhằm đảm bảo về : An ninh, bảo mật trong hoạt động doanh nghiệp. Đặc biệt là an ninh, bảo mật trong thời đại các thiết bị di động được sử dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp; Các giải pháp Thương mại thông minh hơn để hỗ trợ các hoạt động marketing được cá nhân hóa ; Các dịch vụ thuê quản lý đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và bền vững (quản lý trung tâm dữ liệu, quản lý cơ sở hạ tầng CNTT… ). Các giải pháp Điện toán thông minh hơn tập trung vào các giải pháp hạ tầng cao cấp, các hệ thống tích hợp. Ứng dụng mạng xã hội/ các giải pháp cộng tác trong kinh doanh; Ứng dụng các thiết bị di động trong các doanh nghiệp…
 
Các giải pháp Thành phố thông minh hơn đã được IBM tiến hành ở đâu, thưa ông?
 
Sáng kiến Smarter Planet được IBM đưa ra năm 2008. Các giải pháp Thành phố Thông minh hơn (Giao thông, Nước, An ninh, Thực phẩm, Chính phủ điện tử, v.v.) được IBM Việt Nam tiến hành nhằm giúp Chính phủ Việt Nam bằng CNTT định hướng, tối ưu hoá nguồn lực nội tại và quản lý thành phố thông minh hơn. Chương trình đã được thực hiện ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hoá nhanh như: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
 
Đặc thù đân số trẻ và khả năng tiếp cận với CNTT của Việt Nam có được IBM Việt Nam chú trọng?
 
Coi trọng nhân tố con người, hướng vào đặc thù của Việt Nam là dân số trẻ chiếm đa số, các hoạt động của IBM hướng vào công tác giáo dục, đào tạo cho lớp người tương lai trong các chương trình hợp tác với các trường từ mẫu giáo đến đại học.
 
Với Chương trình Tình nguyện viên (CSC), IBM đã cử các nhóm chuyên gia cao cấp, các đoàn chuyên gia đã đến Việt Nam từ tháng 8/2008 giúp các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp và các trường đại học ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ và TP. HCM.
 
Mới đây, đoàn tình nguyện viên thứ mười của IBM đã đến Thành phố Huế để tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận tại Huế về chiến lược đào tạo, quản lý, kinh doanh cũng như hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật công nghệ, góp phần giúp Huế trở thành một trong những thành phố thông minh hơn.
 
Ông có đánh giá gì về trình độ kỹ năng chuyên môn của nguồn nhân lực CNTT Việt Nam?
 
Nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam cũng không thua kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nguồn nhân lực trẻ có khả năng tiếp cận với CNTT nhanh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia CNTT Việt Nam chưa theo kịp với công nghệ thông tin mới trên thế giới, nhất là trong phân tích sâu để đưa ra kịp thời các giải pháp, các quyết định cho lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp. Thiếu hụt này cần được bổ xung trong đào tạo kỹ năng CNTT.
 
Theo tôi, đầu tư cho CNTT phải phù hợp với nhu cầu của tồ chức, doanh nghiệp, đảm bảo hạ tầng phục vụ đúng cho nhu cầu phát triển và cũng cần quan tâm đến các yếu tố công nghệ mới, công nghệ hỗ trơ nhằm mang lại giá trị gia tăng tốt hơn. Trong quyết định đầu tư phải nhìn thấy CNTT là đòn bẩy để phát triển và quản lý tăng trưởng.
 
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo