Indonesia: Khám phá đảo rồng duy nhất trên thế giới
Vườn quốc gia Komodo bao gồm ba hòn đảo chính: Komodo, Rinca, Padar và nhiều hòn đảo nhỏ khác. Tổng diện tích bề mặt (biển và đất) là 1.817km2 (nếu xét cả phần mở rộng thì tổng diện tích bề mặt lên đến 2.321km2). Điều làm cho hòn đảo này trở nên nổi tiếng là loài động vật đặc biệt còn tồn tại duy nhất ở đây - những con rồng Komodo. Ở đây, hiện chỉ còn khoảng 2.500 con rồng Komodo sống rải rác và xen lẫn với cuộc sống của con người.
Rồng Komodo (tên khoa học là Varanus komodoensis) là loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới hiện nay, chiều dài trung bình của chúng từ 2-3m. Chúng chỉ sống ở một số đảo ở Indonesia nên người ta không thể tìm thấy chúng ở bất kì nơi nào khác. Chính điều này đã khiến cho Indonesia là quốc gia duy nhất sở hữu loài động vật quý được cho là có liên hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.
Chính phủ Indonesia đã rất chặt chẽ trong việc bảo tồn loài rồng đặc biệt này. Khi ghé thăm Vườn quốc gia Komodo, du khách không được hút thuốc, không được lấy bất cứ thứ gì trên đảo và không tách đoàn để đảm bảo an toàn trước các loài động vật hoang dã trên đảo.
Từ trước tới nay người ta luôn nghĩ rằng rồng Komodo không có nọc độc. Nhưng trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Australia phát hiện ra rằng chúng sử dụng nọc độc để gây tê liệt thần kinh của con mồi sau khi cắn. Ngoài ra, nọc độc của chúng ngăn chặn sự đông máu, khiến con mồi chảy máu tới khi chết.
Ngoài rồng Komodo, nơi đây còn có các loài rắn độc và các loài thú dữ khác. Vì thế, trong các chuyến tham quan của du khách trên đảo sẽ có các nhân viên kiểm lâm đi cùng để đề phòng sự cố. Theo lực lượng kiểm lâm, số rồng Komodo hiện tại trên đảo khoảng 2.500 con, con rồng Komodo lớn nhất trên đảo hiện nay dài 3,15m và có tuổi đời gần 60 năm. Chính quyền địa phương và người dân trên đảo luôn cố gắng nỗ lực bảo tồn môi trường hoang dã nơi đây. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà số lượng du khách tới đảo mỗi ngày cũng bị giới hạn khoảng 100 lượt người/ngày để bảo đảm môi trường cảnh quan và an ninh.
Vườn quốc gia Komodo được thành lập vào năm 1980 với mục đích chính ban đầu của công viên là để bảo tồn rồng Komodo. Sau đó, Vườn quốc gia Komodo được mở rộng và phát triển cho đến ngày nay với các mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học toàn bộ môi trường sống của loài động vật đặt biệt này, cả trên đất liền và biển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo