Khám phá

‘Kẻ trộm mộ’ và những ‘kho báu’ được khai quật khỏi lòng đất ở Thủy Nguyên (Kỳ 2)

Chả ai biết anh ta khuân kho báu về lúc nào, nhưng mọi người kéo đến xem thì đúng là khắp trong nhà ngoài sân báu vật xếp lăn lóc, la liệt.

Loạt ảnh cực quý giá về Hải Phòng thập niên 1920 / Cánh đồng rươi nước lợ siêu khổng lồ ở ngay vùng cửa biển Hải Phòng

Kỳ 2: Những kẻ truy lùng ‘kho báu Sở’

Ông Trần Anh Nghĩa, nguyên chủ tịch xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng), dẫn tôi trèo lên đỉnh núi Phượng Hoàng, ngọn núi cao nhất trong xã. Đứng trên đỉnh Phượng Hoàng, phóng tầm mắt ra tứ phía, thấy cảnh quan sơn thủy hùng vĩ.

Ngay cạnh núi Phượng Hoàng, cách vài trăm mét là hai ngọn núi nhỏ, bên hữu là núi Hổ Phục, bên tả là núi Rùa. Theo ông Nghĩa, khắp vùng Thủy Nguyên này, chỉ thấy nhắc đến kho báu Sở ở núi Phượng Hoàng, Hổ Phục và núi Rùa mà thôi. Tuy nhiên, sau này đi tìm hiểu, thì nhiều quả núi quanh vùng cũng có “kho báu Sở”.

Tại ba quả núi này, đã diễn ra các cuộc đào bới, tìm kiếm từ hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, hơn chục năm nay, chính quyền thôn và nhà chùa Linh Sơn đã quản lý ngọn núi Phượng Hoàng rất chặt, nên không mấy người xâm phạm được. Chỉ có những ngọn đồi nhỏ dưới chân núi Phượng Hoàng, gồm phần đầu, chân, cánh của con chim phượng (từ trên máy bay nhìn xuống, núi Phượng Hoàng như con chim phượng xõa cánh) là bị đào bới, tàn phá tan nát, và đám đào trộm đã lấy đi rất nhiều báu vật.

Khi các ngọn núi nhỏ quanh núi Phượng Hoàng bị đào bới hết, thì đám săn kho báu tiếp tục săn lùng ở núi Hổ Phục và núi Rùa. Núi Hổ Phục thì đã bị xới tung, cạo trọc lốc. May mắn là khi đám săn tìm cổ vật đang mở hầm đào xuyên vào lòng núi Rùa, thì ông Trần Quang Thiện (con cháu của cụ tổ Trần Liễu) đã đứng ra mua lại toàn bộ quả núi này để giữ gìn, bảo tồn nơi ở xưa của tổ tiên họ Trần.

Bí ẩn về những “kho báu Sở”, kỹ thuật cất giữ và những món đồ quý cất giấu trong lòng núi, ông Nghĩa không nắm được nhiều. Nhưng ai cũng biết rằng, những kẻ đào núi săn tìm kho biết rõ nhất. Qua khảo sát, tôi đã thống kê được tên tuổi ngót chục “chuyên gia” săn tìm kho báu trong lòng những quả núi ở Thủy Nguyên, nhiều năm nay, và “kẻ trộm mộ” nổi tiếng nhất vùng có lẽ là Nguyễn Văn N.

Hố đào mộ lấy đồ cổ ở núi Phượng Hoàng.
Hố đào mộ lấy đồ cổ ở núi Phượng Hoàng.

Nhà “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn N. nằm phía hữu chùa Linh Sơn, trong con ngõ nhỏ lắt léo dẫn vào chân một quả núi nhỏ bên núi Phượng Hoàng. Ngay phía bên kia, cách độ 300m là núi Rùa um tùm cây cối, cao vọt khỏi khu dân cư. Như vậy, nhà “chuyên gia” săn lùng kho báu này lọt giữa hai quả núi có nhiều truyền thuyết về nơi cất giấu kho báu của người Sở.

Ngôi nhà khá khang trang so với xóm nghèo, với vườn cây cảnh toàn là sanh, cây nào cây nấy thân mốc trắng thể hiện giá trị và đẳng cấp. Thấy người lạ, ông chủ có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn mời vào nhà. Xem cái phong thái của anh (chẳng thèm hỏi tên tuổi, đến vì việc gì, mời luôn vào nhà rồi đi nấu nước pha trà) tôi biết rằng, anh tiếp khách lạ hàng ngày.

Sau khi nhấp chén trà, tôi giới thiệu: “Em là nhà báo, đi tìm hiểu thực hư về kho báu Sở. Em biết ở cái làng Mỹ Cụ này, bác là người bỏ nhiều công sức tìm kiếm nhất và cũng trúng quả nhiều nhất. Em thu thập thông tin để tìm hiểu, nghiên cứu, chứ không có ý đồ vác cuốc chim lên núi tranh giành với bác, nên mong bác giúp đỡ”.

Nghe tôi giới thiệu là nhà báo, tưởng anh chàng chuyên gia đào núi trộm kho báu này phải chối đây đẩy, không ngờ anh khá xởi lởi, dẫn tôi đi xem bộ sưu tập toàn đồ quý hiếm của mình.

 

Trong khắp ngôi nhà không lớn, cũng không nhỏ lắm của anh rặt là đồ cổ quý hiếm. Đồ cổ trưng bày đầy trong chiếc tủ kính rẻ tiền mà các đại lý bán hàng tạp hóa thường dùng. Những chiếc chum, chóe vứt lăn lóc, chồng đống lên nhau, cái úp cái ngửa ở gầm cầu thang. Những chiếc trâm cài tóc vẫn còn nguyên vẹn, anh N. đã mài ra song không biết được làm bằng chất liệu gì.

Thậm chí, chiếc đĩnh gốm phủ men xanh óng ánh, mà tôi trộm nghĩ, nếu nó vào tay mấy nhà sưu tầm thích nổ, thì nó có giá triệu đô, được anh N. dùng để làm gạt tàn thuốc.

1
Chiếc đĩnh cổ 2.000 tuổi được anh N. dùng làm gạt tàn thuốc.

Những xâu tiền hoen gỉ, đen xỉn, với lỗ vuông, lỗ tròn treo lủng lẳng khắp nơi. Anh bày cho tôi xem rất nhiều loại tiền, có loại có chữ, có loại không có chữ. Có những thứ chữ rất cổ, không giống chữ Hán. Anh N. bảo: “Có những hầm tớ đào trúng cả chục hũ tiền, mỗi hũ nặng cả chục kg. Nhưng lâu năm quá, nên tiền dính chặt vào nhau thành một cục sắt gỉ, phải đập hũ ra mới lấy được tiền. Tớ đập đến mấy chục cái hũ đựng đầy tiền rồi, nhưng giờ thấy hối hận quá. Bởi vì, tiền thì cổ, không tiêu xài được, lại hoen gỉ, còn cái hũ đựng tiền ấy mới quý, giờ mà còn thì mỗi cái đáng giá cả trăm triệu. Nghĩ lại mà cứ tiếc. Đống tiền tớ đào được từ trong núi có khi phải tính bằng cả tạ. Tớ phân phát cho mọi người quanh xóm, tặng đám mua đồ cổ cả vốc. Tớ chỉ giữ lại một ít, mỗi đồng một loại khác nhau thôi, chứ làm gì có chỗ để cất giữ. Tớ mà sống ở cái thời gì ấy nhỉ, là Xuân Thu Chiến Quốc, mà vớ được những hũ tiền này thì tớ có mà thành vương thành tướng rồi”.

 

Nói chuyện về những hũ tiền đào được trong lòng núi, Nguyễn Văn N. gãi đầu gãi tai rồi bảo: “Nhờ nhà báo chụp ảnh mấy đồng tiền này gửi đến các nhà khoa học để họ xem chúng thuộc thời kỳ nào nhé. Đám buôn cổ vật, kể cả buôn tiền cổ cũng xem, nhưng đều lắc đầu bảo tiền này cổ lắm, chưa từng thấy, chữ cũng cổ quá, không thể đọc được”. Tôi đã chụp lại một số đồng tiền mà anh N. sở hữu và đã gửi đến các nhà khoa học và hy vọng sẽ có lời giải đáp sớm.

1
Chiếc tủ đơn sơn chứa nhiều cổ vật của anh N.

Tôi hỏi: “Anh có phải là người đào được nhiều của quý nhất không?”. Anh N. lắc đầu bảo: “Tớ là người đào nhiều nhất, trúng hầm chôn kho báu nhiều nhất, nhưng trúng quả nhiều nhất thì có lẽ không. Suốt chục năm đào bới, giỏi lắm tớ chỉ được cỡ... xe tải đồ cổ. Vì thời đó ngu si, lại nghèo đói, thiếu ăn, bị bọn buôn đồ cổ lừa, nên bán rẻ như cho. Nghĩ lại mà tiếc quá. Giá giữ được đống kho báu ấy đến giờ, thì tớ là phú gia địch quốc rồi”.

Theo lời anh Nguyễn Văn N., “kẻ trộm mộ” đào được nhiều báu vật nhất là anh Đào Văn K., cũng là người thôn Mỹ Cụ. Anh K. đào một đường hầm trên lưng núi Hổ Phục. Đào chừng 10m vào lòng núi thì phát hiện ra một lối đi. Bình thường, mấy quả núi này là đất đá sỏi gan trâu, với những lớp đá nhọn, trông như những con trai khổng lồ xếp vào nhau, nên nếu thấy lớp đất lộn xộn, khác lạ là phát hiện ra ngay.

 

Đường hầm dẫn vào kho báu vốn cao bằng đầu người, có thể đi lại thoải mái, song trải hàng ngàn năm, nền bị bồi lấp, nên hầm chỉ còn cao độ 40cm, phải rất khó khăn mới bò vào được.

Trúng đường hầm dẫn vào kho báu, anh K. không nói với ai, căng rạp ngày nằm ngủ miệng hầm, đêm mới hì hục đào. Hơn chục năm trở lại đây, phong trào đào núi săn tìm kho báu ở mấy ngọn núi này rất rầm rộ, nên chả ai chú ý việc đào bới của các nhóm săn kho báu.

1
Ngôi mộ cổ lộ ra ở Mỹ Cụ khi phá núi.

Vài người đi qua hỏi trúng gì không, anh K. chỉ nói “còn đang đào, trúng hay không thì còn phụ thuộc vào số trời”. Đường hầm dài chừng 10m, dẫn vào một gian phòng, mà nói không ngoa, theo đúng nghĩa đen, đó là kho báu khổng lồ.

 

Vụ anh K. trúng “kho báu Sở” vào năm 2007 khiến không những cả làng Mỹ Cụ mà cả vùng quê này xôn xao. Chả ai biết anh ta khuân kho báu về lúc nào, nhưng mọi người kéo đến xem thì đúng là khắp trong nhà ngoài sân báu vật xếp lăn lóc, la liệt.

Anh K. đập hàng chục hũ tiền, đổ tiền cổ hàng đống cứ như đống thóc. Đẹp nhất là mấy chục cái chĩnh còn cực kỳ nguyên vẹn. Bên trong những chiếc chĩnh đóng cặn cục hợp chất khá nặng. Nghĩ có vàng bên trong, anh K. đập vỡ sạch sẽ. Duy nhất có một chiếc anh ta không đập mà giữ lại.

Trong kho báu mà anh K. trúng, còn có mấy chục ngôi nhà mô hình làm bằng đất nung rất đẹp. Mọi người đều đoán đây là nhà mà người dương thế làm để gửi cho người âm. Nghĩ những ngôi nhà bằng đất nung này chẳng có giá trị gì, anh K. vừa tặng mọi người vừa bán rẻ dăm ba triệu một cái cho giới buôn đồ cổ.

1
Một món đồ quý bằng kim loại đào được ở trong "mộ Sở"

Riêng những món đồ như nồi đồng, nồi đất, sạp đồng, bát, lọ, gương đồng, kiếm đồng bọc vàng thì nhiều vô kể... Những chiếc bát gốm có dát các đường vân bằng vàng rất nhiều. Anh K. dùng mũi dao nạy hết vàng dính ở vành bát, mỗi chiếc được nửa chỉ vàng. Nạy xong vàng, cái nào vỡ thì ném đi, cái nào lành thì tặng hàng xóm, hoặc bán rẻ cho giới buôn đồ cổ.

 

Quả thực, tôi đi thăm thú khắp làng Mỹ Cụ, thấy nhà nào cũng có vài cái bát cổ, chum chóe vứt chỏng chơ ngoài vườn. Riêng nhà ông trưởng làng Mỹ Cụ Trần Văn Ngoang thì có tới mấy cái bát cổ còn rất đẹp, có men xanh lốm đốm hẳn hoi, nhưng để đựng nước và thức ăn cho gà và chim trong chuồng.

Mặc dù trúng một kho báu lớn, song chỉ là nông dân chân chất nên anh K. không biết được giá trị của nó, lại bị nhóm buôn đồ cổ bắt tay nhau o ép, nên bán không được bao nhiêu, nghe nói độ đôi ba trăm triệu. Có chút tiền, anh K. tiêu xài ăn chơi, nên giờ cũng đã sạch sẽ.

Sau vụ đó, anh K. cũng tiếp tục đào hầm xuyên ngang xẻ dọc mấy ngọn núi, song trúng không nhiều, chỉ là mót lại. Theo “kẻ trộm mộ” Nguyễn Văn N., nếu số đồ cổ anh K. trúng trên núi Hổ Phục giữ lại được đến hôm nay, thì giá trị của nó phải lên đến nhiều tỷ đồng.

1
Nhà mô hình bằng gốm ở trong mộ cổ.

Anh N. chỉ tôi một chiếc chĩnh cổ đặt trang trọng trong tủ và bảo đó là chiếc chĩnh duy nhất mà anh K. không đập vỡ để tìm vàng bên trong. Anh N. đã mua lại với giá 7 triệu đồng vào năm 2008. Vừa rồi, năm 2012, một tay buôn đồ cổ đã trả tới 150 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Theo anh, nếu gặp người thích, thì chiếc chĩnh này phải có giá vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Riêng cả chục chiếc chĩnh mà anh K. đập vỡ để tìm vàng, cũng đã giá trị đến cả tiền tỷ trong thời điểm này.

 

Rồi những chiếc nhà cổ bằng đất nung cũng có giá trị rất lớn. Mấy chiếc nhà cổ mà anh N. còn giữ đều được trả giá 100 đến 200 triệu đồng một chiếc, song anh chưa bán. Có lần, vì mê cây sanh của anh bạn quá, mà anh bán vội một ngôi nhà gốm, lấy 150 triệu đồng để rước cây sanh về. Những ngôi nhà gốm giá trị vậy, mà chỉ mấy năm trước, anh K. đã bán tống bán tháo với giá một vài triệu một chiếc, thậm chí là cho không.

Ngoài ra, còn hàng lô hàng lốc, hàng gánh, hàng thúng đồ cổ khác, cũng được anh K. vừa bán vừa cho. Dại dột nhất là những chiếc bát bọc vàng có tuổi hàng ngàn năm, không được giữ lại, mà đi bóc lấy vàng đem bán cho cửa hàng vàng bạc được mấy đồng bạc lẻ.

Còn tiếp...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm