“Trí Đa Tinh” Ngô Dụng: Anh giáo và quân sư đệ nhất Lương Sơn
Trong "Thủy Hử", tâm phúc thực sự của Tống Giang gồm mấy người và là ai? / Xem đi xem lại Thủy Hử, mấy ai biết được ý nghĩa thực sự của tên phim
“Ra mắt” với mưu kế nhiều lỗ hổng
Ngô Dụng xuất thân là thày dạy học, một bụng kinh sử và mang chí lớn. Trong các chiến tích của nghĩa quân Lương Sơn, như diệt Chúc Gia Trang, dẹp Tăng Đầu Thị, đánh Thanh Châu, Hoa Đường Châu, hạ các phủ Đại Danh, Đông Bình … Ngô Dụng góp công lớn với những mưu - kế sách lược quan trọng.
Ngô Dụng có thực sự là “Trí đa tinh”, đa mưu túc trí đệ nhất Thủy Hử truyện?
Tài năng của Ngô Dụng được ví như Gia Cát Lượng tái thế. Nhưng nếu đọc thật kỹ, thật sâu Thủy Hử của Thi Nại Am, đặc biệt là những chi tiết liên quan đến các lần lập mưu triển kế của Ngô Dụng, chúng ta có thể nhận thấy một sự thật rõ ràng là, “Trí Đa Tinh” tuy nghĩ được nhiều mưu hay nhưng lại chưa sâu và quan trọng hơn, cách thi triển mưu-kế của Ngô Dụng lại không thực sự cẩn mật, chu toàn.
Ngô Dụng “ra mắt” bằng việc lập mưu cùng bọn Tiều Cái, Nguyễn thị tam hùng, Lưu Đường, Bạch Thắng cướp Sinh thần Cương do Dương Chí phụ trách. Cái giỏi thứ nhất của Ngô Dụng là tính toán chính xác được con đường (phải qua Hoàng Nê Cương) và thời điểm nhóm áp tải của Dương Chi xuất hiện. Cái giỏi thứ hai là kế hoạch cải trang thành thương nhân bán táo, (Bạch Thắng giả kẻ bán rượu) rồi trong ngoài phối hợp nhịp nhàng lừa bọn Dương Chí uống rượu có thuốc mê, nẫng trọn đống lễ vật Sinh thần Cương trị giá cả vạn lạng bạc mà không mất 1 mũi tên hòn đạn.
Ngô Dụng trong lần lập mưu cướp Sinh Thần Cương.
Nhưng sau cái hay là những cái dở… chết người. Họ Ngô lập mưu cướp của thành công bén ngọt nhưng lại không tính được hết nước trong việc che giấu thân phận và sự vụ. Ai đời, vừa thu hoạch được một mẻ lớn cả bọn đã ngay lập tức chia chác. Thế nên mới nảy ra chuyện Bạch Thắng, vốn là 1 tay ham đánh bạc, làm lộ ra bí mật vụ cướp Sinh thần Cương, rồi sau bị đòn tra khảo dã man mà khai tuốt luốt hết cả. Hớ hênh đến thế là cùng. So với lần lễ vật Sinh Thần Cương bị cướp trước đó 5 năm, quan phủ điều tra “mệt nghỉ” không ra được thủ phạm thì cách bước mưu kế của Ngô Dụng rõ là không bằng.
Tính toán thiếu cẩn trọng suýt hại chết Tống Giang, Đới Tung
Cái sự tính toán thiếu chu toàn của Ngô Dụng còn được thể hiện một cách rõ nét ở hồi 38 nhân chuyện Tống Giang đề thơ phản nghịch ở lầu Tầm Dương, Giang Châu mà bị tống giam. Đới Tung đem thư của tri phủ Giang Châu là Sài Đức Chương, lên kinh đô để cha hắn – Thái úy Sài Kính định đoạt vụ việc. Đới Tung đi qua Lương Sơn Bạc bị bọn Chu Quý lừa bắt được, biết chuyện mới đưa chàng lên sơn trại tính cách giải cứu Tống Giang.
Ngô Dụng: Anh giáo làng, có chút sở học nhưng cứ nghĩ mình là Gia Cát Khổng Minh.
Lúc ấy, Ngô Dụng hiến một kế thế này: “Nhân bức thư này ta tương kế tựu tế, mà viết một phong thư khác cho Viện Trưởng mang về; Trong thư bảo Sài Tri Phủ phải bắt Tống Giang đem giải cẩn thận, cho tới kinh sư để tra hỏi đầu đuôi rồi quyết. Đoạn rồi đợi khi chúng giải qua đây, ta sẽ cho người xuống cướp, như thế có lẽ tiện hơn”.
Sau đó Ngô Dụng triển tiếp một lớp mưu nữa để lừa cùng lúc Thánh Thủ thư sinh Tiêu Nhượng (có thể giả được lối chữ của Sài Kính) và Ngọc Tỷ Tượng Kim Đại Kiện (có nghề chạm khắc ngọc đá rất khéo), lên Lương Sơn. Sau khi có được 2 người này rồi, Ngô Dụng yêu cầu họ việc viết thư khắc ấn, giả làm thư tín của phủ Thái Sư gửi trả lời cho Sài Tri phủ, xong xuôi giao cho Đới Tung lên đường gấp về Giang Châu.
Tưởng chừng mưu kế của Ngô Dụng là kín kẽ lắm rồi, chỉ việc chờ ngày để khởi binh đón lõng mà cứu Tống Giang thì hóa ra chính “Trí đa tinh” đã phạm một sai lầm lớn. Nếu như Tiêu Nhượng “tôi viết chữ rất hệt chữ Thái Sư”, Kim Đại Kiện “tôi cũng khắc dấu hệt lắm, không sai một tí bao giờ” thì bản thân Ngô Dụng lại “có một chỗ hớ to, rất nguy hiểm”.
Ngô Dụng nhiều lần lập kế triển mưu thiếu chu toàn, cẩn trọng.
Cái hớ của Ngô Dụng chính là ngôn ngữ xưng hô bất hợp lý trong thư. Hãy nghe chàng ta tự giãi bày về sai sót của mình: “Trong bức thư lúc nãy, vì tôi vội vàng không kịp nghĩ cho đóng dấu khắc có bốn chữ "Hàn Lâm Sài Kính" như thế, quả nhiên Đới Tung bị nguy với Quan Tư”, “Xưa nay cha viết thư cho con không khi nào phải đóng dấu tên huý của mình, bởi vậy tôi chắc khi Đới Tung tới nơi, tất bị họ tra hỏi mà vỡ chuyện ra mất”.
Dĩ nhiên cái sự thiếu sót, không tính toán kĩ lưỡng của Ngô Dụng, đến ngay cả tay quan Thông Phán quèn như Hoàng Văn Bính cũng nhận ra. Và thế là tốn bao công sức lừa bọn Tiêu Nhượng - Kim Đại Kiện, viết thư mạo làm ấn giả, Lương Sơn Bạc chẳng những không thể cứu được Tống Giang theo kế của Dụng mà còn đẩy Đới Tung vào cảnh lao tù.
Tài năng quân sự của Ngô Dụng không thực sự xuất sắc khi thực chiến.
Tài năng quân sự tầm thường, chỉ giỏi mưu hèn kế bẩn
Đấy là chuyện lập mưu tính kế vốn đã nhiều lần thiếu chu toàn, còn xét về tài năng quân sự, Ngô Dụng thực ra chỉ hay về lý thuyết, đúng với một tay giáo làng. Còn chàng ta, khi lâm trận thực chiến thì lại tầm thường vô cùng. Ví như trận đánh Chúc Gia Trang, ban đầu nghĩa quân Lương Sơn với các kế sách của quân sư Ngô Dụng thực sự bế tắc trước năng lực của họ Chúc và tài trí của “giáo sư” Loan Đình Ngọc, may có sự xuất hiện của Tôn Lập làm nội gián mới tác chiến thành công.
Rồi đến khi đối đầu với Hô Diên Chước và trận pháp Liên hoàn giáp mã, Ngô Dụng cũng bó tay còn Lương Sơn thua liên tiếp nhiều trận, cơ hồ khó mà chống được lâu thì lại xuất hiện Thang Long đề cử Từ Ninh, với tài nghệ binh pháp Câu liêm thương – khắc tinh của Liên hoàn giáp mã, mới phá được đại quân triều đình mà thu phục luôn Hô Diên Chước. Lần nghĩa quân Lương Sơn đánh Cao Đường Châu, gặp nguy khốn với trận pháp xuất quỷ nhập thần của Cao Liêm thì Ngô Dụng cũng “hết bài” phải cử Đới Tung – Lý Quỳ đi mời Công Tôn Thắng hạ sơn cứu giá…
Biệt tài số một của Ngô Dụng có lẽ là… tài lừa các anh hùng hảo hán lên Lương Sơn.
Thực ra, cái tài số 1 của Ngô Dụng, được đặc tả rõ nét nhất, chính là qua những lần lừa… hàng loạt anh hùng hảo hán lên làm đầu lĩnh Lương Sơn. Ở “hạng mục” này thì Ngô Dụng không thất bại một lần nào, dù trước sau chàng ta chỉ dùng đúng 1 bài: Chơi đòn tâm lý lừa “đối tác” lên Lương Sơn, sau đó sai người lén đưa nốt gia đình vợ con về “Bến nước”, cùng lắm thì gây ra đủ chuyện tệ hại để khiến nhân vật mà Lương Sơn nhắm tới tuyệt đường về.
Bọn Tiêu Nhượng, Kim Đại Kiện thì dễ rồi. Đến ngay cả những cái tên tưởng khó nhằn như trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh Lư Tuấn Nghĩa, Giáo đầu số một Đông Kinh Từ Ninh hay cỡ hào phú lắm tiền nhiều của như Chu Đồng …, cũng không thoát khỏi tay Ngô Dụng. Và cũng chính bởi rất nhiều lần thi triển “mưu hèn kế bẩn” kiểu này mà Ngô Dụng là cái tên bị nhiều anh hùng hảo hán Lương Sơn thù ghét, nuôi hận trong lòng. Chuyện này, chúng ta sẽ đề cập đến sâu hơn ở phần hai bài viết về “Trí Đa Tinh” Ngô Dụng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người đàn ông nhặt được hòn đá 'mọc tóc' trắng, sau khi các chuyên gia giám định xong liền gọi cảnh sát phong tỏa cả ngôi làng
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?