108 anh hùng trong Thủy Hử không giết nổi “tam đại ác nhân”, sự thật ra sao?
Kính viễn vọng Trung Quốc phát hiện những tín hiệu đáng ngờ từ vũ trụ, người ngoài hành tinh thực sự tồn tại? / Loài động vật giả chết cực kì điêu luyện, tiết ra mùi hôi thối như xác chết khiến kẻ thù ‘ngao ngán’
Cao Cầu – nhân vật phản diện chính trong tác phẩm Thủy Hử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
1. Cao Cầu
Trong Thủy Hử (tác phẩm của Thi Nại Am), Cao Cầu là nhân vật gây thù chuốc oán với quân Lương Sơn nhiều nhất.
Cao Cầu xuất hiện ngay từ đầu tiểu thuyết. Theo miêu tả của Thi Nại Am, Cao Cầu là kẻ vô lại, nhờ giỏi đá cầu và xu nịnh nên được Đoan Vương (sau này lên ngôi là Tống Huy Tông) trọng dụng, phong làm Thái úy – chức quan cai quản việc quân sự.
Vương Tiến – sư phụ của Sử Tiến (một trong 108 hảo hán Lương Sơn Bạc) – từng dùng nắm đấm “dạy dỗ” Cao Cầu. Sau khi nhậm chức Thái úy, việc đầu tiên Cao Cầu làm là trả thù Vương Tiến.
Vương Tiến bị cách chức giáo đầu cấm quân (chức quan phụ trách huấn luyện cấm vệ binh của nhà Tống), đánh cho một trận nhừ tử và buộc phải trốn khỏi kinh thành, lưu lạc khắp nơi.
Người tiếp theo bị Cao Cầu hại là Dương Chí, sau này cũng làmột trong các hảo hán Lương Sơn. Vì làm mất số đá hoa cương vận tải cho triều đình, Dương Chí phải bán hết gia sản chạy chọt khắp nơi, nhưng lo lót đến “cửa” của Cao Cầu thì hết tiền. Dương Chí bị Cao Cầu cách chức quan, phải đem bán bảo đao gia truyền để mưu sinh.
Ở chợ, Dương Chí giết kẻ muốn cướp đao. Vì việc này, Dương Chí trở thành tội phạm bị lưu đày.
Dương Chí bị Cao Cầu cách chức, cùng đường phải đi làm cướp (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Lâm Xung, hảo hán võ nghệ bậc nhất Lương Sơn Bạc, là người bị Cao Cầu hại thê thảm nhất. Ở Đông Kinh (kinh thành triều Bắc Tống) Lâm Xung từng giữ chức giáo đầu của 80 vạn cấm quân. Ông là người trọng nghĩa khí, quen biết rộng và được nhiều người kính nể.
Vợ của Lâm Xung là Trương thị, vốn nổi tiếng là người có nhan sắc, vì vậy mà “lọt mắt xanh” của Cao Khảm – con nuôi Cao Cầu. Cao Khảm nhớ nhung Trương thị đến nỗi mất ăn mất ngủ, đòi Cao Cầu phải cưới bằng được Trương thị cho mình.
Để hại Lâm Xung, Cao Cầu lừa dẫn ông mang đao vào Bạch hổ Thiết đường (nơi các quan Thái úy bàn việc quân sự). Đây là tội phải xử tử.
Ở phủ Khai Phong, Lâm Xung khai rõ sự việc, được quan phủ thương tình tha mạng, nhưng đày ông tới Thương Châu. Cao Cầu mua chuộc 2 tên nha sai là Đổng Siêu và Tiết Bá, dặn chúng kết liễu Lâm Xung. Trên đường áp giải, Đổng Siêu và Tiết Bá hành hạ và sỉ nhục Lâm Xung đủ điều, khiến ông vô cùng cực khổ.
Ở rừng Dã Trư, nếu không có Lỗ Trí Thâm kịp thời giải cứu, Lâm Xung đã mất mạng dưới tay Đổng Siêu và Tiết Bá.
Lâm Xung bị Cao Cầu hại đến tan cửa nát nhà (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Lâm Xung bị đày tới nhà lao Thương Châu, Cao Cầu vẫn chưa buông tha ông. Hắn sai Lục Khiêm (người từng là bạn thân của Lâm Xung) tới ám sát. Sau sự kiện này, Lâm Xung vượt ngục, phiêu bạt giang hồ và trở thành “giặc cướp” Lương Sơn.
Trong phần “Hậu Thủy Hử”, quân Lương Sơn bắt sống Cao Cầu. Lâm Xung nghe tin Cao Cầu bị bắt, mừng rỡ xách đao tới muốn giết Cao Cầu nhưng lại bị Tống Giang ngăn cản. Lâm Xung uất hận tới thổ huyết.
Theo Sohu, trong lịch sử, Cao Cầu được đánh giá là gian thần của triều Bắc Tống (960–1127). Ông ta làm nhiều điều hại nước hại dân, nhưng có kết cục khá “êm ả”.
Phần “Huy chủ hậu lục” trong Tống sử chép, Cao Cầu (không rõ năm sinh – 1126) sinh ra ở phủ Khai Phong, thuở nhỏ làm người ở của Tô Đông Pha, chuyên việc chép sách. Cao Cầu được mô tả là người lanh lợi, giỏi giang, viết chữ đẹp và biết võ đánh thương, đánh gậy.
Nhờ giỏi xu nịnh và khéo léo, Cao Cầu được Tô Đông Pha tiến cử với quan Khu mật sứ Vương Tấn Khanh, chơi rất thân với Đoan Vương. Điều này giúp Cao Cầu có cơ hội tiếp xúc với giới quan lại quyền quý.
Mỗi lần Đoan Vương xuất hiện, Cao Cầu lại ra sức bày trò vui, làm ông ta hài lòng. Dần dà, Cao Cầu trở thành kẻ hầu hạ thân tín của Đoan Vương.
Không rõ Cao Cầu trong lịch sử có thật sự giỏi đá cầu hay không, theo Sohu.
Năm 1100, Đoan Vương lên ngôi, lấy hiệu là Tống Huy Tông. Cao Cầu được vua Tống trọng dụng, phong làm quan Thái úy.
Năm 1126, quân Kim đánh xuống phía nam, Tống Huy Tông hoảng sợ, vội vàng nhường ngôi cho thái tử Triệu Hoàn (Tống Khâm Tông) và đem vàng bạc, cung thất trốn về vùng Giang Nam.
Tống sử chép, Tống Huy Tông chạy đến Tứ Châu thì Đồng Quán và Cao Cầu bắt kịp. Đồng Quán và Cao Cầu không cùng phe, 2 bên xảy ra xung đột. Đồng Quán tiếp tục hộ tống Tống Huy Tông bỏ chạy, Cao Cầu bị bỏ lại ở Tứ Châu.
Bất đắc dĩ, Cao Cầu phải dẫn quân trở về thành Khai Phong. Năm 1126, Cao Cầu qua đời vì bệnh tật. Sau khi chết, ông ta bị Tống Khâm Tông (1100 – 1161) cách hết chức tước.
Theo Tống sử, Cao Cầu không có liên hệ gì với cuộc khởi nghĩa ở Hoài Nam (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc) của Tống Giang.
Trong lịch sử, Đồng Quán có công đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
2. Đồng Quán
Trong Thủy Hử, Đồng Quán được miêu tả là đại tướng quân, từng cùng Lư Tuấn Nghĩa (thủ lĩnh hàng đầu của Lương Sơn Bạc) đánh dẹp quân Liêu. Nhờ Lư Tuấn Nghĩa và quân sư Chu Vũ, quân Tống đánh đâu thắng đó, Đồng Quán chỉ ngồi không hưởng lợi.
Trong một trận đánh lớn, Lư Tuấn Nghĩa hiến kế để ông cùng Chu Vũ đem vài trăm quân ra dụ địch, còn Đồng Quán dẫn đại binh phía sau tiếp ứng. Đồng Quán vờ đồng ý.
Khi Lư Tuấn Nghĩa bị quân Liêu bao vây, Đồng Quán vẫn thủ trong thành không ra cứu. Điều này khiến toán quân của Lư Tuấn Nghĩa bị diệt sạch. Đồng Quán nhân cơ hội này tâu lên vua rằng Lư Tuấn Nghĩa tự ý xuất quân, gây tổn thất lớn. Vua Tống sai đánh Lư Tuấn Nghĩa rồi cách hết chức tước của ông.
Trong phần “Hậu Thủy Hử”, Đồng Quán dẫn quân tấn công Lương Sơn, bị đánh cho đại bại. Nhưng quân Lương Sơn không bắt được ông ta.
Theo Qulishi, Đồng Quán trong lịch sử không có liên quan gì đến cuộc khởi nghĩa Lương Sơn.
Tống sử chép, Đồng Quán (1054-1126) là hoạn quan phục vụ dưới thời Tống Huy Tông. Ông cũng là hoạn quan hiếm hoi nắm quyền chỉ huy quân sự trong lịch sử Trung Quốc.
Lư Tuấn Nghĩa – hảo hán võ nghệ bậc nhất trong Thủy Hử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Năm 1111, Đồng Quán nhậm chức Thái úy. Ông từng dẫn quân Tống đánh bại cuộc xâm lược của nước Tây Hạ.
Để lấy lòng Tống Huy Tông, Đồng Quán lập ra Ứng phụng cục – cơ quan chuyên tìm kiếm và cung ứng sản vật hiếm lạ cho hoàng đế. Ở Giang Nam, hàng nghìn dân phu phải lên núi, vào rừng tìm ngà voi, sừng tê, đá quý… dâng lên Ứng phụng cục. Đội quân của Đồng Quán còn gây ra nhiều cảnh cướp bóc tàn bạo khiến người dân Giang Nam rất căm giận.
Năm 1120, Phương Lạp khởi nghĩa ở Giang Nam. Cuộc khởi nghĩa được người dân 4 tỉnh Giang Tổ, Chiết Giang, An Huy và Giang Tây hưởng ứng.
Năm 1122, Đổng Quán dẹp yên cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp, bình định đất Giang Nam. Ông ta lại được Tống Huy Tông trọng dụng.
Năm 1126, quân Kim tấn công, Tống Huy Tông bỏ chạy khỏi Biện Lương. Tống Khâm Tông thân chinh ra trận, sai Đồng Quán giữ kinh thành.
Tống sử chép, Đồng Quán cậy mình có công, chống lệnh Khâm Tông, đem quân bản bộ chạy theo Thái thượng hoàng về phía nam. Khi Thái Thượng hoàng qua cầu, nhiều tướng sĩ, dân thường khóc lóc, xin Thái Thượng hoàng ở lại chống quân Kim.
Đồng Quán sợ không đi nhanh được, sai quân bắn cung nỏ vào dân thường, khiến hàng trăm người chết.
Vụ việc khiến Tống Khâm Tông nổi giận, ông sai người đuổi theo, cách hết chức tước của Đồng Quán. Tống Huy Tông không ngăn cản việc này.
Năm 1126, Đồng Quán bị Tống Khâm Tông ra lệnh xử tử.
Theo Tống sử, Đồng Quán bị bỏ xác vào bao tải, mang về thành Biện Lương phơi giữa chợ.
Sái Kinh – kẻ chủ mưu đầu độc, sát hại các thủ lĩnh hàng đầu của quân Lương Sơn (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
3. Sái Kinh
Trong Thủy Hử, Sái Kinh, quan Thái sư triều Tống, được miêu tả là kẻ tham lam, nham hiểm. Lương Thế Kiệt – con rể Sái Kinh – vơ vét 10 xe vàng bạc làm quà sinh nhật cho ông ta, dẫn đến vụ cướp trên đồi Hoàng Nê.
Sái Kinh cũng là kẻ chủ mưu hạ độc và đồ ăn và rượu, dẫn đến cái chết của 2 nhân vật hàng đầu Lương Sơn – Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa. Tống Giang vì để giữ tiếng trung nghĩa cho quân Lương Sơn, đem rượu độc cho Lý Quỳ uống. Quân sư Ngô Dụng và Hoa Vinh cũng tự sát bên mộ Tống Giang.
Kết cục của quân Lương Sơn trong 2 hồi cuối Hậu Thủy Hử rất bi thương, Sohu đánh giá.
Theo Tống sử, Sái Kinh (1047 – 1126) là quyền thần bậc nhất dưới thời Tống Huy Tông. Ông từng giữ các chức vụ cao cấp như Thừa tướng, Thái sư.
Trong 50 năm làm quan, Sái Kinh chủ trương thiết lập phe phái trong triều. Năm 1112, sau khi nhậm chức Thái sư, ông ta đã giáng chức hơn 30 người từng đứng ra tố cáo mình.
Sái Kinh cũng là người khởi xướng thuyết “Phong hưởng tự đại”, tô vẽ cảnh thái bình thịnh trị và đề xuất Tống Huy Tông tập trung ăn chơi hưởng lạc. Quan lại thời Huy Tông cũng học theo vua, đua nhau xây dựng dinh thự, ăn chơi xa xỉ tốn kém.
Tống sử chép, Huy Tông rất hài lòng với Sái Kinh. Được vua ban cho một khu đất ở phía tây kinh thành, Sái Kinh phá thêm hàng trăm nhà dân để mở rộng vườn tược.
Đầu năm 1126, quân Kim tấn công, Tống Huy Tông bỏ chạy khỏi kinh thành. Sái Kinh vội vàng gom hết tài sản (ước tính khoảng 200 gánh vàng bạc) chất lên thuyền, bỏ trốn.
Tháng 1/1126, Tống Khâm Tông lên ngôi, ra lệnh bắt Sái Kinh trị tội. Sái Kinh bị tịch thu hết gia sản, chết trên đường đi lưu đày.
Theo Qulishi, Sái Kinh là một trong những gian thần hàng đầu khiến triều Bắc Tống suy vong.
Tống Giang trong lịch sử chỉ lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nhỏ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
4. Sự thật về cuộc khởi nghĩa Lương Sơn
Tống sử chép, năm 1119, có trát (lệnh quan) nói rằng vùng đầm nước Lương Sơn Bạc (nay chỉ còn lại dấu tích là hồ nước Đông Bình, ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) thuộc sở hữu của triều đình. Nông dân, ngư dân sinh sống ở Lương Sơn Bạc bị đánh thuế rất nặng.
Không chịu đựng nổi, tháng 11/1119, Tống Giang và một số người nổi dậy, dựng cờ khởi nghĩa ở Lương Sơn. Tống sử gọi quân Tống Giang là “giặc cướp Hoài Nam”.
Phần “Trương Thúc Dạ truyện” trong Tống sử chép, Trương Thúc Dạ (tướng quân dưới thời Tống Huy Tông) là người đã đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Tống Giang.
Theo Wenshigu, so với cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp, quân Tống Giang chỉ là một đội quân nhỏ, được trang bị và tổ chức kém. Trong Thủy Hử, việc Tống Giang dẫn dắt 108 hảo hán Lương Sơn đánh bại quân Phương Lạp chỉ là tình tiết hư cấu.
Lâm Xung, Dương Chí, Sử Tiến, Lư Tuấn Nghĩa trong Thủy Hử đều là nhân vật do tác giả Thi Nại Am hư cấu. Mối thù của họ đối với Cao Cầu, Đồng Quán, Sái Kinh cũng là tình tiết hư cấu.
Theo Wenshigu, Cao Cầu, Đồng Quán và Sái Kinh dù bị nhìn nhận là gian thần, nhưng họ không gây ra các “tội ác” như Thủy Hử mô tả. Sẽ là khá vô lý và bất công khi 3 nhân vật lịch sử bị một nhóm nhân vật hư cấu kết liễu vì những mối thù không có thật.
Cuối cùng, việc để Cao Cầu, Đồng Quán, Sái Kinh chết dưới tay Lâm Xung, Lư Tuấn Nghĩa hay Tống Giang là không tôn trọng sự thật lịch sử, dẫn đến hiểu biết sai lệch cho người đọc. Đây có lẽ là điều mà tác giả Thi Nại Am không mong muốn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?