Khám phá

2 tượng Phật nằm dài nhất châu Á ở Việt Nam

Tháng 5/2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á/Asia Book of Records (ABR) công nhận Việt Nam có “Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á” và “Tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất châu Á”.

Ngôi chùa độc đáo ở Bình Phước với tượng Phật khổng lồ nằm trên mái / Phát hiện căn phòng bí mật chứa kho báu trong tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới: Truyền thuyết nghìn năm được khẳng định?

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 52m trên mái Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương ở TP Thủ Dầu Một. Ảnh: Phanxipăng.

Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 52m trên mái Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương ở TP Thủ Dầu Một. Ảnh: Phanxipăng.

Theo đó, “Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á” ở chùa Linh Sơn Trường Thọ tại núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và “Tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất châu Á” ở chùa Hội Khánh tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á

Nhiều người, nhất là cư dân địa phương, lâu nay quen gọi chùa Linh Sơn Trường Thọ là chùa Núi. Bởi chùa toạ lạc trên núi Tà Cú cao 649m tại thị trấn Thuận Nam, thủ phủ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; cách TP Phan Thiết tỉnh lị 28km về phía Tây Tây Nam.

Sách “108 danh lam cổ tự Việt Nam” của Võ Văn Tường (NXB Thuận Hoá, Huế, 2007) ghi nhận: “Chùa do Tổ Hữu Đức khai sơn vào hậu bán thế kỷ XIX. Năm Tự Đức thứ XXXIII [Canh Thìn 1880], ngài đã trì chú Chuẩn Đề và kê toa thuốc gửi sứ mang về triều chữa lành bệnh cho Hoàng thái hậu Từ Dũ [đúng phải Từ Dụ], nên vua Tự Đức ân tứ bốn chữ Linh Sơn Trường Thọ để tạ ơn ngài”.

 

Trương Đình Ý là 1 trong 10 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1935, rồi giảng dạy điêu khắc tại các Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.

Năm 1962, sau khi được hòa thượng Thích Vĩnh Thọ trụ trì chùa Núi chọn để tôn trí tượng Phật nhập niết bàn, Trương Đình Ý xin nghỉ dạy nhằm lên núi Tà Cú tạo dựng tượng Phật không công. Tại công trường, Trương Đình Ý thọ trai, xuống tóc, mặc áo nâu hay áo lam theo lối tu sĩ Phật giáo, để các con ở Sài Gòn cho vợ là Công Tôn Nữ Liên Chi tự lực cánh sinh.

Vậy, Trương Đình Ý là điêu khắc gia, chứ chẳng phải kiến trúc sư như rất nhiều sách báo lâu nay nhầm lẫn. Suốt 4 năm ròng, 1963 - 1966, Trương Đình Ý tích cực chỉ huy công trường trên núi Tà Cú.

Tượng hoàn thành với tư thế nằm nghiêng, mặt quay về hướng Nam, má phải gối lên bàn tay phải, tay trái buông thẳng xuôi theo thân mình. Toàn bộ pho tượng dài 49m; ngang (đo bàn chân) 8,8m; cao (từ vai xuống cốt nền) 12,2m. Tượng bằng xi măng cốt thép, thường được quét vôi màu trắng.

Ni sư Thích Nữ Ba La hiện trụ trì chùa Linh Sơn Trường Thọ cho hay:

 

- Con số 49m tượng trưng 49 năm, tính từ khi Đức Thích Ca thành đạo đến nhập diệt.

Ngày 7/1/1993, cụm chùa và tượng Phật trên núi Tà Cú được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di sản lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Từ ngày 12/9/2003, nhờ cáp treo do hãng Doppelmay của Áo lắp đặt, việc di chuyển từ chân núi lên đỉnh núi Tà Cú và ngược lại không những dễ dàng mà còn ngoạn mục.

Ngày 2/1/2006, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn trên núi Tà Cú được tổ chức Kỷ lục Việt Nam / Vietkings xác nhận là tượng Phật nằm dài nhất nước ta.

Ngày 30/5/2013, Tổng Giám đốc ABR đã đến bên tượng Phật trên đỉnh núi Tà Cú trao bằng xác lập kỷ lục “Tượng Phật nằm trên đỉnh núi dài nhất châu Á” tận tay ni sư Thích Nữ Ba La.

 


Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m trên núi Tà Cú, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Phanxipăng.

Tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất châu Á

Tại tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, nay là phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, thủ phủ tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh được thiền sư Đại Ngạn thuộc dòng Lâm Tế sáng lập vào năm Tân Dậu 1741, đời vua Lê Hiển Tông.

Năm Tân Dậu 1861, thực dân Pháp đánh chiếm vùng đất này, phá huỷ ngôi già lam. Năm Mậu Thìn 1868, đời vua Tự Đức, hoà thượng Chánh Đắc tái tạo chùa Hội Khánh nơi chân đồi, cách vị trí chùa cũ 100m. Năm Tân Mão 1891, đời vua Thành Thái, hoà thượng Ẩn Long xây dựng chánh điện.

Sách “Bình Dương danh lam cổ tự” (Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, 2008) cho biết chùa Hội Khánh “đã được trùng tu vào các năm 1891, 1906, 1917, 1991, 1999”.

Ngày 24/9/1993, Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận chùa Hội Khánh là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

 

Năm 2007, tại một phần khuôn viên chùa, trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương được thiết kế bởi điêu khắc gia Trần Quang Thái, kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh, kỹ sư xây dựng Trần Văn Pháp, Với nền móng rộng 1.200m2, ngôi trường có tầng trệt dài 64m, ngang 23m, tạo bệ đỡ pho tượng Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng bằng bê tông cốt thép dài 52m, cao 22m, từ vai phải bên dưới đến vai trái phía trên đo được 11m.

Quanh tượng còn được trang trí bằng 840 cánh hoa sen đắp bằng xi măng. Bệ tượng còn có 20 phù điêu thể hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh đến lúc nhập diệt.

Pho tượng được khởi công thực hiện ngày 12/8/2008 rồi lạc thành ngày 28/3/2010.

Thượng toạ Thích Huệ Thông - trụ trì chùa Hội Khánh từ năm 1988 đến nay - giải thích:

- Con số 52m biểu tượng cho ngũ thập nhị vị [52 thành quả tu chứng], ngũ thập nhị chúng [52 loại chúng sinh], và ngũ thập nhị chủng cúng vật [52 phẩm vật dâng Đức Phật trong pháp hội niết bàn].

 

Với chiều dài 52m, tượng Phật nhập niết bàn ở chùa Hội Khánh được Vietkings xác nhận là tượng Phật nằm dài nhất nước ta vào ngày 30/3/2010.

Ngày 31/5/2013, Tổng Giám đốc ABR đã đến chùa Hội Khánh trao bằng xác lập kỷ lục “Tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất châu Á” tận tay thượng tọa Thích Huệ Thông.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm