3 giấc mơ kì lạ và nhân duyên trời định của bộ đôi “ném đá” trong Thủy Hử
Độc thần kiếm và vũ khí lợi hại của danh tướng Tây Sơn / Không phải Quan Vũ, Trương Phi, ai mới là võ tướng hạ nhiều địch nhất thời Tam Quốc?
Giấc mơ của Lý Quỳ
Vườn Nghi Xuân, một buổi chiều hoa tuyết rợp trời, sau khi đại quân của Tống Giang chiếm được thành Cái Châu, thắng lợi đầu tiên trong chiến dịch dẹp loạn Điền Hổ.
Tại đình Vũ hương trong vườn Nghi Xuân, Hắc toàn Phong Lý Quỳ, một tay tửu lượng hạng nhất của nghĩa quân Lương Sơn, gục đầu trên bàn tiệc chỉ sau vài tuần rượu. Gã có một giấc mơ kì lạ.
Mối tình trong mộng Trương Thanh – Quỳnh Anh.
Trong giấc chiêm bao của mình, “Trâu đen” thấy mẹ hắn chưa chết, hai mẹ con đang trò chuyện thì bị hổ vồ cắt ngang, rồi việc hắn giết chết bọn côn đồ cứu một gia đình, dùng đôi búa nặng cả tả của mình đập chết lũ gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Dưỡng Tiễn, Cao Cầu.
Mấy chuyện đấy thì cũng dễ hiểu với Lý Quỳ, kẻ căm hận lũ gian thần hại dân hại nước thấu tận xương tủy, kẻ thấy chuyện bất bình ắt ra tay trợ giúp mà chẳng cần phải suy nghĩ thấu đáo, kẻ từng trải qua nỗi đau khôn cùng khi chứng kiến người mẹ của mình bị hổ vồ chết ăn thịt, kẻ một mình chiến đấu và đánh chết lũ hổ dữ.
Nhưng có một chi tiết trong giấc chiêm bao của mình, Lý Quỳ không hiểu. Trong mơ, Lý Quỳ gặp một thần nhân và người này có nói với gã khẩu quyết 10 chữ để thắng quân Điền Hổ, dặn hắn phải ghi nhớ thật kĩ để thuật lại với huyng trưởng Tống Giang: “Muốn dẹp tan Điền Hổ, phải có mũi tên Quỳnh”.
Giấc mơ của Trương Thanh
Khi nghe Lý Quỳ nhắc đến chi tiết “Mũi tên Quỳnh”, trong các vị anh hùng Lương Sơn Bạc có mặt tại bữa tiệc mừng công tại đình Vũ Hương hôm ấy, chỉ có 2 người hiểu lờ mờ, nhưng đều im lặng không nói ra. Là Thần y An Đạo Toàn và Một vũ tiễn Trương Thanh.
Hắc Toàn phong Lý Quỳ vào giấc mộng “Mũi tên Quỳnh”.
Trước đó Trương Thanh, đầu lĩnh hạng thứ 16 trong 108 vị anh hùng Lương Sơn, cũng trải qua một giấc mơ kì lạ lặp lại không biết bao lần. Trong mơ, Trương Thanh gặp một thần nhân, nhờ chàng dạy thuật ném đá cho một thiếu nữ xinh đẹp, cũng là người có duyên trời định với mình.
Đêm nay qua đêm khác, Trương Thanh gặp nữ nhân mà chàng chỉ biết với biệt danh “mũi tên Quỳnh” này trong mơ, dạy nàng thuật ném đá để rồi sau tương tư mà sinh bệnh. Chuyện này được Trương Thanh kể lại cho An Đạo Toàn khi ông tới lo thuốc thang điều trị cho chàng.
Tuổi thơ đau thương của “Mũi tên Quỳnh”
Quỳnh Anh tuổi vừa đôi tám, nhan sắc xinh đẹp, vốn là người họ Cừu, cha tên là Thân, quê quán ở Cẩm Thượng, huyện Giới Hưu. Năm Quỳnh Anh lên mười, cha mẹ Quỳnh Anh về quê chịu tang ông ngoại, để Quỳnh Anh lại nhà, căn dặn vợ chồng người quản gia là Diệp Thanh – An thị chăm nom hầu hạ. Cha mẹ Quỳnh Anh đi nửa đường chẳng may gặp cướp, bắt giết.
“Một vũ tiễn” Trương Thanh tương tư nữ nhân trong giấc chiêm bao.
Hơn một năm sau, Điền Hổ dấy loạn chiếm cứ châu Uy Thắng, sai thủ hạ là Ô Lê chia quân đi cướp bóc các nơi. Quân Ô Lê đến làng Cẩm Thượng huyện Giới Hưu cướp đọat của cải, bắt giữ đàn ông, đàn bà. Người thừa tự họ Cừu bị loạn quân giết hại, vợ chồng Diệp Thanh, và Quỳnh Anh cũng bị bắt.
Ô Lê kia không có con, thấy Quỳnh Anh thanh tú, xinh đẹp, bèn dẫn về cho vợ là Nghê thị. Nghê thị không sinh đẻ được, thấy Quỳnh Anh thì hết mực yêu mến chẳng khác gì con đẻ. Quỳnh Anh xin Nghê thị nói với Ô Lê cho phép An thị cùng ở với mình, vì thế An thị được theo hầu Quỳnh Anh, không rời nửa bước. Diệp Thanh, vì sự an nguy của Quỳnh Anh, chấp nhận phục tùng Ô Lê. Thấy Diệp Thanh theo trận mạc có công, Ô Lê cho phép An thị được về xum họp với chồng, và tâu xin Điền Hổ phong cho Diệp Thanh giữ chức tổng quản.
Trong lần đem quân đến núi Thạch Thất đốn gỗ chuyển đá theo lệnh Ô Lê, Diệp Thanh đã phát hiện được sự thật về cái chết của vợ chồng chủ nhân Cừu Thân – Tống Phu nhân năm nào chính là một tay do Điền Hổ gây ra. Diệp Thanh bảo An thị kín đáo kể lại cho Quỳnh Anh biết. Biết sự việc, Quỳnh Anh đau xót như ngàn vạn mũi tên đâm xé trong lòng, ngày đêm nuốt nước mắt, ý nghĩ báo thù cho cha mẹ không lúc nào nguôi.
Cừu Quỳnh Anh và duyên tiền định trong giấc mơ kì lạ.
Giấc mơ của Quỳnh Anh
Cũng từ đó, đêm đêm chợp mắt, Quỳnh Anh đều chiêm bao thấy một vị thần hiện lên bảo rằng: "con muốn báo thù cho cha mẹ, ta sẽ dạy võ nghệ cho". Những điều nghe thấy trong giấc chiêm bao, khi tỉnh dậy Quỳnh Anh đều ghi nhớ hết. Quỳnh Anh bèn đóng cửa cài then, một mình tập luyện các môn thương bổng.
Lâu dần Quỳnh Anh càng thêm tinh thông võ nghệ. Ngày tháng trôi qua chẳng bao lâu đã tới mùa đông năm Tuyên Hoà thứ tư. Một đêm cuối năm, Quỳnh Anh vừa gục đầu thiu thiu ngủ, chợt có một luồng gió ùa vào, cuống theo một mùi hương lạ thơm nức. Trong chốc lát, Quỳnh Anh thấy một tu sĩ đầu chít khăn mỏ rìu, dẫn một viên tướng trẻ mặt chiến bào xanh đến dạy cho mình phép ném đá.
Vị tu sĩ bảo Quỳnh Anh: "Ta cất công đến huyện Cao Bình mời Thiên tiệp tinh tới đây truyền dạy cho con thụât lạ, giúp con khỏi chốn hang hùm, báo thù cho cha mẹ. Tướng quân đây sẽ trọn đời duyên lứa với con". Thóang nghe mấy tiếng "trọn đời duyên lứa", Quỳnh Anh bất giác thẹn thùng, giơ tay áo che mặt, chẳng ngờ nghe một tiếng kêu "xoảng", mới hay là chạm phải chiếc kéo để trên mặt bàn.
Quỳnh Anh liên tiếp đả bại các đầu lĩnh Lương Sơn trong trận giap chiến.
Quỳnh Anh giật mình tỉnh dậy. Trong phòng vẫn ngọn đèn tàn, ngoài trời vẫn vầng trăng lạnh, chiêm bao giống như thật, Quỳnh Anh ngồi dậy thẫn thờ. Sáng hôm sau, Quỳnh Anh còn nhớ phép ném đá, bèn đến bên bờ tường chọn nhặt một hòn đá bằng quả trứng đánh liều ném thử con xuy trên nóc nhà. Viên đá ném đi nghe chát một tiếng, con xuy vỡ tan, mảnh rơi lả tả.
Nhân duyên trời định Trương Thanh – Quỳnh Anh
Câu chuyện về tài võ nghệ của Quỳnh Anh từ nhà Ô Lê lọt ra ngoài làm xôn xao cả thành Uy Thắng, dân chúng đặt biệt hiệu gọi Quỳnh Anh là "Quỳnh thỉ thốc" (mũi tên Quỳnh). Dạo ấy, Ô Lê muốn kén chọn chàng rể gả chồng cho Quỳnh Anh. Quỳnh Anh thưa với mẹ nuôi: - Nếu cha mẹ gả chồng cho con thì xin kén người nào ném đá thật giỏi. Nếu là kẻ tài nghệ không bằng con thì con thà chết chứ không nhận lời.
Điền Hổ khi bị đại quân Lương Sơn của Tống Giang chinh phạt, đẩy vào tình thế ngặt nghèo, theo lời tiến cử của Ô Lê đã phong Quỳnh Anh tước Quận chúa, nữ tướng tiền bộ tiên phong. Tuân mệnh Điền Hồ, Quỳnh Anh cùng cha nuôi thống lĩnh 3 vạn binh mã tiến gấp về phủ Chiêu Đức, chặn đường tiến quân của Lương Sơn.
Trương Thanh và Quỳnh Anh kết nghĩa phu thê.
Quỳnh Anh một thân võ nghệ xuất chúng, tài sử thương siêu quần, đánh bại Vương Anh chỉ sau vài hiệp, một mình song đấu ngang ngửa với 2 nữ tướng Lương Sơn, Hỗ Tam Nương và Cố Đại Tẩu. Sau nhờ tài phi thạch, Quỳnh Anh hạ liên tiếp Tôn Tân, Lâm Xung, Lý Quỳ và Giải Trân.
Trương Thanh được quân thám mã báo cho biết bên Điền Hổ có một nữ tướng ném đá rất lợi hại, đã làm cho nhiều đầu lĩnh bị thương, giật mình, vội khoác giáp lên ngựa, cấp tốc đem quân đi cứu viện cũng là để tận mắt nhận diện “đối thủ”. Bấy giờ Quỳnh Anh đã cho khua chiêng thu quân nhưng Trương Thanh vẫn kịp trông thấy gương mặt của nàng. Lần đầu gặp gỡ mà ngỡ thân thuộc từ lâu! Chính là người con gái mà chàng đã dạy thuật ném đá trong những giấc mơ.
Sau nhờ kế của Ngô Dụng lại có thêm Diệp Thanh nội ứng, Trương Thanh xâm nhập vào hàng ngũ của Ô Lê. Trong một lần giao đấu, đôi bên nhận ra “người trong mộng” để rồi chính thức nên duyên vợ chồng. Sau khi thành thân, Trương Thanh mới nói thật cho ý trung nhân biết mình chính là “Một vũ tiễn” - chánh tướng của quân Tống. Quỳnh Anh cũng đem nỗi oan khổ bấy lâu nay của mình kể cho Trương Thanh nghe.
Cặp vợ chồng son sắc chết cùng nhau ở ải Độc Tùng trong trận chiến với Phương Lạp.
Trương Thanh và Quỳnh Anh lập kế giết chết Ô Lê rồi phối hợp với đại quân Tống Giang bắt sống Điền Hổ, giúp “Mũi tên Quỳnh” báo thù cha mẹ. Dẹp xong loạn Điền Hổ, Quỳnh Anh theo chồng gia nhập nghĩa quân Lương Sơn, đánh Vương Khánh và lập đại công trong các trận Kì Sơn, Nam Phong.
Ở trận chiến Phương Lạp mà nghĩa quân Lương Sơn chịu rất nhiều tổn thất, Trương Thanh bị Lệ Thiên Nhuận giết ở ải Độc Tùng. Quỳnh Anh khi đó mới sinh con trai đầu lòng cùng vợ chồng Diệp Thanh tìm đến mang xác chồng về, nàng cũng tự sát theo chồng trước ải.
Vợ chồng Diệp Thanh cùng nhau nuôi nấng con trai duy nhất của Trương Thanh – Quỳnh Anh là Trương Tiết. Sau này, Trương Tiết trở thành dũng tướng của nhà Đại Tống, góp công lớn đánh bại giặc Kim xâm lược.
End of content
Không có tin nào tiếp theo