Khám phá

5 đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử đã kết thúc như thế nào

Trong khi một số đại dịch từ xa xưa đã xóa sổ nhiều vùng dân cư, thì những sáng kiến y học và y tế công cộng cuối cùng có thể ngăn chặn sự lây lan của các đại dịch khác.

Khám phá về Hoàng hậu có biệt danh 'ác phụ độc dược thành La Mã' / Chuyện thú vị về 'quỹ đen' của các hoàng đế

Khi nền văn minh của loài người phát triển mạnh, bệnh truyền nhiễm cũng vậy. Những cộng đồng dân cư đông đúc chung sống cùng với động vật, thường có điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém, đã tạo ra mảnh đất tốt cho bệnh tật. Sau đó các tuyến đường giao thương ra nước ngoài làm lây lan rộng những bệnh nhiễm trùng mới, gây ra những đại dịch toàn cầu đầu tiên.
Tranh mô tả dịch hạch ở Italy thế kỷ 17. Ảnh: Getty Images
Tranh mô tả dịch hạch ở Italy thế kỷ 17. Ảnh: Getty Images

Nhưng cuối cùng thì những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới đã kết thúc ra sao.

Dịch hạch Justinian: Không còn ai để chết

Yersinia pestis, trước đây gọi là pasteurella pestis, là vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch.

Ba trong số các đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử được ghi nhận là đều một loại vi khuẩn gây ra, đó là Yersinia pestis, một bệnh nhiễm trùng gây tử vong hay còn gọi là bệnh dịch hạch.

 

Bệnh dịch hạch Justinian khởi phát từ Ai Cập, nơi những con chuột đen mang theo bọ chét mang mầm bệnh đã theo tàu vượt qua biển Địa Trung Hải tới Constantinople, thủ đô của Đế quốc Byzantine, vào năm 541 sau Công nguyên.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vi khuẩn dịch hạch dưới kính hiển vi quang học. Ảnh: Getty Images

Bệnh dịch đã tàn phá thành Constantinople, nơi hoàng đế Justinian trị vì,và lan rộng như một đám cháy khắp châu Âu, châu Á, Bắc Phi và Arab.

“Mọi người thực sự không biết cách để chống lại dịch bệnh mà chỉ cố gắng tránh những người bệnh”, ông Thomas Mockaitis, Giáo sư lịch sử tại Đại học DePaul nói.

Dịch hạch Justinian chỉ dừng lại sau khi giết chết khoảng 30 - 50 triệu người, có lẽ là một nửa dân số thế giới.

"Cái chết Đen"– Sự ra đời của kiểm dịch

 

Bệnh dịch hạch chưa bao giờ thực sự biến mất, và khi quay trở lại 800 năm sau, nó đã giết chóc còn thảm khốc hơn. Đại dịch “Cái chết đen”, tấn công châu Âu vào năm 1347, cướp đi khoảng 200 triệu sinh mạng trong vòng 4 năm.

Chú thích ảnh
Tranh mô tả cảnh chết chóc trong đại dịch "Cái chết Đen". Ảnh: Getty Images

Thời đó, người dân vẫn chưa có hiểu biết khoa học về bệnh truyền nhiễm, nhưng họ biết nó liên quan đến việc sống gần nhau, Giáo sư Mockaitis nói. Đó là lý do tại sao các quan chức có tư duy tiến bộ ở thành phố cảng Ragusa, nơi người Venice kiểm soát, đã quyết định cách ly các thủy thủ mới cập cảng cho đến khi họ có thể chứng tỏ rằng mình không bị bệnh.

Ban đầu, các thủy thủ bị cách ly trên tàu của họ trong 30 ngày, theo dữ liệu được ghi trong luật của Venice. Sau đó, người Venice đã tăng thời gian cách ly lên 40 ngày, hay gọi là “quarantion” (40), từ gốc của thuật ngữ “quarantine” ngày nay, có nghĩa là “cách ly”. Kể từ đó, phương Tây bắt đầu áp dụng quy định này để đề phòng lây lan dịch bệnh.

Đại dịch hạch London – Cách ly hoàn toàn người bệnh

Thủ đô London không bao giờ thực sự được “nghỉ” kể từ sau đại dịch “Cái chết Đen”. Bệnh dịch hạch xuất hiện trở lại cứ khoàng 20 năm một lần từ năm 1348 đến 1665 – với 40 trận dịch trong vòng 300 năm. Mỗi lần có trận dịch mới, có tới 20% đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở London tử vong.

 

Chú thích ảnh
Khung cảnh tại London trong trận Đại dịch hạch năm 1665 qua tranh vẽ. Ảnh: Getty

Đến đầu những năm 1500, Anh áp đặt các đạo luật đầu tiên để tách biệt và cách ly người bệnh. Những ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch hạch được đánh dấu bằng một bó cỏ khô buộc bên ngoài. Nếu một người đã lây cho các thành viên gia đình, người đó phải mang theo một cây sào trắng khi đi ra nơi công cộng. Mèo và chó được cho là mang mầm bệnh, vì vậy đã xảy ra một cuộc thảm sát hàng trăm ngàn động vật.

Đại dịch hạch năm 1665 là trận dịch cuối cùng và là trận dịch thảm khốc nhất, trong loạt trận dịch kéo dài hàng thế kỷ, giết chết khoảng 100.000 người London chỉ sau 7 tháng. Tất cả các hoạt động giải trí công cộng đều bị cấm và các nạn nhân buộc phải khóa cửa ở trong nhà để ngăn chặn dịch lây lan. Cửa mỗi ngôi nhà có người bệnh được sơn hình thánh giá màu đỏ cùng lời cầu xin: “Xin Chúa thương xót chúng con”.

Việc nhốt người bệnh trong nhà và chôn người chết trong những ngôi mộ tập thể là cách duy nhất để chấm dứt trận dịch hạch lớn cuối cùng này.

Dịch đậu mùa tàn phá châu Mỹ và sự ra đời của vaccine

Đậu mùa là bệnh đặc hữu của châu Âu, châu Á và thế giới Arab trong nhiều thế kỳ, một mối đe dọa dai dẳng thường giết chết 30% người nhiễm virus và để lại những vết sẹo lõm xấu xí trên da những người sống sót còn lại. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong ở các cựu lục địa không là gì so với sự tàn phá của dịch đậu mùa nhằm cư dân bản địa tại "Tân Lục địa" (Châu Mỹ) khivirus đậu mùa theo chân những nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên reo rắc tới đây vào thế kỷ 15.

 

Chú thích ảnh
Những nhà thám hiểm và chinh phạt châu Âu đã mang theo bệnh đậu mùa tới châu Mỹ.

Những bộ tộc người bản địa ở các vùng lãnh thổ nay là Mexico và Mỹ không có khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh đậu mùa, vì thế virus này đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng tại đây.

“Không một thảm kịch chết chóc nào trong lịch sử có thể so sánh với những gì xảy ra ở châu Mỹ khi 90-95% dân số bản địa bị xóa sổ trong vòng một thế kỷ”, Giáo sư lịch sử Mockaitis nói. “Mexico từ 11 triệu dân trước cuộc xâm chiếm, chỉ còn lại 1 triệu người”.

Hàng thế kỷ sau, bệnh đậu mùa đã trở thành đại dịch do virus đầu tiên được chấm dứt bằng vắc-xin.

Vào cuối thế kỷ 18, một bác sĩ người Anh tên Edward Jenner phát hiện ra rằng những người vắt sữa bò bị nhiễm một loại virus đậu mùa nhẹ hơn gọi là "đậu bò" (cowpox), và họ dường như miễn dịch với bệnh đậu mùa (smallpox). Những người vắt sữa bò sau khi mắc phải căn bệnh "đậu bò" thì tuyệt nhiên không bị bệnh đậu mùa nữa. Ông suy nghĩ là liệu có thể cho lây căn bệnh "đậu bò" sang người để phòng được bệnh đậu mùa hay không?

Chú thích ảnh
Tranh vẽ ông Jenner tiêm chủng thử nghiệm cho một cậu bé.

Đầu tiên, ông gặp một người phụ nữ chuyên làm nghề vắt sữa bò đang mắc bệnh "đậu bò", lấy các mủ ở mụn đậu, sau đó cấy lên trên cánh tay của một đứa bé khỏe mạnh. Sau một tuần mắc bệnh "đậu bò"thì đứa bé đã khỏi hoàn toàn. Một năm sau, ông thử cấy mủ đậu mùa vào đứa bé này thì cậu bé hoàn toàn không mắc bệnh. Từ đó, ông hoàn thành công nghệ chế tạo vắc-xin tiêm chủng của mình thành các công đoạn như sau: Đầu tiên, lấy ít vi trùng bệnh đậu mùa trên một con bò mắc bệnh. Tiếp theo, làm cho số vi trùng này yếu đi, rồi chích các vi trùng này vào máu người. Từ đó, những người được chủng ngừa sẽ không mắc phải bệnh đậu mùa nữa vì máu của họ đã có một yếu tố kháng bệnh.

 

“Quá trình tiêu diệt bệnh đậu mùa, tai họa đáng sợ nhất của loài người, phải là kết quả cuối cùng của thí nghiệm này”, Jenner viết năm 1801. Và ông đã đúng. Nhưng phải mất gần hai thế kỷ, vào năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới mới tuyên bố rằng bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ hoàn toàn khỏi Trái đất.

Dịch tả - Một chiến thắng về nghiên cứu y tế cộng đồng

Vào đầu đến giữa thế kỷ 19, dịch tả xé nát nước Anh, giết chết hàng chục ngàn người. Lý thuyết khoa học thịnh hành thời đó cho biết, căn bệnh này lây lan qua một loại khí hôi được gọi là miasma. Nhưng một bác sĩ người Anh tên John Snow nghi ngờ rằng căn bệnh bí ẩn, giết chết nạn nhân trong vài ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, đã ẩn nấp trong nguồn nước uống của thành London.

Chú thích ảnh
Bác sĩ John Snow đã phát hiện ra nguồn lây nhiễm của dịch tả ở London. Ảnh Getty Images

Snow đã hành động như một thám tử Sherlock Holmes khoa học, ông điều tra hồ sơ bệnh viện và báo cáo tại nhà xác để theo dõi vị trí chính xác của các ổ dịch chết người. Ông đã tạo ra một biểu đồ địa lý về các ca tử vong do dịch tả trong khoảng thời gian 10 ngày và tìm thấy một cụm 500 bệnh nhân tử vong xung quanh trạm bơm Broad Street, giếng nước nổi tiếng của thành phố.

“Ngay khi nắm rõ tình hình và mức độ bùng phát của dịch tả, tôi đã nghi ngờ về việc ô nhiễm nước từ giếng nước ở Phố Broad”, Snow viết.

 

Với nỗ lực kiên trì, Snow đã thuyết phục các quan chức địa phương loại bỏ tay cầm bơm ở giếng nước Phố Broad, khiến nó không sử dụng được, và giống như một phép màu, các ca lây nhiễm hết sạch.

Tất nhiên công việc của Snow không diệt được dịch tả sau một đêm, nhưng cuối cùng nó đã dẫn đến những nỗ lực toàn cầu để cải thiện vệ sinh đô thị và bảo vệ nguồn nước khỏi nhiễm bẩn.

Mặc dù dịch tả phần lớn đã bị tiêu diệt ở các nước phát triển, nhưng ngày nay nó vẫn là kẻ giết người dai dẳng ở các nước đang phát triển, nơi nước thải chưa được xử lý triệt để và việc tiếp cận nước sạch còn hạn chế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm