Alexander Kopaski - Điệp viên “độc nhất vô nhị”
Mối tình bí mật của Einstein với nữ điệp viên Liên Xô / Bí ẩn điệp viên hai giới tính, đến khi chết mới rõ
Những tài liệu được phát hiện và công bố cho thấy, Kopaski có thể là điệp viên phục vụ cho 4 cơ quan tình báo: Tình báo Xôviết, Đức phát xít, cơ quan tình báo trong quân đội của tướng Vlasov (còn gọi là Quân đội giải phóng nước Nga – thực chất là một đội quân ngụy do phát xít Đức dựng lên trong thời gian chiến tranh với Liên Xô) và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Cho đến bây giờ, vẫn chưa có một tài liệu thực sự tin cậy nào giúp xác định được rõ ràng, anh ta có phải là một điệp viên siêu hạng của KGB hay chỉ là kẻ gió chiều nào xoay chiều ấy…
Tay chơi có hạng
Alexander Kopaski bắt đầu rơi vào tầm ngắm của tình báo Mỹ vào đầu năm 1951. Khi đó, chi nhánh của CIA tại Tây Berlin đang tìm kiếm các điệp viên trong hàng ngũ những người Nga lưu vong.
Kopaski (trái) trước khi được tung vào hậu phương quân Đức. |
Với mục đích này, người Mỹ liên hệ với SBONR (gọi tắt của Liên minh đấu tranh giải phóng các dân tộc Nga), một tổ chức của những tên phản động Nga lưu vong được thành lập những năm 1947-1948 tại Tây Berlin. Trong số các ứng viên được giới lãnh đạo SBONR giới thiệu cho CIA có cả Kopaski.
Kopaski kể cho người Mỹ rằng, anh ta sinh năm 1924 tại Kiev, nhưng học tập và lớn lên tại Moscow. Sau khi chiến tranh bùng nổ, Kopaski được gửi vào học tại Trường đào tạo tình báo tại Novosibirsk và ra trường với quân hàm trung úy.
Tháng 10/1943, anh ta được tung vào vùng hậu phương quân Đức tại Ba Lan và ngay lập tức bị thương nặng và bị bắt. Tại bệnh viện, Kopaski đã đồng ý làm việc cho tình báo Đức phát xít. Nhiệm vụ cụ thể mà tình báo Đức giao cho anh ta trong giai đoạn này chưa được làm rõ, do tất cả các hồ sơ của mật vụ phát xít tại mặt trận phía Đông đã bị tiêu hủy.
Chỉ biết rằng đến cuối chiến tranh, Kopaski phục vụ trong quân đội của tướng Vlasov. Tháng 5/1945, anh ta bị quân Mỹ bắt giữ và đưa vào tạm giam tại trại tập trung cũ Dachau của phát xít. Đến năm 1946, Kopaski được lựa chọn vào làm việc cho “Tổ chức Gehlen” – cơ quan tình báo đầu tiên của Tây Đức do viên tướng phát xít Reihard Gehlen thành lập, tiền thân của BND (Cơ quan tình báo của CHLB Đức hiện nay).
Kopaski là một tay chơi với bề ngoài khá chải chuốt – quần áo giày tất luôn bóng lộn, uống rượu tốt và đặc biệt là khả năng “sát gái”. Ưu điểm cuối cùng này về sau lại chính là một chuyên môn trong đời hoạt động tình báo của Kopaski. Rời khỏi Cơ quan của Gehlen vào năm 1947, Kopaski chuyển sang làm việc cho một công ty tư nhân của Đức. Về sau người Mỹ mới điều tra ra được, Kopaski không phải tự ra đi, mà là bị đuổi vì tội giả mạo báo cáo gửi lên trên.
Năm 1948, Kopaski kết hôn với cô gái 23 tuổi người Đức Elenoir Stirner, người đã chết mê chết mệt anh ta ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau khi cưới, Kopaski mới thú nhận với vợ về việc mình đang làm việc cho CIA. Năm 1949, Kopaski được điều tới Berlin, hoạt động dưới cái tên mới là Frank Koivitz. Stirner dù không làm việc cho CIA, nhưng lại là người thường xuyên đánh máy các báo cáo cho chồng nên hiểu rất rõ công việc của Kopaski.
Chiến dịch “Redcap”
Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ đã rất lo lắng muốn biết, liệu Stalin có sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh qui mô lớn hay không.
Kết quả là CIA đã triển khai một chiến dịch qui mô toàn cầu có tên “Redcap” nhằm tăng cường tuyển mộ hay thúc đẩy các sĩ quan Xôviết đào ngũ, mở rộng khả năng khai thác thông tin về các chính sách và động tĩnh của Liên Xô. Để đạt được mục tiêu này, người Mỹ ưu tiên sử dụng trò “mỹ nhân kế” với lực lượng chủ yếu là những cô gái Đông Đức, đầu tiên là đội ngũ gái bán hoa.
Kopaski chính là người trực tiếp tham gia tuyển mộ những cô gái này. Cứ mỗi buổi chiều tối, anh ta lại ăn mặc bảnh bao, lang thang tại những chốn vui chơi ở Đông Berlin. Liên lạc viên Paul Garbler của Kopaski kể rằng, chỉ riêng tại một quán bar, “cậu nhóc” (tên lóng mà Garbler thường gọi Kopaski) đã có trong tay tới 12 nguồn tin – trong đó có 11 gái điếm và 1 nhạc công.
Nhưng Kopaski thật ra không có được những thành công đáng kể trong lĩnh vực công tác này. Các sĩ quan Xôviết thường có xu hướng tránh né các cô gái Đức, cũng như rất hoảng sợ khi nhận được lời đề nghị cộng tác với người Mỹ. Những quan hệ ngoài giá thú trong quân đội Xôviết khi đó thường bị kỷ luật rất nặng nề.
Chiến dịch thành công nhất của Kopaski chính là vụ nhử được trung tá Nikolay Svetlov chạy sang Tây Berlin – đã từng được mô tả trong cuốn sách “Battleground Berlin: CIA vs. KGB in the Cold War” của David Murphy và Sergei Kondrashev.
Để làm được điều này, Kopaski đã phải đích thân tới Karlshorst, tự nhận mình là anh họ cô người tình của tay trung tá, thông báo cô ta đã có chửa và dọa sẽ báo lên cấp trên. Sau những cuộc tranh cãi kéo dài, Svetlov cuối cùng đã đồng ý ngồi tàu điện ngầm, cùng Kopaski chạy sang Tây Berlin. Có điều CIA đã không khai thác được thông tin đáng kể nào từ tay trung tá, do anh ta chẳng có quan hệ gì với cơ quan tình báo.
Svetlov kiên quyết khước từ việc ở lại phương Tây, còn đến khi được cho trở về, anh ta đã lặn mất tăm. Một vài điệp vụ tiếp sau nữa của Kopaski cũng chẳng đem lại hiệu quả đáng kể nào. CIA bắt đầu tỏ ra chán ngán tay điệp viên tay chơi này và muốn ruồng rẫy anh ta.
Trong vòng vây nghi ngờ
Nhà Kopaski hoạt động tại Berlin trong vài năm rồi được điều tới Frankfurt, nơi cô vợ Stirner cũng được nhận vào làm việc cho CIA, chủ yếu là xem trộm các thư từ gửi tới Liên Xô và từ đây gửi đi. Thời gian này, cả hai làm việc cầm chừng, chỉ mong ngóng CIA giúp họ nhận được quốc tịch Mỹ.
Chứng minh nhân viên dân sự của quân đội Mỹ của Orlov (Kopaski) trong thời gian hoạt động tại Berlin. |
Cuối cùng đến tháng giêng năm 1961, cả nhà Kopaski cũng được cho về Mỹ, nơi anh ta từ trước đó được hứa hẹn sẽ có một công việc tại trụ sở CIA. Tuy nhiên khi đặt chân lên đất Mỹ, Kopaski chỉ nhận được cái ngoảnh mặt lạnh lùng của các quan chức CIA. Anh ta đành cay đắng nhận khoản tiền trợ cấp một lần 27 ngàn USD sau đó tìm được việc làm tài xế xe tải cho tờ Washington Post, chở báo vừa in đi giao ngay trong đêm với tiền lương vỏn vẹn 60 USD mỗi tuần.
Ngay cả chuyện nhận quốc tịch Mỹ đối với Kopaski cũng chỉ là “bánh vẽ”. Sau một vài năm sống chật vật, nhà Kopaski cuối cùng cũng gom được một ít tiền để mua trả góp một xưởng sản xuất khung tranh. Mọi chuyện có vẻ như đã an phận với Kopaski nếu như không có một bất ngờ xảy ra.
CIA vào thời gian đó đã ráo riết tìm kiếm một “con chuột chũi” trong hàng ngũ của mình từ ba năm qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ lời khai của thiếu tá KGB Anatoli Golisyn, kẻ trong một chuyến công tác tại Helsinki đã đào thoát sang phương Tây vào năm 1961.
Là một kẻ có trí nhớ khá đặc biệt, những thông tin mà Golisyn tiết lộ đã gây thiệt hại nặng nề cho tình báo Xôviết, điển hình là việc lộ tẩy hai điệp viên quan trọng là Kim Philby và Anthony Blunt. Tại CIA, Golisyn khẳng định về một nguồn tin quan trọng của KGB có mật danh “Sasha”, có họ bắt đầu bằng chữ K, và trước đó từng hoạt động tại Berlin.
Sau một thời gian điều tra, người Mỹ bắt đầu chú ý tới Kopaski vì nhiều chi tiết trùng hợp – anh ta có họ bắt đầu bằng chữ K, từng hoạt động tại Berlin.
Đến giữa năm 1964, CIA quyết định chuyển giao vụ Kopaski cho FBI điều tra. Kể từ thời điểm này, gia đình anh ta bị theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Dù không bị bắt giữ, nhưng nhà riêng của Kopaski bị bất ngờ khám xét giữa đêm khuya. Chưa kể, anh ta còn được yêu cầu phải kiểm tra qua máy phát hiện nói dối. Kể cả khi đã qua được thủ tục này, áp lực lên nhà Kopaski vẫn không hề thuyên giảm. Cứ vài ngày, các nhân viên FBI lại tới nhà xưởng của cô vợ Stirner, tra hỏi về đủ mọi chuyện.
Những gì đã diễn ra có vẻ như đã vượt quá sức chịu đựng của Kopaski. Tòa nhà của tờ Washington Post khi đó lại nằm kề lưng với đại sứ quán Liên Xô. Kopaski về kể với vợ rằng, sau một buổi đi đưa báo, anh ta đã cả liều trèo tường vào đại sứ quán xin cư trú chính trị và đã được chấp thuận.
Thậm chí cả hai bên đã lên kế hoạch cho một cuộc chạy trốn. Đến phút cuối, Kopaski đã quyết định từ bỏ kế hoạch này do vợ không chịu đi, cũng như FBI đã chính thức xin lỗi và xóa bỏ mọi nghi ngờ.
Giả thuyết không bao giờ được xác minh
Chỉ huy bộ phận phản gián của CIA là James Angleton trên thực tế vẫn tin tưởng vào những lời khai của Golisyn. Theo nhận định của ông ta, Kopaski đã được tung vào hậu phương quân Đức với nhiệm vụ chính là xâm nhập được vào bộ tham mưu của tướng Vlasov, và từ đó vẫn duy trì liên lạc với Moscow. Angleton vẫn kiên trì tìm kiếm những bằng chứng để lật tẩy Kopaski. Một trong những đầu mối mới đã được tìm ra vào tháng 3-1966.
Vào thời điểm đó, tay sĩ quan KGB Igor Kozlov nhân chuyến công tác tới Mỹ đã tìm cách móc nối đề nghị hợp tác với CIA. Kozlov khẳng định Kopaski (hay Orlov) là một điệp viên kỳ cựu của KGB, có điều lại không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Bản thân Kozlov về sau cũng bị CIA phát hiện đã lừa dối họ về nhiều thông tin liên quan đến công việc của anh ta. Đó là lý do khiến mọi nghi ngờ đối với Kopaski vẫn chỉ dừng lại ở chuyện giả thuyết.
Ngày 2/5/1982, Kopaski qua đời ở độ tuổi 60 vì căn bệnh ung thư. Lời trối trăng duy nhất trước khi chết của ông ta là yêu cầu vợ hỏa táng, đem bình tro của mình tới đại sứ quán Liên Xô để mang về chôn ở nước Nga. Bà vợ đã không làm theo di nguyện này vì không thể tin Kopaski làm việc cho tình báo Xôviết. Dù đã chết, nhưng vai trò thực sự của Kopaski vẫn là một chủ đề khiến FBI phải đau đầu.
Tháng 8/1985, tay sĩ quan KGB Vitali Yurchenko (trước đó đã từng hoạt động tại Washington) đã đào tẩu trong một chuyến công tác tại Roma. Tên này tiết lộ tên tuổi của 3 điệp viên Xôviết, trong đó có cả Kopaski (2 người còn lại đã bị người Mỹ bắt giữ và xét xử).
Theo lời Yurchenko, Kopaski không những hoạt động cho tình báo Xôviết, mà còn thuyết phục cả hai người con trai của mình cùng tham gia. Tuy nhiên đến tháng 11 năm đó, Yurchenko lại chạy trốn trở về Liên Xô và tuyên bố, anh ta bị CIA bắt cóc. Còn lại mấy người con trai của Kopaski sau đó đã liên tục bị FBI gọi đến thẩm vấn.
Năm 1999, học giả Christopher Andrew với sự hợp tác Vasili Mitrokhin đã cho xuất bản cuốn sách “Thanh gươm và lá chắn: Hồ sơ lưu trữ của Mitrokhin và lịch sử bí mật của KGB”, được viết chủ yếu dựa trên những tài liệu mật được sao chép của chuyên gia lưu trữ hồ sơ Mitrokhin tại KGB, trước khi nhân vật này chạy trốn sang phương Tây.
Một trong những bản báo cáo này cho biết, Kopaski vào năm 1949 đã từng gặp gỡ một phái đoàn quân sự Xôviết tại Baden-Baden (Đức), sau đó được đưa tới Đông Berlin, nơi anh ta lại thỏa thuận trở thành điệp viên của KGB. Theo chỉ thị của Bộ An ninh quốc gia, Kopaski phải nỗ lực giành được sự tin cậy của giới lãnh đạo SBORN để có thể dễ dàng phát triển về sau.
Chân tướng thực sự của Kopaski-Orlov cho tới giờ vẫn được coi là một bài toán hóc búa chưa có lời giải. Bất chấp việc đã tích cực điều tra trong suốt 15 năm, FBI đã không thể tìm ra bất cứ bằng chứng nào về tội danh của anh ta. Riêng ông trùm phản gián James Angleton của CIA vẫn tin chắc Kopaski là một điệp viên của Liên Xô cho đến những giờ phút cuối của đời mình.
Ngày 10/4/1987 (tức là chỉ một tháng trước khi qua đời), Angleton trong một bài trả lời phỏng vấn của tờ New York Times vẫn khăng khăng cho rằng Igor Orlov chính là điệp viên mật danh “Sasha” của Liên Xô. “Đó là một con người thiên tài” – Angleton đã phải thốt lên như vậy khi đánh giá về Kopaski.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?