Vụ trao đổi điệp viên với số lượng kỷ lục
Điệp viên Đông Đức 'chui sâu leo cao' khiến đối phương ngã ngửa / Bí ẩn điệp viên duy nhất được chôn ở nhà thờ Thánh Paul
Trước đó, cơ quan đặc vụ Mỹ đã tiến hành một kế hoạch “giăng bẫy” hết sức tinh vi, bằng cách cho một cộng sự viên của mình cải trang thành người gạ bán các bản vẽ chi tiết về một số loại vũ khí hạch tâm…
Điệp viên kỳ cựu P. Kostadinov được trao trả cùng với 3 điệp viên khác thuộc khối Xô viết, để đổi lấy 23 nhân viên tình báo của phương Tây bị bắt giữ tại các quốc gia thành viên Liên minh Quân sự Warsaw. Lịch sử chính thức ghi nhận sự kiện này, như là vụ trao đổi điệp viên với số lượng đông đảo nhất trong thời Chiến tranh Lạnh.
Mọi sự bắt đầu khi 2 người Mỹ là Jefri Seth, cố vấn luật của Chính phủ Mỹ và Richard Berkly, cán bộ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Đức xuất hiện trong văn phòng của luật sư Wolfgang Vogel (1925-2008) ở Đông Berlin.
Trạm gác biên phòng ở đầu cầu Glienicke phía Tây Berlin. |
W. Vogel vốn là người nổi danh với những kỳ tích tổ chức thành công các cuộc thương lượng, nhằm trao đổi tới 156 điệp viên từ 23 quốc gia khác nhau. Ông cũng là nhà trung gian chính trong 2 thập niên liền (từ 1964-1984), đã giúp Chính phủ Tây Đức “mua lại” 33.755 tù chính trị đang bị giam cầm tại Đông Đức.
Các vị khách đưa ra một bức thư ngắn, ghi: “Ngài Jefri Seth và ngài Richard Berkly được ủy quyền đến gặp luật sư đáng kính, trong cương vị ông là người thay mặt cho phía Cộng hòa Dân chủ Đức, để tiến hành thương lượng về việc trao đổi các điệp viên bị bắt, kể cả các gián điệp thuộc về nước thứ 3 - nhất là các nhân viên tình báo Xôviết thượng hạng”.
Sau hơn 3 năm “mặc cả” gian nan, cuối cùng phía Mỹ đồng ý trả tự do cho 4 điệp viên của khối Xô viết, đổi lấy 23 người là điệp viên hoặc bị tình nghi là gián điệp của phương Tây đang bị phía Đông Âu giam giữ.
Sau khi trao đổi với các đại diện của Ban lãnh đạo Cơ quan Tình báo Đông Đức (Stasi), luật sư W. Vogel đã viết thư cho cố vấn J. Seth, thông báo rằng Stasi quan tâm tới trường hợp của Marian Zacharski mang quốc tịch Ba Lan, Giám đốc Công ty Liên doanh Ba Lan - Hoa Kỳ Polamco, bị bắt dạo tháng 6/1981 ở ngoại vi thành phố Los Angeles (tiểu bang California, Mỹ) vì tội làm gián điệp, rồi bị kết án ở mức cao nhất là chung thân truất quyền ân giảm.
Washington liền phúc đáp ngay tức thì, là đồng ý thả M. Zacharski cộng với một điệp viên “cộm cán” nữa, nhưng đòi đổi lại phải thả 7 người của phía Mỹ theo danh sách đi kèm.
Đứng đầu danh sách là Anatoly Shcharansky, cựu cán bộ ngoại giao cao cấp Liên Xô cũng là nhà bất đồng chính kiến bị Washington mua chuộc làm gián điệp, đã bị chính quyền Xôviết kết án tử hình. Nhưng Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) cho rằng việc thả A. Shcharansky là một sự nhân nhượng quá mức, khiến tiến trình thương lượng bất ngờ bị gián đoạn…
Sau rốt Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chịu “xuống thang”, chỉ nêu yêu cầu muốn biết nếu như A. Shcharansky không được trao đổi, thì phải chăng ông ta vẫn còn sống? Không có sự phúc đáp thỏa đáng chính thức nào từ Moscow, về số phận của nhân vật nội gián cực kỳ nguy hiểm này.
“1 đổi 5 - đó là sự nhân nhượng cuối cùng. Nhưng tất cả 7 người trong danh sách trước đó do các ngài đưa ra, đều không có tên trong chương trình trao trả đâu”, luật sư trung gian W. Vogel nhấn mạnh qua bức thư gửi cho cố vấn J. Seth. Tới cuối tháng 9/1983, các cuộc thương lượng đột nhiên phát triển theo chiều hướng thuận lợi. Nguyên nhân là điệp viên kỳ cựu người Bulgaria P. Kostadinov vừa bị bắt quả tang.
Nếu Stasi yêu cầu, Washington sẵn sàng thả điệp viên này ngay. Về phía Stasi cũng muốn tiến trình trao đổi được xúc tiến càng nhanh càng tốt, bởi nhà vật lý cự phách người Đông Đức Alfred Zehe, sĩ quan chìm của Stasi bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt vào ngày 3/11/1983, khi ông vừa đặt chân xuống sân bay La Guardia ở New York để tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Chân không Hoa Kỳ tại Boston (tiểu bang Massachusetts), rồi bị Tòa án Mỹ kết án 8 năm tù.
Đích thân lãnh tụ Đông Đức Erich Honecker (1912-1994) lúc sinh thời đã chỉ thị: “Cá nhân tôi muốn thấy A. Zehe trong danh sách những người được trao đổi”. Washington nhân cơ hội này lại nêu ra yêu sách: “Nếu thiếu A. Shcharansky đang bị Moscow giam giữ, thì cả A. Zehe, cũng như P. Kostadinov sẽ không được thả ra đâu!”…
Để xoa dịu phía Mỹ, Stasi đưa ra danh sách 23 người khác đang bị khối Đông Âu giam cầm, đương nhiên là không có A. Shcharansky vì KGB không chịu thả. CIA liền đồng ý.
Mọi việc được thu xếp nhanh chóng. Đến ngày 10/6/1985, luật sư W. Vogel có cuộc gặp với một nhà ngoại giao Mỹ cao cấp là ông Richard Burt, đương kim đại sứ Mỹ ở Tây Đức. Cuộc gặp đi đến thống nhất địa điểm trao trả, chính là chiếc cầu Glienicke nổi tiếng trên sông Havel nằm giữa ranh giới hai nhà nước Đức.
Tới trưa ngày 11/6/1985 mọi chuyện đều trôi chảy, khi cả đại sứ R. Burt và luật sư W. Vogel cùng hiện diện tại chân cầu. Trước đó luật sư W. Vogel đã đến sân bay Tempelhof ở Tây Berlin, hòng kiểm tra xem 4 điệp viên của phương Đông đã có mặt đầy đủ chưa. Còn R. Burt đi về phía đối diện bên kia cầu thuộc tỉnh Postdam của Đông Đức, nhằm điểm danh 23 điệp viên của CIA gồm 6 người Ba Lan, 1 người Áo và 16 người Đức đang đợi được trao đổi….
Sau ít phút, một chiếc xe bus sơn 3 màu vàng, đen và nâu từ phía Tây Đức tiến tới, trên xe chở A. Zehe, P. Kostadinov, M. Zacharski và một phụ nữ “lạ hoắc”. Đó là bà Alice Michelson người Đông Đức, 68 tuổi, nhân viên liên lạc của KGB bị bắt tại Mỹ dạo đầu năm 1984.
Đúng 13 giờ ngày 11/6/1985 theo giờ địa phương, nghĩa là sớm hơn dự định cả 5 tiếng đồng hồ, 2 nhóm điệp viên tổng cộng là 27 người được trao trả lần lượt băng qua các trạm gác biên phòng ở hai đầu cầu Glienicke, đi vào lịch sử như là vụ trao đổi điệp viên với số lượng đông đảo nhất trong thời Chiến tranh Lạnh.
Riêng trường hợp của A. Shcharansky vẫn chưa bị hành quyết theo mức án đã tuyên, mà được trao trả vào ngày 11/2/1986 theo lệnh của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev, rồi được định cư ở Israel trên danh nghĩa “tị nạn chính trị” với danh xưng mới là Natan Sharansky.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Trong 'Tây Du Ký', con quái vật duy nhất đã hơn một lần ăn thịt Đường Tăng, bạn có biết đó là ai không?