Alexander Korotkov - “Ông vua” của các điệp viên
Giá đắt phải trả của điệp viên “ăn cơm nhà thờ ma hàng xóm” / Violette Szabo, nữ điệp viên ưu tú của SOE trên đất Pháp
Dù đã phải trải qua nhiều thăng trầm với những lần bị vu khống, nhưng ông đã vinh dự được tặng huân chương Cờ đỏ cao quý tới… 6 lần. Ông chính là Alexander Korotkov, người được mệnh danh là “ông vua” của các điệp viên…
Những khóa học sinh tồn
Alexander Korotkov sinh ngày 22/11/1909 tại Moscow. Do gia đình lâm vào cảnh bần cùng sau nội chiến, Korotkov ngay từ nhỏ đã bị gửi vào trại trẻ mồ côi.
Bất chấp những khó khăn như vậy, cậu vẫn tốt nghiệp phổ thông, thậm chí còn mơ ước thi vào khoa vật lý của Trường đại học Tổng hợp Moscow. Tuy nhiên, hoàn cảnh đã bắt cậu phải trở thành học trò của một người thợ điện.
Vừa đi làm, Korotkov vừa tham gia chơi bóng đá và quần vợt tại Hội thể thao Dinamo, làm bạn tập với những cán bộ an ninh nổi tiếng tại đây. Như một sự tình cờ của số phận, vào một ngày mùa thu năm 1928, Veniamin Gerson – trợ lý của Chủ tịch Tổng cục Chính trị đặc biệt (OGPU) thuộc NKVD, cơ quan tiền thân của KGB – đã đề nghị Korotkov vào làm việc tại cơ quan an ninh quốc gia. Thế là Korotkov trở thành nhân viên về điện cơ tại Ban Kinh tế của OGPU.
Alexander Korotkov. |
Vào thời kỳ đó, tấm bằng phổ thông vẫn được coi là có học thức tương đối cao. Chỉ một năm sau, người thợ điện cơ thu hút được sự chú ý của giới lãnh đạo cơ quan an ninh này. Anh được nhận vào làm thư ký tại Ban Nước ngoài, một bộ phận uy tín nhất của OGPU, khi đó đang đảm trách hoạt động tình báo đối ngoại. Đến năm 1930, Korotkov chính thức được lựa chọn đào tạo chuẩn bị cho hoạt động tình báo tại nước ngoài.
Điệp viên học việc phải cùng lúc học đến hai thứ tiếng là Đức và Pháp. Song song với kỹ năng nghe nói ngoại ngữ, Korotkov còn được hướng dẫn nhiều chi tiết cụ thể về văn hóa của hai quốc gia này để không thể bị lộ khi vào vai các công dân bản địa.
Ngoài ra, ông tất nhiên còn được học về các kỹ năng hoạt động tình báo: cách cắt đuôi khi bị theo dõi, khả năng chuyển đổi các phương tiện vận tải chỉ trong chớp mắt, cách sử dụng rạp chiếu bóng và thư viện làm địa điểm chuyển nhận tài liệu…
Sau khi tốt nghiệp các lớp được giới điệp viên mệnh danh là “những khóa học sinh tồn”, Krotkov được bố trí vào bộ phận tình báo bí mật, trước khi có chuyến công tác đầu tiên tới Paris vào năm 1933. Để có thể tới được thủ đô nước Pháp, Korotkov đã phải có thời gian hợp thức trung gian tại Áo.
Ông còn tham gia thêm vào khóa học 3 tháng về tiếng Đức tại Đại học Tổng hợp Vienna. Sau đó, với hộ chiếu công dân Áo mang tên Grizmek Roschenetzcky, Korotkov đặt chân tới Paris, ghi tên vào học khóa đầu tiên của Trường Kỹ thuật vô tuyến điện. Từ thời điểm này, Korotkov với mật danh “Long” đã hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của điệp viên Lev Feldbin.
Tại Paris, “Long” đã tuyển mộ được một nhân viên của Vụ số 2 (Phụ trách về tình báo và phản gián quân sự) của Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp. Korotkov còn tham gia vào chiến dịch tiêu diệt Agabekov, một điệp viên Xôviết đã phản bội chạy sang phương Tây, khi đó đang tham gia trực tiếp vào các kế hoạch nhằm lật đổ chính quyền Xôviết.
Hoạt động tích cực của điệp viên “Long” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cơ quan phản gián Pháp, khiến ông vào cuối năm 1935 buộc phải quay trở lại Moscow.
Đến tháng Giêng năm 1936, Korotkov lại được điều sang hoạt động tại Đức, tham gia vào việc khai thác những mẫu vũ khí hiện đại nhất của quân đội phát xít. Tháng 12/1937, Korotkov với mật danh mới là “Stepanov” lại được cử sang Pháp tiếp tục hoạt động. Cho đến cuối năm 1938, ông đã tuyển mộ thêm được những nguồn tin có giá trị tại văn phòng tổng thống và các bộ quan trọng chiến lược khác của chính quyền Pháp.
Thăng trầm
Tuy nhiên, Korotkov đã gặp phải rắc rối ngay lần trở về Moscow đó. Ông được lệnh lên gặp trực tiếp Lavrentiy Beria, quan chức đứng đầu Cơ quan an ninh Xôviết khi đó và nhận được quyết định bị sa thải với lý do… bị Gestapo (Cơ quan mật vụ Đức phát xít) tuyển mộ.
Cho tới giờ vẫn tồn tại nhiều giả thuyết xung quanh quyết định trên của Beria. Rất có thể Korotkov đã từng được giới thiệu bởi Gerson, người khi đó đã bị tuyên bố là kẻ thù của nhân dân và bị xử bắn. Cũng không loại trừ việc Korotkov hoạt động tại Paris dưới sự điều hành của điệp viên Feldbin, người đã lo ngại bị thanh trừng nên từ chối về Moscow để chạy sang Mỹ định cư.
Dù sao 3 tấm huy chương Cờ đỏ nhận được trước đó cùng với những nhận xét tốt từ các chỉ huy trực tiếp đã cứu cho Korotkov không bị xử bắn, mà chỉ bị đuổi khỏi cơ quan an ninh.
Từ trái sang: Marcus Wolf, Erich Mielke – hai nhà lãnh đạo tình báo hàng đầu của CHDC Đức và Korotkov. |
Không chấp nhận với phán quyết trên, Korotkov đã có một hành động chưa từng có vào thời điểm đó: Viết một báo cáo gửi trực tiếp cho Beria đề nghị xem xét lại quyết định sa thải của mình. Với sự ủng hộ của nhiều nhân viên cơ quan tình báo đối ngoại, Korotkov đã được Beria trực tiếp gọi lên nói chuyện, sau đó được khôi phục danh dự cùng với quyết định quay trở lại làm việc.
Thời điểm đầu năm 1939 khi đó, tình báo Xôviết đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn. Các mạng lưới thu thập thông tin ở nước ngoài gần như bị xóa sổ hay đình trệ do bị thanh trừng, nhiều chi nhánh chỉ còn từ 1 tới 2 điệp viên mật.
Trong bối cảnh đó, Trung úy an ninh quốc gia Korotkov với mật danh “Erdberg” được điều sang Tây Âu để khôi phục lại mạng lưới tình báo tại đây. Đến năm 1940, Korotkov đặt chân tới Đức cùng cô vợ Maria Velkovyssky, khi đó cũng là một nữ điệp viên.
Kết quả là hai vợ chồng nhà Korotkov đã thành công trong việc khôi phục lại liên lạc với một loạt các điệp viên giá trị: trong đó có điệp viên mang mật danh Corsican - tên thật là Arvid Harnack, cố vấn trong Bộ Kinh tế của phát xít Đức, điệp viên Starshina – tên thật là Harro Schulze-Boysen, Trung úy không quân, từng phục vụ trong ban 5 siêu bí mật của Bộ Tổng tham mưu Đức, ngay bên cạnh Hermann Goring.
Korotkov đã cung cấp cho cả hai những chiếc máy vô tuyến điện để họ có thể trực tiếp gửi thông tin về Moscow. Về sau, cả hai điệp viên quí giá trên đều là những lãnh đạo của phong trào chống phát xít bí mật “Kapella đỏ” hoạt động tại một loạt các quốc gia bị Hitler chiếm đóng.
Ngày 17/6/1941, trụ sở Cơ quan tình báo Xôviết tại Moscow nhận được một bức điện đặc biệt từ Korotkov, có nội dung tổng hợp trên cơ sở những thông tin do Corsican và Starshina cung cấp: “Tất cả những hành động chuẩn bị về quân sự của Đức nhằm tấn công vũ trang chống Liên Xô đã hoàn tất, và đòn tấn công có thể được triển khai bất cứ thời điểm nào”.
Tiếp tục những chiến công
Đến cuối năm 1941, nỗ lực tham gia trực tiếp của Korotkov đã giúp thành lập một trường tình báo đặc biệt chuyên đào tạo các điệp viên bí mật để tung vào hậu phương của quân Đức.
Trong thời gian này, ông vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, vừa tiếp tục những hoạt động nghiệp vụ để khai thác thông tin. Không hiếm khi, Korotkov còn phải trực tiếp ra mặt trận. Thậm chí ông còn giả dạng một trung úy phát xít bị bắt để thâm nhập vào trại giam tù binh Đức, nhờ đó đã khai thác được nhiều thông tin có giá trị.
Vợ chồng Korotkov trong một chuyến công tác nước ngoài. |
Tháng 11/1943, Korotkov được điều tới Tehran để tham gia vào công tác đảm bảo an ninh, ngăn chặn âm mưu ám sát của Hitler trong cuộc gặp thượng đỉnh các nguyên thủ Stalin-Roosevelt-Churchill của phe Đồng minh. Cũng trong năm này, ông có mặt tại Afghanistan để phối hợp với người Anh xóa sổ một mạng lưới tình báo của phát xít Đức, khi đó đang âm mưu tổ chức đảo chính nhằm dựng lên một chính quyền thân phát xít tại đây, qua đó đưa nước này tham gia vào cuộc chiến chống Liên Xô.
Năm 1946, Korotkov được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy Cơ quan tình báo đối ngoại, đồng thời đứng đầu Cục đào tạo điệp viên mật. Cũng trên cương vị này, ông đã ra lệnh ngừng điều tra đối với chỉ huy cũ Feldbin, người đã chạy sang Mỹ do lo ngại bị thanh trừng, nhưng tuyệt nhiên không khai báo gì gây bất lợi cho tình báo Xôviết.
Đến năm 1957, Thiếu tướng Korotkov trở thành đại diện toàn quyền của KGB tại Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức. Vào thời điểm này, Cơ quan tình báo Tây Đức BND lợi dụng việc mua đồ gỗ cho cơ quan đại diện đã tìm cách cài thiết bị nghe trộm vào văn phòng của Korotkov.
Âm mưu này đã được phát hiện nhờ Heinz Felfe, một điệp viên đặc biệt giá trị, khi đó đang điều hành một bộ phận trong cơ quan phản gián của BND. Nhờ mối quan hệ thân cận của Korotkov với Felfe, KGB trong suốt 3 năm liền đã lợi dụng thiết bị nghe trộm trên để cung cấp cho BND và các cơ quan mật vụ NATO nhiều thông tin giả. Nguồn tin Heinz Felfe trong BND về sau được đánh giá có ý nghĩa quan trọng chẳng khác gì Kim Philby trong cơ quan tình báo của Anh.
Cái chết bất ngờ
Tháng 6/1961, khoảng 2 tháng rưỡi trước khi bức tường Berlin được xây dựng, Korotkov được triệu tập về Moscow tham dự một cuộc họp của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Liên Xô, trong đó ông phải có báo cáo đánh giá về tình hình tại CHDC Đức. Sau cuộc họp, Korotkov cùng bạn bè đi chơi quần vợt. Ông bất ngờ cảm thấy đau nhói ở vùng ngực, sau đó bị ngất đi. Bác sĩ có mặt ngay sau đó đã xác nhận, Korotkov đã chết vì đột quỵ Vào thời điểm đó, vị tướng tài ba của tình báo Xôviết chỉ chưa đầy 52 tuổi.
Tuy nhiên, tên tuổi của vị thiếu tướng tình báo được đồng nghiệp mệnh danh là “Ông Vua” của các điệp viên chỉ được công chúng biết đến rộng rãi vào năm 1997. Đó là chưa kể còn rất nhiều chiến dịch khác do ông tham gia hiện vẫn chưa được giải mật theo qui định.
Tài năng của Korotkov đã nhận được sự đánh giá rất cao của đồng nghiệp cùng với hàng loạt những phần thưởng của nhà nước.
Cụ thể là nhờ những công lao trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, Korotkov đã được tặng thưởng Huân chương Lênin, 6 Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng Nhất, cùng rất nhiều huy chương và phần thưởng của nhiều quốc gia khác. Alexander Korotkov được chôn cất tại nghĩa trang Novodevich ở Moscow.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ
Điều gì sẽ xảy ra nếu phi hành gia đi tè trên mặt trăng? Hậu quả vô cùng kinh khủng