Người Aurignacian đã di cư từ Đông Phi vào châu Âu trong thời kỳ đồ đá cũ. Đây là lần đầu tiên người hiện đại [xét về phương diện giải phẫu học] đã rời châu Phi để tới định cư ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Họ trở thành một phần của nhóm người châu Âu thời kỳ đầu gọi là Cro-Magnons, tồn tại từ 48.000 đến 10.000 năm trước. Giới khoa học ước tính rằng quần thể Cro-Magnons bao gồm khoảng 1.700 người đến 29.000 người.
Sau khi di cư ra khỏi châu Phi và lan rộng khắp châu Âu, người Aurignacian đã trải qua ba giai đoạn phát triển: Aurignacian sớm, Aurignacian giữa, và Aurignacian muộn. Thông qua tác phẩm nghệ thuật tượng hình của họ, chúng ta có thể hiểu thêm về suy nghĩ của những người châu Âu sớm nhất trong lịch sử.
Một trong những di chỉ nổi tiếng nhất về người Aurignacian tại châu Âu là hang động Aurignac ở phía Tây Nam nước Pháp. Hang động này được khai quật nhiều lần kể từ cuối thập niên 1800 và Pháp đã công nhận đây là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1921.
Các bằng chứng khảo cổ về hàng trăm công cụ và sản phẩm thủ công cho thấy người Aurignacian đã biết cách chế tạo công cụ mới để làm việc, thậm chí họ có thể đã trao đổi hoặc chia sẻ các công cụ với nhau. Công cụ của họ chủ yếu được làm từ những vật liệu phổ biến như đá, gạc (hươu, nai), xương động vật – ví dụ như kim, dao cạo, rìu, và các dụng cụ cầm tay khác.
Ngoài việc sử dụng những công cụ này để sinh tồn, người Aurignacian cũng dùng chúng vào mục đích tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ đầu như hình chạm khắc và hình vẽ. Họ sáng tạo ra một công cụ đá gọi là Burin để chạm khắc gỗ, xương và gạc. Vào thập niên 1900 và đầu những năm 2000, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số tác phẩm chạm khắc trên ngà voi của người Aurignacian có niên đại cách đây khoảng 33.000 năm tại châu Âu. Các nét chạm khắc mô tả nhiều hình dạng, chẳng hạn như voi ma mút, ngựa, sư tử. Đây là bằng chứng cho thấy người Aurignacian có khả năng tạo ra tác phẩm nghệ thuật theo chủ đề và hoa văn riêng biệt, thay vì các nét vẽ tùy ý.
Ngoài hình chạm khắc trên ngà voi, người Aurignacian cũng là tác giả của vô số tác phẩm trên những viên đá cuội. Trong vài năm gần đây, các nhà khảo cổ thậm chí đã phát hiện thêm những tác phẩm điêu khắc làm từ đất sét tự nhiên của người Aurignacian với chủ đề chính là hình động vật và phụ nữ mang thai.
Các bức tượng đất sét nhỏ mô tả phụ nữ mang thai thường được gọi là tượng thần Vệ nữ. Điều đặc biệt trên những bước tượng này là phần hông, bụng và ngực mở rộng, tượng trưng cho khả năng sinh sản. Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể xác định người Aurignacian tạo ra tượng thần Vệ nữ nhằm mục đích thờ cúng hay chỉ đơn giản là cầu may.
Một số đồ thủ công khác của người Aurignacian có thể kể đến như mặt dây chuyền, vòng tay và chuỗi hạt bằng ngà voi. Khía cạnh đáng chú ý nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật của người Aurignacian là họ luôn mong muốn làm cho chúng có thể vận chuyển được, dưới dạng đồ trang sức hoặc những bức tượng nhỏ.
Nhờ khả năng sử dụng công cụ và đôi bàn tay khéo léo, người Aurignacian đã chế tạo một trong những nhạc cụ sớm nhất trong lịch sử. Trong quá trình khai quật nhiều di chỉ khảo cổ ở châu Âu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những cây sáo làm bằng xương động vật. Cây sáo xương cổ nhất có niên đại khoảng 35.000 năm tuổi được tìm thấy ở Đức vào năm 2008. Người Aurignacian đã đục đẽo và chạm khắc nó từ xương cánh của một con kền kền với năm lỗ khoan nhỏ để tạo ra các âm thanh khác nhau.
Những bức tranh vẽ trong hang động của người Aurignacian không phổ biến giống như các tác phẩm điêu khắc và chạm khắc.
Tại hang Chauvet ở Pháp, người ta đã phát hiện những bức vẽ bằng than có tuổi đời ít nhất 36.000 năm. Người Aurignacian cũng sử dụng các bộ phận cơ thể để tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Họ thường đặt tay lên đá và vẽ bằng sắc tố đỏ xung quanh viền bàn tay, hoặc bôi chất màu lên tay trước khi in dấu lên các bức tường trong hang động.
Năm 1994, hai nhà khảo cổ học Jean Clottes và David Lewis-Williams đã tiến hành khảo sát hang Chauvet, sau đó xuất bản một cuốn sách vào năm 1996 nhằm đưa ra những kiến giải của họ về nghệ thuật hang động của người Aurignacian. Trong đó, Clottes và Lewis-Williams đã thảo luận về mục đích của những tác phẩm nghệ thuật, thứ mà họ cho rằng mang ý nghĩa tâm linh hoặc một phần của nghi lễ tôn giáo nào đó.
Những bàn tay vẽ trên khắp hang động có thể là nỗ lực của người xưa nhằm triệu hồi các linh hồn hoặc vị thần ra khỏi tảng đá, hoặc có lẽ là một cách để giao tiếp với họ. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn đang gây ra những tranh cãi trong giới khảo cổ học.
Clottes và Lewis-Williams cũng phát hiện một điều khá thú vị, đó là số lượng các bức vẽ động vật trong hang (tê giác, gấu, bò rừng, sư tử,…) nhiều hơn đáng kể so với các bức tranh vẽ người. Một số bức tranh có nét vẽ tương tự nhau. Chúng có thể là tác phẩm của cùng một nghệ sĩ hoặc là một mẫu tranh phổ biến được nhiều người Aurignacian áp dụng vào thời điểm đó.
Ngoài ra, sư tử thường được vẽ nhân cách hóa hơn các loài khác. Nhiều khả năng những người Aurignacian thời kỳ đầu coi sư tử là loài động vật có thứ bậc cao hơn, tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực.
Các cuộc khai quật khảo cổ mới trong tương lai có thể phát hiện thêm nhiều tác phẩm nghệ thuật của người Aurignacia. Qua đó, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết về nền văn hóa của những người châu Âu đầu tiên. Chúng ta cũng phác họa được một bức tranh rõ ràng hơn về lịch sử nghệ thuật, và quá trình các phong cách nghệ thuật khác nhau đã lan truyền và phát triển theo thời gian.
Theo Quốc Hùng/Khoa học & Phát triển