Khám phá

Ba đầu lĩnh… đáng khinh thường nhất Lương Sơn Bạc

Dưới lá cờ “Thế Thiên hành đạo” của Lương Sơn Bạc, có mấy người thực sự là chân hảo hán anh hùng? Mỗi người trong chúng ta, những độc giả của Thủy Hử sẽ có kiến giải cho riêng mình. Nhưng ít nhất, 3 nhân vật dưới đây không hề xứng đáng được coi là hảo hán, bởi những việc họ làm thực sự đáng khinh thường….

Những “cựu thù” bằng mặt không bằng lòng trên Lương Sơn Bạc / Mê tung quyền vang danh thiên hạ nhờ vị anh hùng Lương Sơn bạc này

Vương Anh: Vì gái đẹp sẵn sàng “đổ máu” với huynh đệ

Vương Anh là đầu lĩnh thứ 58 Lương Sơn Bạc, được sao Địa Vi Tinh chiếu mệnh. Vương Anh vóc người lùn, thô nhưng lại cực kỳ nhanh nhẹn và khá giỏi võ nghệ, có biệt hiệu là Nuỵ Cước Hổ (Hổ chân ngắn). Dù bản lĩnh không tầm thường, Vương Anh lại có một tật khó sửa là háo sắc.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 1

Ba đầu lĩnh không xứng danh hảo hán của Lương Sơn Bạc.

Vương Anh nguyên làm nghề phu xe, nhưng bị lưu manh bức hại, đánh nhau và vô tình giết người. Quan phủ xét Vương Anh chỉ ngộ sát nên chỉ bị tù giam. Hết hạn tù, Vương Anh bỏ nghề và lên núi làm cướp, sau nhập đảng với bọn Yến Thuận, Trịnh Thiên Thọ chiếm giữ núi Thanh Phong.

Trong dịp Tốn Giang lưu lại núi Thanh Phong, thì có chuyện vợ của Lưu Cao - quan văn tri trại đồng liêu của Hoa Vinh trong một chuyến đi lên núi viếng mộ mẹ đã bị bọn Vương Anh bắt gặp. Thấy Lưu phu nhân xinh đẹp, Vương Anh bắt nàng ta về trại Thanh Phong định cưới làm áp trại phu nhân. Tống Giang biết chuyện bèn khuyên nhủ Vương Anh thả bà. Vương Anh dù ấm ức nhưng cũng phải đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà chiều theo ý họ Tống.

“Bấy giờ Vương Nụy Hổ vừa buồn vừa thẹn không nói năng một câu gì. Tống Giang liền dắt ra ngoài sảnh mà khuyên rằng: - Hiền đệ không nên để bụng làm chi, sau dẫu thế nào tôi cũng xin vì hiền đệ tìm được một chỗ nhân duyên cho xứng đáng; không khi nào tôi dám sai lời…. Vương Nụy Hổ bị Tống Giang bó buộc lễ nghĩa như vậy, tuy trong lòng hơi khó chịu, song cũng không hề dám ra miệng, đành phải gượng cười mà cùng nhau uống rượu”.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 2

Nụy Cước Hổ Vương Anh vừa xấu người lại xấu nết.

 

Nhưng nếu chỉ khó chịu ấm ức vì chuyện này thì Vương Anh dù háo sắc nhưng cũng không đến nỗi nào. Những gì “Hổ chân ngắn” thể hiện ở cuối hồi 34 mới cho thấy bản chất thực sự của chàng ta. Đấy là khi bọn Tống Giang, Hoa Vinh đã thu phục được Tần Minh, Hoàng Tín, dẹp xong trại Thanh Phong, giết chết Lưu Cao còn Vương Anh thì cũng đã nhanh tay bắt và đem dấu Lưu thị vào trong tư phòng.

Yến Thuận theo lời Tống Giang bảo Vương Anh đưa Lưu thị ra để “hỏi chuyện”. Nhưng khi nàng ta khóc lóc van xin thì bị Tống Giang quát vào mặt thế này: “Giống gian dâm này, còn nỉ non về nỗi gì nữa? Ta nghĩ mầy là một người vợ con nhà quan, nên mới cứu cho thoát nạn, ai ngờ mầy đem lòng tàn ác, mà toan hại ta. Đồ vong ân bội nghĩa, thì trời đất nào dung thứ được!”

Ngay lúc ấy, Yến Thuận đứng phắt dậy, rút dao lưng ra, chém cho chị chàng một nhát ngã gục. Vương Nụy Hổ thấy vậy, trong lòng lấy làm tức giận vô cùng, liền vớ một thanh dao, toan đánh nhau với Yến Thuận. Phải đến khi các huynh đệ nhất mực khuyên can còn Tống Giang hứa sẽ tìm cho một “mối” khác như ý, Vương Anh mới hạ dao.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 3

Vì háo sắc, Vương Anh sẵn sàng múa đao vung kiếm mà “đổ máu” với huynh đệ.

 

Nhưng chi tiết này cho thấy, Vương Anh là kẻ có thể vì một chút nhan sắc đàn bà, bất kể đó là loại đàn bà xấu xa độc ác như Lưu thị mà sẵn sàng vung đao chém giết anh em. “Nụy cước hổ” dù không gây ra hậu quả gì đáng kể nhưng con người của gã đúng là chẳng có chút gì gọi là anh hùng hảo hán cả.

Thang Long: Hại anh họ để tiến thân

Thang Long, ngoại hiệu Kim tiền báo tử, là đầu lĩnh thứ 88 Lương Sơn Bạc, được sao Địa Cô Tinh chiếu mệnh. Thang Long xuất thân là thợ rèn, được truyền nghề từ cha mình. Cha Long một lần gặp Lão Trung Kinh Lược, được đề cử làm quan ở phủ Diên An, đương chức được vài năm thì mất. Thang Long tính mê cờ bạc, sau khi cha mất, lưu lạc giang hồ, làm nghề thợ rèn kiếm ăn.

Thang Long hiện ra với hình ảnh oai hùng, ở hồi 53, khi Lý Quỳ đi mua bánh chay cho Công Tôn Thắng nhìn thấy chàng ta cầm hai cây chuỳ sắt, mỗi bên nặng chừng 30 cân múa may thiện nghệ rồi đánh trúng hòn đá vỡ nát. Sau đó là màn biểu diễn của Lý Quỳ, đôi bên mến tài nhau, kết nghĩa huynh đệ rồi theo cùng lên Lương Sơn.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 4

Kim tiền báo tử Thang Long.

 

Nhưng lần thứ hai xuất hiện của Thang Long, ở hồi 55, khi chàng ta giới thiệu Kim Sang thủ Từ Ninh, đệ nhất Câu Liêm thương – giáo đầu Đông Kinh, với Tống Giang người có thể giúp nghĩa quân Lương Sơn phá tan trận Liên hoàn giáp mã của Hô Diên Chước, thì bản chất thật sự của nhân vật này mới bắt đầu bộc lộ.

Không còn là anh hùng trượng nghĩa nữa mà là một Thang Long, mượn việc công để trả thù riêng, thuận đường tiến thân. Thang Long từ nhiều năm qua hận người anh họ Từ Ninh, quan cao bổng hậu nhưng khi cha chàng (tức chú Từ Ninh) mất cũng không đến chịu tạng, rồi sau đó cũng chẳng buồn thèm ngó ngàng đến mình vốn phải lang bạt kiếm ăn nơi đầu đường xó chợ. Thang Long vốn cũng có nỗi ẩn ức ghen tị với họ Từ khi tất cả những gì tốt đẹp nhất, giỏi giang nhất rơi cả vào người anh.

Thế là một tay Thang Long bày ra đủ các lớp lang mưu kế để từng bước lừa Từ Ninh phải đến Lương Sơn, trở thành giặc cỏ… như mình. Từ việc trộm bảo giáp của Từ Ninh (Thời Thiên thực hiện), rồi xuất hiện tại phủ của Từ Ninh “dẫn dắt” người anh họ của mình đến gần sát Lương Sơn, rồi hợp cùng các dầu lĩnh khác chuốc thuốc mê. Sau đó, vẫn chính Thang Long giả dạng Từ Ninh đi đánh người cướp của để đổ lên đầu anh mình đủ thứ tội danh, tuyệt đường trở lại kinh thành.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 5

Vì muốn trả thù riêng và thuận đường tiến thân, Thang Long đã mưu hại người anh họ Từ Ninh.

 

Con đường hoạn lộ hanh thông, cuộc sống giàu sang phú quý của Từ Ninh bị Thang Long một mình phá hủy hết. Vì tư thù, và vì con đường tiến thân của mình ở Lương Sơn, Thang Long đã bất chấp tất thảy mà làm bao điều tệ hại với Từ Ninh. Đó không phải hành vi của anh hùng mà đích xác là kẻ chân tiểu nhân, thật đáng khinh vậy!

Tôn Lập: Lập mưu hại chết huynh đệ đồng môn

Tôn Lập xếp thứ 39 trong 108 vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc, được sao Địa Dũng Tinh chiếu mệnh. Tôn Lập, nguyên quán Quỳnh Châu, thân cao tám thước, mặt vàng nhiều râu, tròng mắt đen tuyền, tánh tình nóng nảy, dáng người giống Uất Trì Kính Đức nhưng vì làn da nhợt nhạt nên thường được gọi là Bệnh Uất Trì. Tôn Lập giữ chức Đề Hạt cai quản binh mã Đăng Châu, thường sử dụng trường thương, lưng đeo ngọn roi sắt tên Hổ Nhãn Trúc Tiết Cang Tiệm, lại có tài bắn cung. Võ nghệ của Tôn Lập cũng thuộc loại siêu quần, từng đánh 30 hiệp bất phân thắng bại với Hô Diên Chước.

Tôn Lập lần đầu xuất hiện ở hồi 48, khi chàng cùng vợ chồng em trai Tôn Tân – Cố Đải Tẩu và hai chú cháu Trâu Uyên – Trâu Nhuận tham gia vào vụ giải cứu hai anh em Giải Trân – Giải Bảo khỏi ngục Đăng Châu, rồi sau đó cùng nhau gia nhập Lương Sơn. Sẵn sàng vì nghĩa mà từ bỏ quan chức, Tôn Lập ban đầu khiến đa số lầm tưởng chàng ta là chân anh hùng hảo hán.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 6

Bệnh Uất Trì Tôn Lập - Trí dũng song toàn.

 

Nhưng hóa ra không phải như vậy. Con người Tôn Lập hiện ra rõ nét hơn ở hồi 49 khi nhân vật này, giúp Tống Giang và quân Lương Sơn đánh Chúc Gia Trang. Nếu Tôn Lập dùng tài dũng lược của mình hạ được Chúc Gia Trang thì không có gì đáng bàn, đằng này chàng ta lại dựa vào sự tin tưởng của Loan Đình Ngọc – đệ nhất nhân của Chúc Gia Trang, cũng là sư huynh đệ đồng môn học võ thân thiết thuở trước để thi triển kế nội gián.

Kế sách của Tôn Lập kết hợp cùng cuộc tổng tấn công của các cánh quân Lương Sơn, nội ứng ngoại hợp, thành công vang dội. Chúc Gia Trang bị hạ, nhiều đầu lĩnh được giải cứu, Loan Đình Ngọc thiệt mạng (điều đáng chú ý là Thi Nại Am không hề viết rõ ai đã giết Loan Đình Ngọc trừ duy nhất lời cảm thán của Tống Giang – phải chăng chính Tôn Lập?), Lương Sơn thu được thành quả to lớn trong chiến dịch đầu tiên của Tống Giang. Còn cá nhân Tôn Lập có màn ra mắt không thể chê vào đâu được.

ba dau linh… dang khinh thuong nhat luong son bac hinh anh 7

Nhưng để lập công cho Lương Sơn, Tôn Lập đã hại chết sư huynh đệ đồng môn.

Sau đó Tôn Lập còn lập thêm nhiều công lớn nữa, đáng chú ý là việc bắt sống phó tướng của Quan Thắng – Hác Tư Văn nhưng khi xếp hạng chung cuộc 108 vị anh hùng, một Tôn Lập võ nghệ bậc nhất, góp nhiều công sức, lại chỉ ngồi ghế thứ 39, chỉ là một “mã quân tiểu tướng”. Tại sao vậy? Chính là vì Tống Giang cùng Ngô Dụng nhìn ra được con người ‘hai mặt’ của họ Tôn vậy.

 

Một kẻ vì lợi ích cá nhân sẵn sàng bàn đứng thậm chí khiến huynh đệ đồng môn thân thiết phải đi vào chỗ chết như Tôn Lập, rõ ràng không đáng mặt anh hùng để tín nhiệm mà ngồi ngôi cao ở Lương Sơn vậy!

Theo danviet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm