Bí ẩn "con rắn trong chân người" mà Hoa Đà phát hiện cách đây 2.000 năm, y học giải mã căn bệnh đáng sợ
Những khu vực bí ẩn nhất thế giới các nhà khoa học chưa thể lý giải / Dùng khuẩn E. coli, các nhà khoa học tái chế chai nhựa thành vani làm kem
Nhắc đến Hoa Đà (145 – 208), hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vị thần y vô cùng nổi tiếng. Ông tự là Nguyên Hóa, quê ở huyện Bặc tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, vị thần y họ Hoa này đã thực hiện các cuộc phẫu thuật ngoại khoa và mổ lồng ngực, sau đó dùng kim chỉ khâu lại như cũ mà không có bất kỳ sai sót nào. Với nền y học cách đây 1800 năm mà làm được vậy cũng đủ chứng minh y thuật của ông tài tình đến thế nào.
Sinh thời, Hoa Đà xuất thân từ Nho học nhưng lại nhờ vào tài y thuật cao siêu của mình mà nổi tiếng. Ngày nay dân gian vẫn còn lưu truyền những câu chuyện kể về cuộc đời và cách chữa bệnh của ông. Một trong số đó phải kể đến "con rắn trong chân người" khiến bao người ngưỡng mộ khả năng trời phú, bây giờ y học hiện đại nhìn lại vẫn thấy khâm phục ông.
Câu chuyện "Hoa Đà và con rắn trong chân người"
Một ngày nọ, khi đang dạo bước trên đường, Hoa Đà bất chợt gặp một người nông dân đang đi khập khiễng trước mặt. Chỉ nhìn sơ qua, ông cũng biết người đó đang mắc bệnh nên vội chạy lại bắt chuyện: "Trong cái nhọt bầm ở chân ông có một con rắn đấy, hãy chữa trị ngay đi".
"Chỉ là cái nhọt hơi to mà thôi, nó mọc cũng vài tháng rồi. Tôi cũng thấy đau nhức và khó chịu lắm, nhưng đi chữa bao nhiêu nơi, uống bấy nhiêu thuốc rồi vẫn không lành nên đành mặc kệ" - Người nông dân vốn chưa hiểu chuyện gì nhưng vẫn lịch sự đáp lại.
Người nông dân thắc mắc bèn hỏi thêm: "Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là cái nhọt bọc, làm sao có con rắn sống được trong đó?". Hoa Đà bèn nói: "Chữa sớm đi, đừng đợi đến khi nó vỡ rồi thối loét ra thì phải cắt cụt chân hoặc mất mạng cũng nên". Người này cảm thấy khó tin, không muốn nghe danh y họ Hoa nói nữa nên cáo từ, lẳng lặng rời đi.
Đi được một quãng thì bỗng có một người khác chạy lại, vỗ vai người nông dân kia và hỏi: "Hồi nãy Hoa Đà nói chuyện gì với ông thế?". Lúc này, người nông dân mới vỡ lẽ đó là một thần y nổi tiếng mà thiên hạ vẫn đồn đại bấy lâu nay, được diện kiến quả là một vinh dự. Tuy nhiên người nông dân bèn phá lên cười rồi nói:
"Xưa giờ cứ nghe Hoa Đà tiếng tăm vang dội khắp thiên hạ thế nào, nhưng hôm nay vô tình gặp mới biết, hóa ra cũng chỉ là tên lang băm mà thôi. Dưới cổ chân tôi vốn có cái nhọt bầm lâu rồi, vậy mà ông ta dám nói là trong này có một con rắn, nghe có tin được không chứ" – Người nông dân trả lời.
Nghe xong thì người kia cũng tỏ vẻ khó tin, nhưng vẫn từ tốn khuyên người nông dân rằng: Hoa Đà đã mang danh xưng thần y thì chẩn bệnh chắc không bao giờ sai, sao không bảo ông ấy chữa trị xem sao? Chẳng mấy khi Hoa Đà đi ngang qua đây, nếu bỏ qua dịp này thì sau này mắc bệnh đúng như vậy thì hối cả đời cũng không kịp.
Người nông dân nghe có lý bèn tập tễnh đuổi theo, cuối cùng cũng may mắn tìm được nơi mà Hoa Đà đang nghỉ trọ để xin được chữa bệnh. Thần y họ Hoa thấy vậy bèn bảo người này nằm xuống, sau đó bắt đầu tiến hành chữa trị.
Hoa Đà mở hộp gỗ lấy ra con dao vừa mỏng, vừa nhỏ nhưng cực sắc. Ông rạch lớp da bên ngoài cái nhọt bằng hai đường vuông góc hình chữ thập rồi lật ra 4 phía. Người nông dân nhìn vào mới phát hoảng, bởi quả đúng trong cái nhọt của mình đang có một búi bùng nhùng đang ngọ nguậy cử động. Tiếp theo, Hoa Đà lấy thêm một cái móc bằng đồng nhỏ để thọc và lôi cái búi đó ra, trong đó có một con vật vừa nhỏ, vừa dài y hệt con rắn.
Sau khi lấy con vật đó ra xong, Hoa Đà dùng kim chỉ khâu lại vết thương và bảo người này yên tâm ra về, bệnh sẽ dần khỏi. Người nông dân liền cám ơn rối rít và thầm cảm phục tài năng của vị thần y. Câu chuyện kỳ lạ này đã được nhiều người truyền lại đến thời ngày nay.
"Con rắn trong chân người" thực chất là loại bệnh gì?
Có thể khi mới nghe qua câu chuyện thì ai cũng nghĩ nó thật hoang đường. Nhưng thực tế, sau này y học hiện đại đã tìm ra "con rắn trong chân người" kia chính là một loại giun thường ký sinh và phát triển ở hai chi dưới của con người. Hiện nay chúng ta gọi đó là bệnh giun chỉ.
Cụ thể, bệnh giun chỉ thường phổ biến ở các nước có thời tiết nóng ẩm, nhất là Đông Nam Á. Loại ký sinh trùng này lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi đốt, sau đó phát triển thành giun trưởng thành trong hệ mạch bạch huyết của cơ thể người.
Ấu trùng và giun chỉ trưởng thành không thể tồn tại trong môi trường tự nhiên, chúng chỉ có thể ký sinh ở người bệnh và trong cơ thể muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, sống ở môi trường mất vệ sinh, nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nhiều ao bèo… đều là những yếu tố thuận lợi cho muỗi lây bệnh giun chỉ sang người.
Triệu chứng và cách chữa trị bệnh giun chỉ
Triệu chứng ban đầu của bệnh giun chỉ không xuất hiện rõ ràng. Bệnh nhân hay có những cơn sốt cao đột ngột từ 3-7 ngày, sau đó xảy ra tình trạng viêm hạch bạch huyết. Vị trí viêm bị sưng tấy đỏ lên, xuất hiện ở mặt trong của chi dưới, vùng bẹn có thể sưng to và gây đau.
Khi bệnh trở nên nặng hơn, bạn có thể mắc chứng phù chân voi khiến da dày lên và phù dần từ dưới lên. Bệnh nhân còn bị viêm bộ phận sinh dục, làm giảm khả năng lao động và cản trở sinh hoạt hàng ngày. Một số người cũng đi tiểu ra màu trắng như nước vo gạo, để lâu không lắng.
Khi mắc những dấu hiệu trên, người bệnh cần lập tức đến những cơ sở y tế gần nhất để tiến hành thăm khám. Ngoài ra, để phòng tránh bệnh giun chỉ, bạn cần phải làm mọi cách để ngăn không cho muỗi tấn công và phát triển xung quanh nhà: Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vứt bỏ lu vại vỡ quanh nhà, mặc đồ sáng và mắc mùng khi đi ngủ…
Tất cả mọi người đều là đối tượng có thể nhiễm bệnh và cơ thể người là ổ chứa duy nhất của giun chỉ. Do đó, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh chính là cách phòng ngừa bệnh giun chỉ hữu hiệu nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao phân hà mã lại có thể giết chết hàng nghìn con cá mỗi năm? Phân hà mã đáng sợ đến mức nào?
CLIP: Cầy mangut 'đánh úp' rắn hổ mang và cái kết khiến người xem 'sốc' nặng
Cận cảnh 'cầu say rượu' ngoạn mục và độc đáo bậc nhất thế giới tại Na Uy
CLIP: Đang mải mê húc nhau, linh dương impala bị sư tử tóm gọn và cái kết
CLIP: Khỉ chủ động tấn công rắn hổ mang chúa và cái kết bất ngờ
CLIP: Hổ cắn chết rồi kéo báo đốm đi trước mặt du khách