Bí ẩn cuộc mặc cả 'đen tối' gây Thế chiến 2
Thí nghiệm khoa học và kết quả đáng sợ từ mì ăn liền / Bí ẩn chưa lời giải của các hộp sọ kinh dị nhất trong lịch sử
Nằm trong kế hoạch thôn tính châu Âu để làm bàn đạp và hậu phương tiến công Liên Xô, ngày 11-12/3/1938, quân đội của nước Đức phát xít tràn vào chiếm đóng nước Áo. Hitler tuyên bố sáp nhập Áo vào đế quốc Đức. Là những nước bảo trợ cho Áo theo tinh thần Hiệp ước Saint Germain (1920), song Anh và Pháp đã làm ngơ bỏ mặc đồng minh.
Xuất phát từ toan tính lợi dụng sức mạnh của nước Đức quốc xã để thanh toán Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ đã thoả hiệp với hành động xâm lược này của Đức. Sau sự kiện này, không một chính phủ phương Tây nào lên tiếng phản đối. Pháp, Anh và Vatican đều lập tức công nhận sự sáp nhập đó. Mỹ chỉ thay sứ quán ở Vienna bằng một lãnh sự quán.
Trùm phát xít Hitler. |
Sau Áo, đến lượt Tiệp Khắc trở thành nạn nhân thứ hai của sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít, đồng thời cũng là nạn nhân thứ hai của sự phản bội của Anh, Pháp, Mỹ.
Ban đầu, Hitler dự định thôn tính Tiệp Khắc bằng một cuộc tiến công quân sự. Một kế hoạch mang tên "Màu xanh" đã được soạn thảo, trong đó cớ để tiến công Tiệp Khắc là sự kiện Đại sứ Đức tại Praha bị ám sát, còn "đội quân thứ 5" sẽ là mấy triệu kiều dân Đức sống ở phía bắc Tiệp Khắc. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của nhân dân Tiệp Khắc. Lực lượng yêu nước, nòng cốt là những người cộng sản, đã biểu lộ quyết tâm sẵn sàng đánh trả quân xâm lược.
Chính phủ Liên Xô cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Tiệp Khắc theo tinh thần Hiệp ước tương trợ Xô - Tiệp kí năm 1935. Trước tình hình đó, Hitler buộc phải chuyển sang sử dụng con đường ngoại giao. Và một lần nữa, các cường quốc phương Tây lại được "Quốc trưởng" lựa chọn làm bạn chơi trong canh bạc này.
Vào thời gian đó tại Sudetes, Đức đã dựng lên một tổ chức quốc xã tay sai do K.Henlen làm thủ lĩnh. Mục tiêu chính của tổ chức này là sáp nhập miền Sudetes giàu có vào nước Đức. Tháng 5/1938, Chính phủ của Tổng thống Benes đã chấp nhận yêu sách của Henlen cho vùng Sudetes được hưởng quyền "tự trị". Anh, Pháp cũng ngầm ủng hộ yêu sách này.
Tháng 6/1938, chính phủ Anh, Pháp đã cử một phái đoàn chung do Bá tước Rensiman cầm đầu, đến Tiệp Khắc để "nghiên cứu tình hình" và phác thảo một kế hoạch gồm: Tiệp Khắc phải trả Sudetes cho Đức; chấm dứt tuyên truyền chống phát xít; huỷ bỏ Hiệp ước tương trợ Xô - Tiệp; kí kết các hiệp định kinh tế Đức - Tiệp...
Ngày 19/9/1938, Chính phủ Anh, Pháp gửi giác thư "khuyên" Chính phủ Tiệp Khắc chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Đức. Ngày hôm sau, 20/9, đại sứ Anh và đại sứ Pháp tại Praha gặp Tổng thống Benes, tuyên bố Anh và Pháp sẽ không thể chi viện Tiệp Khắc trong trường hợp nước này bị phát xít Đức tiến công.
Năm 1935, Pháp và Liên Xô đã kí Hiệp ước tương trợ. Cũng trong năm đó, được sự đồng ý của Chính phủ Pháp, Tiệp Khắc cũng đã kí một hiệp ước tương tự với Liên Xô, nhưng có điều khoản quy định: Trong trường hợp Pháp giúp Tiệp Khắc thì Tiệp Khắc mới tiếp nhận sự chi viện của Liên Xô. Do vậy, Pháp không thực hiện Hiệp ước tương trợ với Tiệp Khắc thì Liên Xô cũng mất cơ sở pháp lí để thực hiện nghĩa vụ chi viện cho Tiệp Khắc.
Tuy vậy, ngày 21/9/1938, Liên Xô thông báo cho Chính phủ Tiệp Khắc rằng, Liên Xô sẵn sàng đơn phương giúp Tiệp Khắc, với điều kiện Tiệp Khắc phải kháng chiến và lên tiếng yêu cầu Liên Xô giúp đỡ. Lúc bấy giờ, 30 sư đoàn bộ binh cùng một số lượng lớn xe tăng, máy bay của quân đội Liên Xô đã áp sát biên giới Tiệp Khắc và sẵn sàng chờ lệnh. Thế nhưng, Chính phủ Tiệp Khắc đã khước từ đề nghị thiện chí của Liên Xô.
Trùm phát xít Đức Adolf Hitler (phải) bắt tay với Thủ tướng Anh Neville Chamberlain tại Munich, Đức ngày 23/9/1938. |
Ngày 29-30/9/1938, tại thành phố Munich của Đức đã diễn ra hội nghị giữa những người đứng đầu Anh, Pháp, Đức, Ý để bàn về vấn đề Tiệp Khắc. Ngày 29/9, các bên tham dự đã kí Hiệp ước Munich quy định trong vòng 10 ngày, kể từ 01/10/1938, Tiệp Khắc phải cắt Sudetes và vùng giáp giới Áo trả cho Đức; toàn bộ tài nguyên và tài sản kinh tế ở đó không được di chuyển; tất cả các công trình phòng thủ phải để y nguyên…
Hiệp ước Munich đã làm Tiệp Khắc mất 1/3 lãnh thổ và 2/3 tiềm lực kinh tế, dọn đường cho phát xít Đức thôn tính toàn bộ lãnh thổ vào năm 1939.
Anh và Pháp thông báo với nhân dân trong nước và dư luận thế giới về Hiệp ước Munich như là "một cố gắng để gìn giữ hoà bình". Đó là một lời dối trá trắng trợn. Thực ra, hội nghị Munich là một phiên chợ đen xấu xa, trong đó Anh và Pháp - những nước "bảo hộ" Tiệp Khắc đã dâng nước này cho Hitler để đổi lấy những lời hứa hão của Hitler về "một nền hoà bình" và để chĩa mũi nhọn tiến công về phía Liên Xô.
Mỹ tuy không tham dự hội nghị và không kí hiệp ước, song đã đứng sau hậu trường để giật dây, xúi giục và gây sức ép để Anh, Pháp và Tiệp Khắc nhượng bộ Hitler. Trước hội nghị, các đại sứ Mỹ tại London, Paris , Berlin và Praha ráo riết hoạt động vì mục đích đó. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Samner Wan cảnh báo Pháp chớ vì Tiệp Khắc mà gây chiến tranh với Đức, nếu không Mỹ sẽ ngừng viện trợ.
"Được voi đòi tiên" và trắng trợn phản bội những cam kết ở Munich, ngày 15/3/1939 Hitler cho quân chiếm đóng phần còn lại của Tiệp Khắc, chia quốc gia này thành 2 nước Chekh và Slovakia đặt dưới quyền bảo hộ của Đức. Anh và Pháp chẳng những không lên án, mà còn nhanh nhẩu công nhận hành động của Hitler.
Khi thông qua kế hoạch "Màu trắng" tấn công Ba Lan mở đầu Thế chiến 2, Hitler từng nói với cấp dưới về khả năng phản ứng của các nước phương Tây: "Anh và Pháp đều có cam kết, nhưng chẳng nước nào muốn thực hiện những cam kết đó... Ở Munich, tôi đã nhìn thấy khuynh hướng này ở Chamberlain (Thủ tướng Anh) và Daladier (Thủ tướng Pháp)".
Rõ ràng, chính sách đầu hàng thoả hiệp của Anh, Pháp, Mỹ đã khuyến khích phát xít Đức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở châu Âu. Hiệp ước Munich đã không củng cố được hoà bình, không cứu được Tiệp Khắc. Ngay Anh, Pháp, Mỹ cũng không thoát được chiến tranh. Hitler không những chiếm đóng Tiệp Khắc, Ba Lan, phần lớn các nước châu Âu, tiến công Liên Xô mà còn tuyên chiến với các nước này.
Hiệp ước Munich đã đi vào lịch sử như một vết nhơ của nền ngoại giao Anh, Pháp và Mỹ. Chính vì thế sau chiến tranh, Hiệp ước Munich đã bị tuyên bố là không có giá trị. Hơn 80 năm trôi qua, song những bài học rút ra từ cuộc mặc cả đen tối này vẫn còn nguyên giá trị nóng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo